Có nên gội đầu khi bị cảm cúm không?
Vào những ngày trời lạnh, bạn rất dễ bị cảm cúm với những triệu chứng như ho khan, sổ mũi… Có nên gội đầu trong những lúc này?
Dấu hiệu bệnh cảm cúm
Cảm cúm là một hiện tượng nhiễm trùng đường hô hấp do virus cúm gây ra, bệnh thường bắt đầu bất ngờ và tùy vào thể trạng, sức đề kháng của mỗi người sẽ có thời gian khỏi khác nhau, nhưng thường sẽ kéo dài từ 5-10 ngày thì khỏi hẳn.
Các triệu chứng của bệnh cảm cúm thường gặp là:
- Cơ thể mệt mỏi, uể oải, đau cơ, đau khớp
- Ho, sổ mũi, đau họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
- Sốt cao hoặc bị hạ thân nhiệt
- Đôi khi chán ăn, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa…
Trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm thấp, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương, làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh. Bệnh lây lan qua đường hô hấp, khi các giọt nhỏ từ nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng của người nhiễm virus cúm được phát tán ra môi trường lúc ho hoặc hắt hơi.
Bị cảm cúm có gội đầu được không?
Theo các chuyên gia, khi bị cảm cúm, người bệnh vẫn có thể gội đầu. Gội không những không gây hại mà mang lại một số tác dụng như:
Làm sạch tóc và da đầu
Khi bị cúm, cơ thể thường tiết ra nhiều mồ hôi và dầu nhờn khiến tóc và da đầu trở nên bết dính, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Gội đầu giúp loại bỏ vi khuẩn và bụi bẩn trên tóc và da đầu, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể chống lại bệnh tật.
Giảm căng thẳng, mệt mỏi
Khi gội đầu, cơ thể được tiếp xúc với nước ấm, giúp tăng cường lưu thông máu, giảm đau nhức cơ và thư giãn tinh thần. Bạn sẽ cảm thấy bớt mệt mỏi hơn khi gội đầu.
Lưu ý gì khi gội đầu lúc bị cảm
Không gội đầu bằng nước lạnh
Khi bị cảm cúm, sức đề kháng của cơ thể giảm nên việc xả nước lạnh trực tiếp lên da đầu sẽ gây ra tổn thương, khiến cơ thể bị nhiễm lạnh, làm nặng hơn tình trạng bệnh hoặc gây đột quỵ vào mùa đông.
Gội đầu bằng nước ấm
Nhiệt độ nước thích hợp để gội đầu là khoảng 38-44 độ C. Nước ấm giúp làm sạch tóc tốt hơn, kích thích tuần hoàn máu tại da đầu, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu, thư giãn tinh thần và ngủ ngon giấc hơn.
Không cào gãi mạnh khi gội đầu
Nhiều người có thói quen dùng lược chải hoặc dùng móng tay cào gãi da đầu khi đang gội đầu. Hành động này không chỉ khiến cho tóc rụng nhiều hơn mà còn làm tăng cảm giác khó chịu, gây đau đầu nhiều hơn, đặc biệt khi đang bị cảm cúm.
Không gội đầu quá lâu
Khi bị cảm cúm, bạn chỉ nên gội đầu nhanh khoảng 5-10 phút. Gội đầu quá lâu có thể làm da đầu bị kích ứng, khiến bệnh trầm trọng hơn. Bạn cũng không gội đầu sáng sớm hoặc đêm muộn. Sử dụng một số loại dầu gội thảo dược dịu nhẹ có tác dụng tốt để chống cảm và không kích ứng da đầu.
Làm khô tóc ngay sau khi gội đầu
Sau khi gội đầu, bạn cần lấy khăn mềm lau bớt nước ở tóc rồi dùng máy sấy ấm để sấy thật khô. Bạn cũng có thể bôi thêm các loại tinh dầu để làm ấm đầu và người hơn. Tuyệt đối tránh ở nơi có luồng gió thổi sau khi vừa gội đầu xong.
Không gội đầu có triệu chứng sốt
Để bảo đảm an toàn, khi cảm cúm mà muốn gội đầu, bạn nên đo nhiệt độ cơ thể. Nếu phát hiện đang sốt, đừng vì quá sạch sẽ mà xả nước vào đầu bởi sẽ khiến thân nhiệt tăng cao mà làm bệnh trầm trọng hơn.