3 loại bệnh dễ gặp khi thời tiết nồm ẩm
Trong điều kiện thời tiết ẩm ướt, mưa phùn, các loại virus, vi khuẩn, nấm mốc phát triển mạnh gây ra nhiều bệnh tật ảnh hưởng đến sức khỏe.
Liên tiếp nhiều ngày qua, thời tiết miền Bắc mưa phùn, nồm ẩm, sương mù dày đặc khiến nhiều người cảm thấy khó chịu và dễ đổ bệnh, đặc biệt là trẻ em, người già là đối tượng có sức đề kháng giảm.
Thời tiết miền Bắc những ngày qua nồm ẩm, sương mù dày đặc
Bệnh lý đường hô hấp
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai thời tiết nồm ẩm là môi trường lý tưởng cho các mầm bệnh như nấm mốc, vi khuẩn, virus sinh sôi. Các bệnh lý hàng đầu thường phát sinh trong kiểu thời tiết này bao gồm: cảm cúm, viêm phế quản, viêm phổi, viêm đường hô hấp.
Bên cạnh đó, nồm ẩm cũng làm tăng mức độ trầm trọng của một số bệnh đường hô hấp mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản…
Đối tượng dễ trở thành nạn nhân của các bệnh lý đường hô hấp trong tiết trời ẩm ương này chính là trẻ em và người già.
"Ho, sốt, chảy nước mũi là triệu chứng chung của nhiều bệnh về đường hô hấp thường gặp trong thời tiết nồm ẩm. Một thói quen khó bỏ dễ dẫn đến nhiều hệ lụy của người Việt chính là tự chẩn đoán bệnh cho mình rồi tự mua các loại thuốc hạ sốt, thuốc kháng sinh quen dùng để điều trị tại nhà", BS Dũng phân tích.
BS Dũng cảnh báo, chớ nên chủ quan trước những dấu hiệu tưởng như bình thường này, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Theo chuyên gia này, chảy mũi trong, sốt nhẹ, ho có thể là biểu hiện giai đoạn đầu của bệnh viêm phổi và việc tự ý điều trị, không qua chẩn đoán bệnh của bác sĩ sẽ rất nguy hiểm.
Thời tiết ẩm ướt, mưa phùn,... khiến trẻ dễ mắc bệnh (Ảnh minh họa)
Nấm da
Theo ThS.BSCKII Nguyễn Tiến Thành - thành viên Hội Da liễu Việt Nam, quần áo, chăn ga ẩm ướt do thời tiết nồm ẩm cũng là điều kiện lý tưởng cho bệnh nấm da phát triển.
Chế độ sinh hoạt không khoa học của nhiều người trong thời tiết nồm ẩm như vệ sinh không sạch cũng có thể dẫn tới nấm vùng kín, nấm da ở những khu vực hay ra mồ hôi như kẽ chân, kẽ tay…
Người bệnh khi bị nấm da sẽ luôn cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu. Trên da thường xuất hiện các tổn thương như đám tròn đỏ, vùng da không đều màu, ranh giới rõ có thể có mụn nước nhỏ ở bờ viền.
"Khi bệnh trở nên nặng hơn do không được điều trị, hoặc điều trị không đúng cách, tổn thương da càng nặng nề. Tình trạng này kéo dài khiến vùng da trở nên sần sùi, biến dạng, gây ra nhiều đau đớn cho bệnh nhân", BS Thành cho hay.
Các thuốc trị nấm sẽ có tác dụng điều trị các bệnh da do nấm. Chúng có thể tiêu diệt nấm trực tiếp hoặc ngăn không cho nấm phát triển.
Dùng thuốc điều trị nấm phải tùy thuộc vào loại bệnh, nhiễm nấm gì, vùng cơ thể nào bị nhiễm nấm... Do đó, bệnh nhân nên đi khám các bác sĩ chuyên khoa da liễu, để được lựa chọn thuốc kê đơn phù hợp.
Các bệnh do virus
Theo BS Lê Văn Thiệu - khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, mùa đông xuân hay có mưa phùn làm độ ẩm tăng cao, trong khi đó nhiệt độ lại không quá cao là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật phát triển.
Ngoài ra, việc cường độ ánh sáng mặt trời thấp trong giai đoạn này cũng giúp vi sinh vật tồn tại lâu hơn, bởi ánh sáng mặt trời có tia UV sẽ giúp sát khuẩn.
"Từ thực tế lâm sàng, trong thời điểm này hàng năm đều là mùa cao điểm các bệnh do virus như: sởi, quai bị, thủy đậu, rubella,…", BS Thiệu nhấn mạnh.
Để phòng ngừa các bệnh lý trong thời tiết nồm ẩm, trước hết cần phải loại bỏ nơi trú ngụ của mầm bệnh ngay trong không gian sống.
Đặc biệt, chính những đồ dùng trong nhà, điển hình là rèm cửa, thảm trải sàn nếu không được vệ sinh sạch sẽ trở thành ổ vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp, trong điều kiện thời tiết này.
Chính vì vậy, BS Thiệu khuyến cáo các gia đình cần chú ý dọn dẹp phòng ốc, bỏ thảm trải sàn, giặt rèm cửa, thay chăn ga thường xuyên.