Người tiêu dùng cần thông tin ngay cho cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo
Người tiêu dùng cần cảnh giác, không nghe các cuộc điện thoại lạ, đặc biệt các đầu số nước ngoài; không tin theo các cuộc điện thoại hăm dọa, nhân danh cơ quan chức năng…
Sáng ngày 26/4, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương), UBND quận Bắc Từ Liêm và Hội phụ nữ quận Bắc Từ Liêm tổ chức Hội nghị “Kỹ năng tiếp nhận và tư vấn khiếu nại cho người tiêu dùng” và “Một số điểm mới của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi”.
Tại hội nghị, ông Lê Nguyên - Trưởng phòng Kế hoạch tài chính tổng hợp, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của toàn xã hội. Xác định rõ tầm quan trọng trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, UBND TP. Hà Nội đã ban hành các kế hoạch văn bản để chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các hội, hiệp hội… của thành phố tổ chức triển khai thực hiện, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tạo sự chuyển biến đồng bộ từ nhận thức đến hành động trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn thành phố.
Theo TS. Đoàn Quang Đông - đại diện Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Bộ Công Thương, người tiêu dùng có các quyền lợi cụ thể như: Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa và dịch vụ; Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh và nguồn gốc hàng hóa; Được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng… Tuy nhiên, khi thực hiện giao dịch, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định mua sản phẩm; lưu và giữ cẩn thận hóa đơn, chứng từ, hướng dẫn sử dụng và giấy bảo hành; thông tin cho cơ quan chức năng khi phát hiện sản phẩm không an toàn, cũng như hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Chia sẻ về những chiêu thức lừa đảo, ông Đoàn Quang Đông cho hay, các đối tượng lừa đảo thường quấy rối thông qua gọi điện giới thiệu dịch vụ, nhắn tin rác; giả danh cơ quan chức năng (tòa án, công an, viện kiểm sát) và ngân hàng để tống tiền; yêu cầu nộp khoản tiền do vi phạm giao thông, hoặc người thân bị tai nạn đang cấp cứu ở bệnh viện; thông báo trúng thưởng các chương trình quay số ngẫu nhiên…
Ngoài ra còn có lừa đảo thông qua cho vay tín dụng. Nhiều công ty tài chính liên tục gọi điện, quấy rối làm phiền, đòi nợ, nhắn tin đe dọa; công ty tín dụng tiêu dùng tổng đài tự động dùng nhiều số khác nhau gọi điện đến số điện thoại của người tiêu dùng với nội dung gạ gẫm cho vay tiền. Những cuộc gọi này có thể đến 2-3 cuộc trên ngày bất kể giờ giấc và làm ảnh hưởng lớn đến công việc và cuộc sống của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng bị làm giả chứng minh nhân dân, căn cước công dân để mở tài khoản ngân hàng…
Ông Đoàn Quang Đông lưu ý, người tiêu dùng cần cảnh giác, không nghe các cuộc điện thoại lạ, đặc biệt các đầu số nước ngoài, quốc tế; không tin theo các cuộc điện thoại hăm dọa, nhân danh cơ quan quản lý nhà nước, công an, tòa án; không nghe theo các lời chào mời, giới thiệu là trúng giải thưởng trong khi thực tế mình không tiến hành giao dịch.
Khi gặp các trường hợp này người tiêu dùng có thể gửi đơn khiếu kiện trực tiếp đến các địa điểm:
- Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (số 25 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm);
- Sở Công Thương Hà Nội (số 331 Cầu Giấy, quận Cầu Giấy); phòng kinh tế thuộc UBND các quận, huyện, thị xã;
- Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Hà Nội;
- Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam (tầng 18 tòa nhà 266 phố Đội Cấn, quận Ba Đình)
Hoặc người tiêu dùng cũng có thể gửi đơn khiếu nại qua website: www.qlct.gov.vn; email: bvntd@moit.gov.vn; hoặc gọi điện đến tổng đài 18006838.
Trong các trường hợp có thông tin liên quan đến yêu cầu nộp tiền, khắc phục lỗi do dịch vụ điện nước, bưu chính viễn thông, ngân hàng hãy vào trực tiếp website của các đơn vị này xác minh thông tin qua điện thoại đường dây nóng…