Những lưu ý để trở thành người tiêu dùng thông minh?
Giữa “thiên la địa võng” thông tin mua sắm hiện nay, người tiêu dùng cần lưu ý những gì để trở thành người tiêu dùng thông minh?
Tiêu dùng thông minh là điều nhiều người hướng tới. Những lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn kiểm soát tốt việc mua sắm và hạn chế những tác động tiêu cực đến từ các chiêu trò hòng rút hầu bao người tiêu dùng thông qua các chiến lược marketing.
Lập kế hoạch chi tiêu
Lập kế hoạch chi tiêu là một trong những cách giúp bạn quản lý thu chi tốt hơn, tránh sự tùy hứng khi mua sắm. Mặt khác, kế hoạch chi tiêu cũng giúp bạn điều chỉnh thói quen chi tiêu một cách hợp lý, đảm bảo rằng bạn không tiêu quá nhiều so với thu nhập của mình và có đủ tiền để trang trải các chi phí cần thiết trong cuộc sống hàng ngày, tránh tình trạng “vung tay quá trán”.
Không mua theo trend
Nhiều người có thói quen mua sắm hoàn toàn thụ động và thường không thể chống lại ma lực của các món đồ khi ghé qua cửa hàng thời trang, siêu thị hay trung tâm thương mại. Nguyên nhân của việc mua sắm theo trend bắt nguồn từ hội chứng sợ bỏ lỡ khi không có được những trải nghiệm thú vị, vui vẻ, hạnh phúc mà người khác đang có. Điều này khiến người tiêu dùng thường đưa ra các quyết định thiếu lý trí dựa vào mong muốn “người khác có thì mình cũng phải có” chứ không thực sự xuất phát từ nhu cầu thực tế của bản thân.
Kiểm kê đồ đạc thường xuyên
Nhiều người tiêu dùng than thở không thể nhớ hết các mặt hàng đã mua. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều món đồ mua về nhưng không được sử dụng và người tiêu dùng không hay biết, gây lãng phí tiền bạc. Đó cũng là biểu hiện của việc chi tiêu kém hiệu quả. Với cách tiêu dùng như vậy, chẳng mấy chốc người tiêu dùng sẽ cạn kiệt tài chính.
Đừng xoa dịu bản thân bằng mua sắm
Với nhiều người, mua sắm không đơn thuần là tiêu tiền mà đó là “phương thuốc” giúp xoa dịu bạn thân. Bằng cách đó, họ cân bằng lại cuộc sống và loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực mà chỉ tập trung vào những mặt đẹp đẽ của bản thân. Những cảm xúc hào hứng, hài lòng, thỏa mãn nếu được đáp ứng thông qua việc mua sắm thành công sẽ giúp ‘đánh bay’ những trải nghiệm tồi tệ trong ngày đi xa, xả hết stress đang tồn đọng. Tuy nhiên, điều này chưa thực sự khôn ngoan. Trong trạng thái thiếu ổn định, việc xác định các nhu cầu cần thiết sẽ bị chi phối nhiều bởi yếu tố cảm xúc, từ đó dẫn đến việc mua sắm bừa bãi.
Tránh mua vì ham rẻ
Tâm lý ham rẻ ở người tiêu dùng là miếng đất màu mỡ để các nhãn hàng tạo nên những thành công trong nghệ thuật bán hàng, giúp thúc đẩy doanh số. Các nhãn hàng với chiêu bài khuyến mại hạ giá đã khiến người tiêu dùng sập bẫy “ham rẻ”. Điều này có thể khiến người tiêu dùng mua phải hàng kém chất lượng hoặc lãng phí vì không có nhu cầu sử dụng, vừa tốn thêm một mớ tiền mà đáng lẽ nên được sử dụng vào việc khác một cách cần thiệt hơn.
Hạn chế tác động của quảng cáo
Quảng cáo giúp người tiêu dùng có thêm thông tin và tiếp cận sản phẩm dễ dàng hơn. Tuy nhiên, cách tiếp cận thông tin một chiều từ quảng cáo khiến người mua dễ lầm tưởng về giá trị thực của sản phẩm. Những quảng cáo thổi phồng về sản phẩm, dịch vụ khiến người mua không chọn lọc thông tin kỹ lưỡng, dẫn đến hành vi tiêu dùng sai lầm. Bởi vậy, thay vì để quảng cáo dẫn đường, người tiêu dùng nên tiếp cận thông tin nhiều phía, tìm hiểu các chứng từ, con số kiểm định, giấy phép đăng ký, điều khoản mua bán… để đảm bảo chất lượng của sản phẩm dịch vụ.
Chỉ mua những gì bạn cần
Hành vi tiêu dùng bao gồm việc mua sắm những thứ bạn cần và những thứ bạn muốn. Trong đó, chỉ mua những gì bạn cần là một thói quen tiêu dùng thông minh. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản tiền lớn về lâu dài. Mặt khác, việc mua những gì bạn cần cũng sẽ góp phần giảm lãng phí, giảm sự bừa bộn trong không gian sống của bạn, đưa ra quyết định sáng suốt và cuối cùng là tìm thấy sự hài lòng khi mua sắm.
Tham khảo đánh giá của người khác
Việc tham khảo các đánh giá của người khác sẽ giúp bạn có được những thông tin có giá trị, đưa ra quyết định sáng suốt và giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn liên quan đến việc mua hàng. Điều này cho phép bạn khai thác trải nghiệm tập thể của những người tiêu dùng khác và giúp đảm bảo rằng các sản phẩm họ đã chọn phù hợp với mong đợi và yêu cầu tiêu dùng.
Kiểm tra chính sách bảo hành và đổi trả sản phẩm
Bằng cách xem xét các chính sách bảo hành và trao đổi hoặc trả lại, người tiêu dùng có thể đưa ra những quyết định sáng suốt, tự bảo vệ mình về mặt tài chính và yên tâm hơn khi quyền lợi của người tiêu dùng sẽ được thực hiện trong điều kiện các sản phẩm có vấn đề phát sinh.
Bên cạnh đó, một người tiêu dùng thông minh là một người mua sắm có trách nhiệm về nhiều mặt, bao gồm việc tính đến những tác động về mặt đạo đức trong việc mua hàng như chọn các sản phẩm có bao bì tối thiểu hoặc chọn các mặt hàng có thể tái chế hoặc làm phân bón hữu cơ, ưu tiên độ bền và chất lượng để đảm bảo rằng việc mua hàng của họ kéo dài hơn, giảm nhu cầu thay thế thường xuyên…
Bằng cách kết hợp giữa thực hành thông minh với hành vi mua sắm có trách nhiệm, người tiêu dùng có thể đưa ra những lựa chọn sáng suốt hơn mang lại lợi ích cho bản thân, xã hội và môi trường. Góp phần hình thành một thị trường bền vững, có đạo đức, đồng thời đáp ứng nhu cầu và sở thích của họ.