Tiếp Thị Gia Đình

Thứ hai, 23/01/2023, 17:31 (GMT+7)

Ba điều cần lưu ý không nên làm sau khi uống rượu, bia

Tắm gội, vận động mạnh hay ngồi trước quạt, đi ra ngoài trời lạnh là những việc chuyên gia khuyên tuyệt đối tránh sau khi đã uống rượu, bia.

cheers_alcohol_liquor_spirits_wh_1
Sau khi uống rượu, bia không nên gặp lạnh, tắm hay vận động mạnh. Ảnh: Shutterstock.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Thủy - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu điều trị cai nghiện, Bệnh viện Châm cứu Trung ương - cho biết khi mới vừa uống rượu bia, cơ thể chúng ta ấm lên và cảm thấy nóng. Do cồn kích thích làm mạch máu giãn nở, tuần hoàn máu tăng khiến da mẩn đỏ, thân nhiệt tăng. Lúc này, nhiều người cởi bỏ áo tuy nhiên sau đó mạch co, khiến chúng ta dễ nhiễm lạnh, mắc bệnh hay trúng gió.

Không nên đi ra ngoài trời lạnh hoặc ngồi trước quạt

“Khi trong cơ thể đã có cồn, tốt nhất, bạn không nên đi ra ngoài lạnh hoặc ngồi dưới quạt quá mạnh sẽ khiến cho cơ thể dễ bị cảm lạnh, trúng gió”, bác sĩ Thủy khuyến cáo.

Không nên vận động mạnh

Sau khi uống rượu, bia, người dân không nên vận động thể chất quá nhanh và mạnh như chơi thể thao, chạy bộ, làm việc nặng nhọc... Trong những trường hợp này, tập thể dục gây mất nước, mệt mỏi và yếu sức, có thể tạo ra những hậu quả có hại cho cơ thể.

Rượu cũng tác động đến phản ứng, sức mạnh, sức chịu đựng của cơ thể, khiến cho buổi tập ẩn chứa nguy hiểm tiềm tàng, có thể gây chấn thương.

bsthuy_962
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Thủy - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu điều trị cai nghiện, Bệnh viện Châm cứu trung ương. Ảnh: Vietnamnet.

Không tắm, gội

Bác sĩ Nguyễn Văn Thủy nhấn mạnh tuyệt đối không nên tắm ngay khi kết thúc bữa rượu, kể cả tắm bằng nước nóng. Hành động này có thể khiến hạ đường huyết và rất dễ bị ngất. Bên cạnh đó, việc này cũng khiến cơ thể hạ thân nhiệt, dễ trúng gió.

“Để phòng tránh hiện tượng trúng gió sau khi uống bia, rượu, chúng ta phải giữ ấm cơ thể, mặc quần áo ấm. Người đã uống nhiều bia rượu cũng không nên đi ngoài đường, tránh việc tắm, gội để không làm hạ nhiệt độ cơ thể”, bác sĩ Thủy thông tin.

Vị chuyên gia cho hay theo từng thể trạng, cơ địa việc ngộ độc rượu hay say rượu, bia sẽ có nhiều mức độ khác nhau.

Đối với người say rượu, bia biểu hiện nhẹ có thể xảy ra như không kiểm soát được cảm xúc, dễ nổi giận, chóng mặt, hoa mắt, đi không vững. Những người có biểu hiện say ở mức độ này chỉ cần nghỉ ngơi, sau khi nồng độ cồn trong cơ thể đào thải, giảm dần sẽ tỉnh táo.

Những trường hợp uống quá nhiều, quá mức đáp ứng của cơ thể có thể xảy ra tình trạng ngộ độc rượu ethanol. Say rượu quá mức cũng là một dạng ngộ độc rượu.

Biểu hiện của ngộ độc rượu nặng là nôn nhiều, vã mồ hôi, giảm ý thức, thậm chí hôn mê. Nhiều trường hợp tím tái, vệ sinh không tự chủ… cần đưa đến bệnh viện để xử lý kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thủy cũng khuyến cáo người dân uống chỉ nên dưới hai đơn vị cồn/ngày với nam giới, dưới một đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá năm ngày trong một tuần.

Trong đó, một đơn vị cồn tương đương 10 g cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy, một đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); một cốc bia hơi 330 ml; một ly rượu vang 100 ml (13,5%) hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%).

Để giảm say, trước khi uống rượu, người dân nên ăn uống đầy đủ, có thể ăn thêm tinh bột, các thức ăn giàu lipid. Điều này có tác dụng làm chậm quá trình hấp thu rượu vào cơ thể. Sau khi tỉnh rượu, bạn nên ăn uống các loại thực phẩm chứa nhiều tinh bột, thực phẩm có đường, đầy đủ dinh dưỡng đề hồi phục sức khỏe.

“Đối với những người sử dụng nhiều rượu, bia khi thấy họ có biểu hiện như nói không rõ, ú ớ, gọi không phản ứng, thở yếu, tím tái, bất tỉnh, chân tay lạnh… người xung quanh cần đưa họ ngay đến cơ sở y tế để xử trí kịp thời”, bác sĩ Thủy khuyến cáo.

Cùng chuyên mục