Thứ tư, 26/04/2023, 05:30 (GMT+7)

Những địa điểm check-in không thể bỏ qua khi đến Huế

Thu Thảo (Theo Tiếp thị Gia đình)

Huế là cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình với hệ thống thành quách, cung điện, đền đài, miếu đường, lăng tẩm cùng với những Di sản Văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú.

Đến nay, hàng trăm công trình di tích lớn nhỏ của kinh thành Huế xưa đã được trùng tu, tiêu biểu như Ngọ Môn, điện Thái Hòa, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, Duyệt Thị Đường, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, hệ thống Trường lang, lầu Tứ Phương Vô Sự và nhiều công trình tại các lăng tẩm của các vua như Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định… Những kết quả trong công tác bảo tồn, trùng tu di tích đã góp phần hồi sinh diện mạo ban đầu của Cố đô xưa, tạo nền tảng cho ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế phát triển.

Khu di tích lịch sử tại Huế 

Đại Nội Huế 

kham-pha-hue-tiepthigiadinh-5
Ảnh: sưu tầm

Đại Nội Huế là một trong những di tích thuộc cụm quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 1993. Nhưng để trở thành một điểm du lịch hàng đầu như hiện nay, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã rất nỗ lực đưa Đại Nội Huế từ trạng thái cứu nguy khẩn cấp theo khuyến nghị của UNESCO sang giai đoạn phát triển và phát huy giá trị di tích. 

Đại Nội Huế có hơn 100 công trình kiến trúc nổi bật như Ngọ Môn, Điện Thái Hoà, Cung Diên Thọ, Cung Trường Sanh, Hưng Miếu, Thế Miếu… Quần thể công trình cổ kính này được bố trí theo nguyên tắc “tả nam hữu nữ”, “tả văn hữu võ”, tính từ trong ra. Ngay cả các miếu thờ cũng có sự sắp xếp theo thứ tự “tả chiêu hữu mục” (trái trước, phải sau, lần lượt theo thời gian). 

Chùa Thiên Mụ 

kham-pha-hue-tiepthigiadinh-12
Ảnh: sưu tầm

Chùa Thiên Mụ, còn được gọi là chùa Linh Mụ, được chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng vào năm 1601. Chùa nằm bên bờ Bắc sông Hương thuộc địa phận xã Hương Long, cách trung tâm thành phố Huế 5km.

Năm 1665, chúa Nguyễn Phúc Tần cho trùng tu chùa. Năm 1710, chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc quả Đại Hồng Chung (cao 2,5m, đường kính 1,4m, nặng 2.052kg). Năm 1715, Chúa lại cho xây dựng thêm một tấm bia đá thanh cao 2,6m, rộng 1,25m đặt trên lưng một con rùa làm bằng đá cẩm thạch dài 2,2m, rộng 1,6m.

Hai công trình kiến trúc chính của chùa là Tháp Phước Duyên và Điện Đại Hùng. Tháp Phước Duyên hình bát giác cao 7 tầng, 21m, mỗi tầng thờ một đức Như Lai, tầng cao nhất thờ Đức Thế Tôn; Điện Đại Hùng là ngôi điện chính trong chùa, có kiến trúc nguy nga đồ sộ; ngoài bức tượng Phật bằng đồng trong điện còn có vô số tượng và một khánh đồng đúc năm 1677; một bức hoành phi bằng gỗ được sơn son thếp vàng do tự tay chúa Nguyễn Phúc Chu đề tặng năm 1714.

Hệ thống lăng tẩm tại Huế

Lăng Khải Định 

kham-pha-hue-tiepthigiadinh-4
Ảnh: sưu tầm

Vua Khải Định (1916-1925) là vị vua thứ 12 của triều Nguyễn và là người cuối cùng xây dựng lăng tẩm - Vua Khải Định (1916-1925) là vị vua thứ 12 của triều Nguyễn và là người cuối cùng xây dựng lăng tẩm, chuẩn bị cho sự “ra đi” của một ông vua.

Lăng Khải Định (Ứng Lăng) được xây dựng trên triền núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê) cách trung tâm thành phố Huế 10km. Lăng khởi công ngày 4/9/1920 và kéo dài trong 11 năm mới hoàn thành.

Vua Khải Định cử người sang Pháp mua sắt, thép, xi măng, ngói ác đoa, sang Trung Quốc, Nhật Bản mua đồ sứ, thủy tinh để kiến thiết công trình. So với các Lăng trong hệ thống lăng tẩm ở Huế, lăng Khải Định có diện tích nhỏ (117m x 48,5m) nhưng rất công phu và tốn nhiều thời gian. Nó là kết quả hội nhập của nhiều dòng kiến trúc Á, Âu, Việt Nam cổ điển và hiện đại.

kham-pha-hue-tiepthigiadinh-3
Ảnh: sưu tầm

Tổng thể của Lăng là một khối nổi hình chữ nhật vươn cao tới 127 bậc. Núi đồi, khe suối của một vùng rộng lớn quanh Lăng được dùng làm các yếu tố phong thủy: tiền án, hậu chẩm, tả thanh long, hữu bạch hổ, minh đường, thủy tụ, tạo cho lăng Khải Định một ngoại cảnh thiên nhiên hùng vĩ.

Cung Thiên Định ở vị trí cao nhất và là kiến trúc chính của Lăng. Công trình này gồm 5 phần liền nhau: Hai bên là Tả, Hữu Trực phòng dành cho lính hộ lăng, phía trước là điện Khải Thành - nơi để án thờ và chân dung vua Khải Định, chính giữa là Bửu án, pho tượng nhà vua và mộ phần ở phía dưới, trong cùng là khám thờ với bài vị của vị vua quá cố.

Lăng Minh Mạng tại Huế

kham-pha-hue-tiepthigiadinh-13
Ảnh: sưu tầm

Theo thiết kế, Đại Hồng Môn là cổng chính và cổng cổng đầu tiên nằm trên đường Thần đạo của lăng. Cổng được xây dựng bằng vôi gạch, cao hơn 9 m, rộng 12 m. Cổng có ba lối đi với 24 lá mái cao thấp cùng các điển tích "cá chép hóa rồng", "long vân khế hội".

Hai bên sân Bái Đình là hàng tượng quan văn võ, voi ngựa đứng chầu. Những tượng người và voi ngựa ở đây được điêu khắc theo lối tả chân, gần giống với thực tế.

Phía trên sân Bái Đình là nhà Bi Đình được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống của triều Nguyễn. Bộ mái lợp gồm có hai tầng chứa đựng yếu tố âm dương. Trên đỉnh trang trí bình hồ lô và hình rồng.

Trung tâm nhà Bi Đình là tấm bia đá có khắc bài ký " Ngự chế Thánh Đức Thần Công bi ký" do vua Thiệu Trị soạn thảo. Nội dung tấm bia ca ngợi công đức của vua Minh Mạng và tiếc nuối đau thương của vua Thiệu Trị trước sự ra đi của vua cha Minh Mạng.

Lăng vua Minh Mạng hay Hiếu Lăng là nơi yên nghỉ của vua Minh Mạng (1791-1841), vị vua thứ hai của triều Nguyễn. Trong 13 đời vua triều Nguyễn, thời vua Minh Mạng trị vì đất nước được đánh giá là giai đoạn thịnh vượng, hùng mạnh nhất. Trong hai mươi năm trị vì, vua đã thay đổi nhiều việc, từ đối nội, đối ngoại cho đến những cải cách kinh tế chính trị xã hội. Với 142 người con, vua Minh Mạng được xem là vị vua có nhiều con nhất sử Việt.

Lăng vua nằm trên núi Cẩm Khê, gần ngã ba Bằng Lãng là nơi hội lưu của hai dòng Hữu Trạch và Tả Trạch hợp thành sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế 12 km. Theo sử sách, đích thân vua Minh Mạng xem xét, phê chuẩn họa đồ thiết kế do các quan Bùi Công Huyên, Trương Đăng Quế và Giám thành vệ dâng lên. Tháng 4 năm 1840, công cuộc kiến thiết Hiếu Lăng bắt đầu.

Lăng Tự Đức 

kham-pha-hue-tiepthigiadinh-8
Ảnh: sưu tầm

Tổng thể kiến trúc Lăng nằm trong một vòng La thành rộng khoảng 12ha, gồm gần 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ dàn trải thành từng cụm trên những thế đất cao, thấp hơn nhau chừng 10m. Bố cục khu lăng gồm hai phần chính, trên hai trục song song với nhau lấy núi Giáng Khiêm ở phía trước làm Tiền án, núi Dương Xuân làm Hậu chẩm, hồ Lưu Khiêm làm yếu tố Minh Đường. Các công trình trong Lăng ở cả hai khu vực tẩm điện và lăng mộ đều có chữ Khiêm đặt tên gọi.

Toàn cảnh lăng Tự Đức như một công viên rộng lớn. Qua cửa Vụ Khiêm, đến khu vực hồ Lưu Khiêm, trên hồ có Xung Khiêm tạ và Dũ Khiêm tạ, nơi nhà Vua thường đến ngắm hoa, làm thơ và đọc sách. Đi tiếp ba bậc tam cấp bằng đá thanh dẫn vào Khiêm Cung môn, rồi đến điện Hòa Khiêm, đây vốn là nơi làm việc của Vua nhưng nay dùng để thờ phụng Vua và Hoàng hậu. Sau điện Hòa Khiêm đến điện Lương Khiêm, trước là chỗ nghỉ của Vua và sau này trở thành nơi thờ mẹ Vua, bà Từ Dũ. Bên phải điện Lương Khiêm là Ôn Khiêm đường, nơi cất đồ ngự dụng. Phía trái điện Lương Khiêm có nhà hát Minh Khiêm để Vua xem hát, đây được coi là nhà hát cổ nhất Việt Nam hiện còn được bảo tồn.

kham-pha-hue-tiepthigiadinh-9
Ảnh: sưu tầm

Ngay sau hai hàng tượng quan văn võ uy nghi là Bi đình (nhà bia), tấm bia làm bằng đá thanh lớn có khắc bài Khiêm Cung ký của Vua Tự Đức dài 4.935 chữ để nói về cuộc đời, vương nghiệp cùng những lỗi lầm và sai phạm của mình. Trên ngọn đồi nằm bên kia hồ bán nguyệt Tiểu Khiêm Trì là Bửu Thành xây bằng gạch, chính giữa có ngôi nhà nhỏ xây bằng đá thanh, nơi Vua yên nghỉ.

Lăng Đồng Khánh

kham-pha-hue-tiepthigiadinh-1
Ảnh: sưu tầm

Điện Ngưng Hy là khu vực chính thờ vua Đồng Khánh, được làm bằng gỗ lim xây theo kiểu trùng thiềm điệp ốc gồm 7 gian 2 chái, nhưng phía sau có thêm hậu điện. Mái điện được lợp ngói hoàng lưu ly, trên bờ nóc, bờ quyết được trang trí bằng pháp lam ngũ sắc và bằng đất nung tráng men màu.

Gian chính giữa điện Ngưng Hy là nơi đặt án thờ vua Đồng Khánh và hai bà Tiên Cung, Thánh Cung. Bàn thờ được làm bằng gỗ có khảm cẩn, trên bàn thờ có cây san hô trắng đặt trong lồng gương. Các ô hộc trang trí phong phú, đặc biệt nhất là 24 bức tranh được lấy từ điển tích "Nhị thập tứ hiếu" của người xưa.

Cửa ra vào chính điện Ngưng Hy được đóng khép bằng hệ thống cửa bảng khoa gắn hình nhiều màu theo phong cách Tây phương. Cửa tại lăng vua Đồng Khánh khác biệt với các lăng vua triều Nguyễn khác. Đường kết nối giữa điện thờ đến mộ vua Đồng Khánh dài khoảng 200m được trùng tu, lát gạch. Hai bên đường có hệ thống khe thoát nước.

Cung An Định 

kham-pha-hue-tiepthigiadinh-6
Ảnh: sưu tầm

Cung An Định được vua Đồng Khánh xây dựng cho con trưởng của mình - tức vua Khải Định - làm cung điện riêng sinh sống từ khi vua Khải Định còn là Thái tử đến ngày lên ngôi hoàng đế. Sau ngày đăng quang, năm 1917, vua Khải Định sử dụng tiền riêng của mình bắt đầu cải tạo lại phủ Phụng Hóa theo lối hiện đại, biến phủ gỗ ban đầu trở thành một tòa lâu đài nguy nga, tráng lệ nhất Việt Nam thời bấy giờ, đổi tên là An Định cung. Tiếp nối truyền thống từ đời trước, vua Khải Định trao lại cung An Định của mình cho hoàng tử Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại sau này). Sau ngày Cách mạng Tháng Tám 1945, vua Bảo Đại thoái vị, cùng gia quyến của mình là hoàng hậu Nam Phương, đức Từ Cung thái hậu và các hoàng tử công chúa, đã dọn từ Hoàng cung Huế qua An Định cung này sinh sống.

Làng nghề truyền thống

Làng hương Thuỷ Xuân

kham-pha-hue-tiepthigiadinh-11
Ảnh: sưu tầm

Làng nghề làm hương Thủy Xuân nằm trên tuyến đường tham quan du lịch lăng Tự Đức, đồi Vọng Cảnh nên khá thuận lợi để người dân thập phương và khách du lịch biết đến làng nghề nhiều hơn. Du khách đến tham quan làng Hương, khám phá các công đoạn làm hương bằng thủ công tại làng thích thú khi tự tay se được một cây hương, tự mình làm nên một que hương, cũng như được tìm hiểu thêm về nghề về người và cuộc sống của người dân xứ Huế.

Hương ở Thủy Xuân có mùi thơm đặc trưng và chất lượng tốt. Hầu hết người dân ở đây đều làm nghề se hương, sống bằng nghề làm hương. Nghề truyền thống của ông cha đã ăn sâu vào máu thịt của người dân làng Thủy Xuân. Họ say mê, yêu nghề, tỉ mẩn với nghề từ sáng đến tối. Họ duy trì nghề làm hương bởi cái đam mê với nghề là chính, vì hương được làm thủ công, không dùng máy đánh nên năng suất không được nhiều như làm máy, giá thành lại rất bình dân nên lợi nhuận chỉ đủ lo bữa cơm trong ngày, thế nhưng khách đến mua hương, mua quà lưu niệm hay chỉ để xin chụp ảnh họ đều rất vui vẻ, niềm nở với nụ cười hiền hòa, thân thiện.

Bài viết này thuộc series Du lịch

Xem thêm
Từ khóa:
Cùng chuyên mục