Thứ năm, 28/12/2023, 14:56 (GMT+7)

Hệ lụy khi sử dụng quá nhiều đồ ăn nhanh

Thường xuyên sử dụng đồ ăn nhanh, đồ chiên rán và ít vận động khiến nữ sinh 16 tuổi tăng cân nhanh bất thường và bị căn bệnh mà cả bà nội lẫn bà ngoại đều mắc phải.

Nữ sinh 16 tuổi mắc bệnh đái tháo đường

Các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương cảnh báo, thời gian gần đây, tình trạng trẻ hóa ở bệnh nhân đái tháo đường đang ngày càng báo động. Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các ca bệnh đái tháo đường type 2 trẻ tuổi, thậm chí ở lứa tuổi học sinh trung học.

dai thao duong
Số lượng ca bệnh đái tháo đường type 2 trẻ tuổi ngày càng tăng.

Trường hợp mới đây nhất là bệnh nhân nữ 16 tuổi có biểu hiện đau đầu, đi khám tại bệnh viện tuyến dưới được chẩn đoán mắc đái tháo đường, điều trị 7 ngày nhưng đường huyết chưa ổn định nên chuyển tuyến tới Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Theo kết quả thăm khám, bệnh nhân mắc đái tháo đường – rối loạn chuyển hóa, kháng insulin, béo phì độ 2 (cao 1m70 và nặng 90kg), gai đen vùng cổ, buồng trứng đa nang.

T. được đưa vào điều trị nội trú tại Khoa Thận tiết niệu. Đáng chú ý, tiền sử gia đình bệnh nhân có bà nội và bà ngoại đều đang mắc đái tháo đường. Nữ sinh này thường xuyên sử dụng đồ ăn nhanh, đồ chiên rán, rất ít vận động và thường ngồi tĩnh tại hàng giờ đồng hồ. Gia đình không kiểm soát, chú ý đến chế độ ăn nên 2 năm gần đây, nữ sinh này tăng cân nhanh bất thường.

Sau một tuần điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, T. đã hết các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, đường huyết đã ổn định và giảm được 3 kg.

Khuyến cáo của chuyên gia

Trước thực trạng trên, các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh cần thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ, dùng thuốc đúng liều, đủ thời gian để đạt được HbA1c (chỉ số lượng glucose gắn với hemoglobin trong hồng cầu) mục tiêu. Người bệnh cần kiểm soát chế độ ăn uống, hạn chế ăn những thực phẩm chứa nhiều tinh bột, chất đường, chứa hàm lượng chất béo bão hòa và mỡ cao. Nên tham khảo và tư vấn chế độ ăn của chuyên gia dinh dưỡng. Theo dõi đường huyết thường xuyên để có kế hoạch kiểm soát đường máu.

Để phòng chống tình trạng thừa cân, béo phì ở tuổi học đường, các chuyên gia khuyên người lớn chú ý những điều sau khi chăm sóc trẻ:

- Cho trẻ ăn cân đối, đa dạng các loại thực phẩm, tăng cường ăn cá, hải sản.

- Ăn nhiều rau xanh và hoa quả ít ngọt. Giảm bớt gạo, thay bằng khoai, ngô là những thức ăn cơ bản giàu chất xơ.

- Nên uống sữa không đường, trẻ lớn nên uống sữa gầy (sữa bột tách bơ). Không nên uống sữa đặc có đường.

do an nhanh
Hạn chế tối đa thức ăn nhanh, nhiều đường

- Ăn đều đặn, đúng giờ, ăn đủ 3 bữa, không bỏ bữa (nhất là bữa sáng). Khi ăn nên nhai kĩ và ăn chậm.

- Hạn chế các món chiên, rán, xào và thực phẩm chế biến sẵn. Hạn chế tiền tiêu vặt để giảm việc trẻ mua thức ăn không lành mạnh dễ gây thừa cân, béo phì.

- Không uống các loại nước ngọt đóng chai, nước ngọt có gas. Hạn chế các loại bánh kẹo, đường mật, kem. Không dự trữ các loại thức ăn giàu năng lượng như: bơ, pho mát, bánh, kẹo, socola, kem, nước ngọt...

- Tăng cường vận động thể lực, hạn chế ngồi lâu một chỗ, đọc truyện, chơi game, vào mạng xã hội…

- Theo dõi cân nặng và chiều cao định kỳ của trẻ bằng cách cân, đo hàng tháng. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu thấy bất thường.

- Cho trẻ ngủ sớm (nên ngủ trước 22 giờ) và ngủ đủ giấc.

Cùng chuyên mục