Núi Mắt Thần - địa điểm cắm trại mới của dân phượt
(Tiếp thị Gia đình) - Núi Mắt Thần nằm gọn trong lòng thung lũng giữa quần thể hồ Thang Hen của công viên địa chất non nước Cao Bằng, nơi có khung cảnh hoang sơ với những bãi cỏ thảo nguyên mênh mông.
Theo tài liệu chính thức được các chuyên gia của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, cũng như các chuyên gia quốc tế hàng đầu của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu thẩm định và ban bố, núi Mắt Thần là một cái hang thủng hình tròn đường kín hơn 50m, nằm ở độ cao khoảng 50m so với mặt hồ (Thang Hen).
Hang Then nằm ở độ cao như hiện tại là do vận động nâng trong giai đoạn Tân kiến tạo. Hang phát triển trong địa hình đá vôi dạng tháp ở độ cao chung khoảng 650-700m, bao gồm các khối núi dạng tháp và dạng nón đan xen với hàng chục hồ nước lớn nhỏ, cùng tạo nên hệ thống hồ Thang Hen.
Với cảnh đẹp thiên nhiên thơ mộng ấy, nơi đây đã trở thành một trong những điểm đến mới lạ được giới trẻ yêu thích trong thời gian gần đây.
Ý nghĩa của tên núi Mắt thần
Mắt Thần núi, núi Mắt Thần, núi Mắt Rồng hay gọi theo tiếng dân tộc Tày là “Phia Piót” (Núi Thủng) là những tên gọi khác nhau của danh thắng độc đáo này. Theo tiếng của bà con người Tày bản xứ, thì núi Mắt Thần có tên địa phương là “Phja Piót”, dịch ra là cái núi bị thủng một lỗ, dùi xuyên qua như để gió lùa thông thống bên nọ sang bên kia.
Ngọn núi này gắn với truyền thuyết chàng trai người Tày tên là Sung thông minh, tài giỏi, với 36 bước chân trên đường về Kinh đã tạo ra 36 hồ lớn nhỏ. Còn lỗ thủng trên vách núi là ngón chân của chàng Sung khi đi bị vấp đã chọc thủng vách đá tạo thành Mắt thần núi hiện nay...
Cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ
Nếu cảnh quan đèo Mã Pì Lèng, hẻm vực Tu Sản là điểm nhấn của cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) thì núi Mắt Thần và quần thể 36 hồ lớn nhỏ cùng những hang ngầm, thác Nậm Trá trong hệ thống hồ lớn Thang Hen là điểm xuất sắc trong Công viên địa chất toàn cầu Cao Bằng - một vốn quý có thể giúp du lịch Cao Bằng cất cánh.
Nó nằm trong khu vực Thang Hen gồm 36 hồ nước lớn nhỏ và đầy hang sụt lún, tạo nên hệ thống dòng chảy nước ngầm liên thông nhau, là một hiện tượng hiếm gặp trên thế giới.
Trong đó hang ngầm Pác Sắp dài khoảng 1km, địa hình phức tạp cùng những hốc đá chung quanh rất lý tưởng cho các loài cá trú ẩn sinh sôi.
Hằng năm, vào mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 8, nước ở đầu nguồn đổ xuống đầy ắp cả thung lũng, hình thành một hồ rộng lớn khoảng 15ha cùng tên Nậm Trá. Đây là lúc từng đàn cá chép, cá nheo có con nặng 5-7kg nối đuôi nhau từ hang ngầm bơi lên mặt hồ kiếm ăn, thu hút người dân bản địa tấp nập chèo chống bè mảng, thuyền nan giăng câu, thả lưới đánh bắt đặc sản trời cho này.
Qua tháng 9, mặt hồ nước bỗng ùng ục nổi bong bóng, rồi nước đồng loạt rút nhanh xuống lòng đất một cách bí ẩn chỉ trong vài ba tiếng đồng hồ. Hiện tượng mực nước khi vơi khi đầy thường xảy ra theo mùa, nhưng cũng có lúc diễn biến khá đột ngột, tạo nên một sự huyền bí khó tả.
Thảm cỏ xanh mướt dưới chân núi Mắt Thần
Nét độc đáo của Mắt Thần trên núi là rừng cây nghiến mọc tràn lan trong lòng hang, phía dưới gốc là chùm rễ ôm trùm những tảng đá vôi hoặc trườn mình trên nền hang chẳng khác đàn rắn bò lổn nhổn.
Dù vậy, rừng không rậm tới mức che chắn ánh nắng mặt trời nên không gian nơi đây thông thoáng, những khối nhũ đá trắng tinh khôi từ trần hang rủ xuống lơ lửng, lung linh.
Không có gì thi vị bằng ngồi trên tảng đá lớn giữa hang, phóng tầm mắt nhìn hai phía: cửa hang hướng đông nam thuộc xã Quốc Toản, cảnh sắc rộng mở với nhiều quả đồi thấp nhấp nhô xanh mướt trải dài ngút mắt đến tận dãy núi mờ sương; nếu nhìn cửa hướng tây bắc thuộc địa phận xã Cao Chương sẽ thấy những nếp nhà gỗ đơn sơ của người Mông nằm yên lặng, nhỏ nhoi giữa núi non trùng vây.
Trên thảm cỏ xanh rì, êm ái, còn gì tuyệt hơn được ngồi bên người thân, cùng nhau thư giãn, ngắm cảnh giữa thiên nhiên tươi đẹp. Nấu vài món đơn giản, pha ly trà hoặc cà-phê thơm ngon, bật bản nhạc ưa thích… rồi trò chuyện cùng mọi người. Nhiều em nhỏ được cha mẹ cho đi chơi để gần gũi với thiên nhiên, cứ mê mải chạy nhảy, nô đùa, khám phá mọi thứ.
Quanh núi Mắt Thần, nếu chịu khó đi bộ bạn sẽ được ngắm thêm thác nước Nậm Trá rất đẹp và thơ mộng, hoặc là hòa mình vào cuộc sống thường ngày của người dân Tày, H’Mông hiền hòa, chịu khó khi làm đồng, dọn vườn, thu hoạch lúa ngô hay chăn thả gia súc. Ở đây, các dịch vụ du lịch hầu như chưa phát triển, mới chỉ có một số quán ăn nhỏ với những món đặc sản đậm đà bản sắc vùng hồ Thang Hen như cá rầm xanh om trám, cá nheo chiên, tôm kho me hay gà đồi, lợn quay, rau bò khai xào tỏi… Cuộc sống trôi đi thật chậm rãi, bình yên dưới những nếp nhà xóm núi.
Thời gian phù hợp để tham quan núi Mắt Thần
Thời gian gần đây, núi Mắt Thần trở thành địa điểm lý tưởng để cắm trại, picnic... của các bạn trẻ yêu thích du lịch. Vào những dịp lễ hay dịp cuối tuần, nơi đây trở nên nhộn nhịp, có nhiều bạn trẻ đã cắm trại qua đêm để thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp hoang sơ, không khí trong lành, mát mẻ. Thưởng thức những tia nắng đầu tiên của buổi sáng sớm chiếu thẳng xuống mặt hồ xanh ngắt, khoảnh khắc tia nắng cuối cùng tắt đi, cả vùng đất chìm vào bóng tối lại trở nên rực rỡ với ánh lửa trại bùng cháy lung linh chiếu sáng.
Cách di chuyển đến núi Mắt Thần
Với địa hình cao nguyên núi đá vôi đa dạng, Cao Bằng có những dãy núi, ngọn núi mang vẻ đẹp độc đáo riêng từ độ cao, cảnh sắc thiên nhiên, hệ sinh thái và văn hóa đặc sắc từng dân tộc, vùng miền. Đi theo hướng Tây bạn đến với dãy núi cao từ 600 - 2.000 m so với mực nước biển, điển hình như: Phja Đén, Phja Oắc (Nguyên Bình) từ 800 - 1.900 m, Phja Dạ (Bảo Lạc) gần 2.000 m, Phjêng Mòn (Bảo Lâm) trên 1.000 m...
Đến những ngọn núi này, bạn như chạm tới trời bởi không phân biệt được khoảng cách giữa núi và mây trời. Càng lên cao càng nhiều mây bay từng lớp, cuồn cuộn, với tay ra bạn có thể chạm vào mây nhẹ bay. Sau từng lớp mây là có nắng từng đợt dài chạy qua để bạn phóng tầm mắt nhìn xuống phía dưới chân mình ngắm từng dải mây trắng bồng bềnh chồng xếp lên nhau.
Cách 1: Từ đường đi huyện Trà Lĩnh, rẽ sang xã Quang Vinh - Lưu Ngọc, đi thêm chừng 3 - 4 km thì đến đoạn Núi Thủng. Để vào được đây, du khách buộc phải đi bộ thêm 30 phút nữa mới có thể chiêm ngưỡng được vùng “Tuyệt tình cốc”.
Cách 2: Đi bộ từ hồ Thang Hen xuyên thẳng sang chừng 2 km. Đường khó đi hơn. Lưu ý trời mưa dễ trơn trượt, nên đi giày thể thao hoặc ủng nếu mưa. Trẻ em không nên đi đường này vì khá nguy hiểm, dễ vấp ngã, hồ nước sâu.