Thứ năm, 20/04/2023, 13:29 (GMT+7)

Du lịch khám phá vương quốc chùa Khmer Sóc Trăng

Thu Thảo (Theo Tiếp thị Gia đình)

Sóc Trăng là điểm đến du lịch với nhiều quần thể kiến trúc chùa trên tinh thần Phật giáo mang đậm văn hóa đồng bào dân tộc Khmer.

soc-trang-tiepthigiadinh-
Ảnh: sưu tầm

Đây là địa phương có người dân tộc Khmer sinh sống đông nhất tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, chiếm 31,5% trên tổng số 1,4 triệu người Khmer. Với những phong tục tập quán độc đáo, lâu đời, đặc biệt là nghệ thuật hát Rô Băm của người Khmer được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. 

Hệ thống chùa Khmer ở Nam Bộ theo hệ phái Nam Tông khá dày đặc, nhất là ở tỉnh Trà Vinh với 143 ngôi chùa Khmer, tiếp theo là Sóc Trăng với 92 chùa. Mỗi ngôi chùa Khmer có khung cảnh ấn tượng, quy mô khác nhau, có sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại nhưng đều là một công trình nghệ thuật mang dấu ấn riêng biệt. Chùa Khmer nổi tiếng nhất ở Sóc Trăng là chùa Dơi, cách trung tâm thành phố gần 2km. 

Những chất liệu này đã tạo nên một bản sắc văn hoá riêng biệt, hấp dẫn du khách thập phương tìm đến và khám phá. 

Những ngôi chùa nổi tiếng tại Sóc Trăng 

Chùa Dơi - Sóc Trăng 

soc-trang-tiepthigiadinh-1
Ảnh: sưu tầm

Chùa Dơi tọa lạc trên đường Lê Hồng Phong, phường 3, thành phố Sóc Trăng, có tên ban đầu là Wathsêrâytecho Mahatup, còn gọi chùa Mã Tộc cũng bởi phiên âm từ Mahatup. Mahatup trong tiếng Khmer có nghĩa là trận kháng cự lớn. Nơi đây từng diễn ra một trận đánh ác liệt của phong trào nông dân nổi dậy chống giai cấp thống trị. Sau trận đánh đó, dân chúng tản cư trở về sinh sống, họ cho rằng vùng đất này là đất lành nên xây chùa thờ Phật. Chùa được khởi công vào từ năm 1569 dương lịch, do ông Thạch Út đứng ra xây dựng.

Đến chùa Dơi, ngay từ cổng vào, du khách không khỏi choáng ngợp trước quần thể gồm nhiều công trình có màu vàng rực lộng lẫy: Cổng chùa, các ngọn tháp, chánh điện, nhà Sala… Mái của tòa chánh điện có chiều dài gần 21m, chiều rộng hơn 11m, được xây dựng trên nền cao hơn mặt đất tự nhiên 1m, nổi bật với kết cấu gồm 4 hệ thống mái chồng lên nhau. 

Mỗi mái đều được trang trí tượng hình rồng ở các góc, cùng nhiều tháp nhỏ và hình rắn Naga uốn lượn đầy tinh xảo phía đầu hồi chùa. Bước vào bên trong chính điện, ta choáng ngợp bởi vẻ bề thế và lộng lẫy với nhiều màu sắc, đậm chất văn hóa Khmer. Đỉnh cao nghệ thuật thể hiện ở những họa tiết độc đáo nơi mái vòm, tường, các hàng cột và cầu thang, như tượng đầu vị thánh bốn mặt Maraprum là tiền thân của Brahma, vị thần sáng tạo ra thế giới, nữ thần Kayno, chim thần Marakrit. Uốn quanh những hàng cột là phù điêu các tiên nữ và quái vật.

soc-trang-tiepthigiadinh-3
Ảnh: sưu tầm

Nổi bật nhất trong hệ thống kiến trúc tại chùa là pho tượng Phật Thích Ca bằng đá nguyên khối trên một tòa sen cao khoảng hai mét nơi chánh điện. Xung quanh là những bức tranh miêu tả cuộc đời Đức Phật, từ lúc ra đời tới khi được khai minh rồi nhập cõi Niết bàn.

Bên cạnh hệ thống tượng Phật, chùa Dơi cũng là nơi hiếm hoi, hiện lưu giữ nguyên vẹn các bộ kinh ghi trên lá cây buông, là cây cùng họ với cây thốt nốt. Đây là loại kinh cổ có giá trị văn hoá, lịch sử vô cùng to lớn.

Chùa Bôtum Vong Sa Som Rong 

soc-trang-tiepthigiadinh-2
Ảnh: sưu tầm

Som Rong tọa lạc tại đường Tôn Đức Thắng, Phường 5, TP Sóc Trăng. Chùa không chỉ được biết đến là nơi sinh hoạt văn hoạt văn hóa tín ngưỡng mà còn là một trong những địa điểm thu hút đông đảo du khách ghé thăm bởi vẻ đẹp nguy nga hệt như một cung điện.

Kiến trúc độc đáo

Chùa Som Rong được xây dựng từ năm 1785. Ban đầu chùa được dựng lên bằng tre, gỗ và lợp lá đơn sơ. Sau nhiều lần trùng tu, kiến trúc của chùa Som Rong hiện tại mang đậm nét văn hóa đặc sắc của người dân tộc Khmer.

Som Rong mang nét cổ kính nhưng không kém phần tráng lệ, nguy nga cùng những bức tường nhuốm màu thời gian đã thu hút du khách tới tham quan.

Lối dẫn từ cổng vào chùa được phủ đầy bóng mát của cây sao thân to. Những khối kiến trúc độc đáo của chùa hiện ra với nhiều màu sắc sặc sỡ mang đậm văn hóa truyền thống Khmer. Cổng chùa được trang trí hoa văn với nhiều biểu tượng văn hóa Khmer như rắn thần Naga, chim thần Krud, hoa văn truyền thống… được phủ nhũ vàng.

Đặc biệt, ngôi chùa nổi tiếng là bức tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn ngoài trời, được đánh giá là lớn nhất Việt Nam. Tượng phật có kích thước dài 63 m, cao 22,5 m, đặt trên cao khoảng 28 m so với mặt đất.

Chùa Chén Kiểu 

soc-trang-tiepthigiadinh-4
Ảnh: sưu tầm

Ngôi chùa còn có tên gọi khác là chùa Sà Lôn, nằm ven QL1A đoạn qua xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên. Ban đầu chùa được dựng bằng lá, đến năm 1969, chùa được xây lại có kiến trúc như hiện nay gồm chánh điện, sala, bảo tháp... Khác với sắc vàng nổi bật của những ngôi chùa Khmer thông thường, chùa Chén Kiểu sặc sỡ với những họa tiết ấn tượng đủ màu tím, xanh, đỏ, hồng, cam…

Những họa tiết trang trí trong chùa được làm từ sành, chén, đĩa của bà con Khmer địa phương. Vật liệu này vừa giảm chi phí xây dựng chùa trong lúc khó khăn, vừa tạo nên điểm nhấn độc đáo. Từ đó, cái tên "chùa Chén Kiểu" ra đời.

Chùa Khleang 

soc-trang-tiepthigiadinh-5
Ảnh: sưu tầm

Được xây dựng từ năm 1918, tọa lạc trên đường Tôn Đức Thắng, phường 6, TP Sóc Trăng. Chùa được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 1990. Chùa có sắc vàng nhạt chủ đạo với họa tiết tỉ mỉ, tinh tế. Tổng thể kiến trúc chùa cân xứng, hài hòa, mang đậm lối trang trí chùa chiền của người Khmer.

Chùa Bà Thiên Hậu Triều Châu

soc-trang-tiepthigiadinh-7
Ảnh: VnExpress

Nằm ở trên đường Lý Thường Kiệt, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên là công trình kiến trúc đặc sắc của người Hoa. Ngày 23/3 Âm lịch hàng năm, chùa tổ chức lễ hội vía Bà Thiên Hậu thu hút đông đảo người dân.

Bước vào cổng, du khách sẽ ấn tượng với dàn đèn lồng đỏ treo cao. Ở huyện Mỹ Xuyên còn có chùa Bà Thiên Hậu Quảng Châu tọa lạc tại đường Phan Đình Phùng thuộc thị trấn Mỹ Xuyên.

Chùa Srey Tà Mơn 

soc-trang-tiepthigiadinh-8
Ảnh: sưu tầm

Nằm ở ấp Đào Viên, xã Viên Bình, huyện Trần Đề. Khuôn viên khoảng 3 ha, chùa nằm bên con rạch Tà Mơn - tên của bậc tiên hiền có công gây dựng vùng đất này. Chánh điện sơn trắng, hoa văn ánh vàng tiêu biểu cho kiến trúc Khmer truyền thống.  

Những hoạt động khám phá trải nghiệm văn hoá 

Lễ hội đua ghe Sóc Trăng

soc-trang-tiepthigiadinh-13
Ảnh: Báo Chính phủ

Đua nghe ngo được xem là “môn thể thao vua” vùng sông nước Nam Bộ và hội đua ghe ngo luôn là sự kiện hấp dẫn nhất trong lễ hội Oóc Om Bóc. Người dân Khmer có mặt và đứng đông nghẹt hai bên bờ sông để dự lễ khai mạc và cổ vũ nhiệt tình cho các đội. Sau khi làm lễ, các đội ghe di chuyển về nơi xuất phát.

Rộn ràng chợ nổi Ngã Năm

soc-trang-tiepthigiadinh-9
Ảnh: Saigonneer

Mỗi sáng sớm, thuyền bè theo năm ngả Long Mỹ, Vĩnh Quới, Phụng Hiệp, Phước Long, Phú Lộc quây quần tại chợ nổi giữa mênh mông sông nước. Dòng sông Ngã Năm là nhân chứng cho khu chợ lâu đời đến nay vẫn đông vui, sôi nổi bậc nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long này.

Cùng chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang), Cái Răng (Cần Thơ), Cái Bè (Tiền Giang)…, chợ nổi Ngã Năm làm nên nét duyên của vùng đất Nam Bộ. Những ánh đèn theo ghe lớn, ghe nhỏ chở hàng tập kết từ đêm khuya lấp lóa mặt nước. Buổi sớm ở chợ rộn rã tiếng chào hàng, hỏi thăm nhau từ người bán, người mua đã quen mặt. Có lẽ sức sống của chợ nổi Ngã Năm chính là không khí bán mua sôi động, cùng những hàng hóa tươi ngon suốt bốn mùa, bày ra sự giàu có, trù phú của vùng đất này.

Đặc sản 

Hoa thuỷ liễu chấm mắm cá mề gà 

soc-trang-tiepthigiadinh-10
Ảnh: sưu tầm

Bần thường được người miền Tây chế biến thành rất nhiều món ăn dân dã như: hoa bần trộn gỏi với thịt heo, tép bạc, cá sặc. Trái bần chua có thể ăn sống và chấm kèm với các loại mắm được chế biến từ thủy sản. Trái bần chín dùng để nấu canh chua, kho cá hoặc dầm với nước mắm pha chua ngọt để chấm rau lang, rau muống luộc... Nhưng ở Cù Lao Dung, hoa bần và trái bần ổi, bần dĩa còn được chấm với mắm cá mề gà.

Cá mề gà Cù Lao Dung không đắt tiền, được đóng đáy đánh bắt nhiều từ tháng 6 đến tháng 9 Âm lịch hàng năm, trông lạ vì có màu vàng cam, phần đầu óng ánh như cá kiểng. Có nhiều cách làm mắm, người Hoa thì ủ cá với muối dùi, người Khmer ủ muối mặn hay ướp với đường thốt nốt, còn người Việt lại thêm kiểu muối chua chua và mắm cá mề gà cũng làm theo bí quyết chua ngọt này.

Bánh cống 

soc-trang-tiepthigiadinh-9
Ảnh: sưu tầm

Lý giải tên gọi bánh cống, khuôn làm bánh bằng nhôm hình tròn, trên có tay cầm để khi đổ bánh dễ dàng cho việc vớt, người Sóc Trăng gọi là cống. Khi dầu sôi, người làm bánh nhúng khuôn vào trong chảo để khi đổ bột bánh không bị dính. Đổ một nửa bột vào khuôn sau đó cho đậu xanh, nhân thịt tôm vào đổ tiếp một nửa bột lên trên, đặt hai con tôm bên cạnh nhúng khuôn bánh xuống chảo dầu đang sôi. 

Bánh cống ăn kèm rau sống và nước mắm chua ngọt, bánh đậm đà giòn rụm cùng vị thanh mát của rau. Chỉ đơn giản vậy thôi mà lưu luyến những du khách yêu thích khám phá văn hóa Khmer.

Bún nước lèo

soc-trang-tiepthigiadinh-11
Ảnh: sưu tầm

Hương vị đặc trưng của bún nước lèo Sóc Trăng là nhờ mắm bò hóc, một loại mắm đặc trưng của người Khmer làm bằng cá lóc, cá trê đồng, tôm, tép tươi đem ủ muối từ 6 tháng trở lên. Để nấu nước lèo, đầu tiên phải rã mắm trong nước sôi, chờ thịt mắm tan ra hết, sau đó lọc bỏ xương mắm lấy nước riêng.

Nước lèo được nấu bằng xương ống, xương sườn lợn, tôm ninh nhỏ lửa trong nước, hớt bọt để lấy nước dùng trong, ngọt. Hoặc nước lèo nấu từ củ cải trắng và thêm nước dừa tươi cho có độ ngọt thanh, sau đó nấu chung với nước mắm đã lọc xương ở trên. Nước lèo ngoài các hương vị như: sả đập dập, ớt… đặc biệt không thể bỏ sót vài tép ngải bún, một loại cây gia vị đặc biệt của người Khmer.

Mì sụa 

soc-trang-tiepthigiadinh-12
Ảnh: sưu tầm

Mì sụa có hai loại chính: mặn và không mặn. Những người sành ăn thì cho rằng mì sụa mặn ngon nhất. Mỗi loại chế biến thành các món ăn khác nhau, loại ngọt dùng để nấu chè, loại mặn làm các món xào. Món này ăn kèm với nước tương ớt hoặc mắm chanh ớt tùy theo khẩu vị từng người.

Cách di chuyển

Di chuyển bằng xe máy:

soc-trang-tiepthigiadinh-6
Ảnh: sưu tầm

Nếu bạn xuất phát từ Sài Gòn hoặc các tỉnh miền Tây Nam Bộ, bạn có thể di chuyển bằng xe máy. Di chuyển bằng xe máy thích hợp với những bạn đam mê du lịch Sóc Trăng khám phá nhất.

Tùy vào từng điểm xuất phát bạn sẽ tra google map rồi đi theo chỉ dẫn là được. Trước khi đi, bạn cần phải kiểm tra xe thật kỹ để đảm bảo an toàn. Đặc biệt, trên quãng đường di chuyển sẽ có một vài chốt kiểm soát tốc độ, bạn hãy chú ý di chuyển đúng luật giao thông nhé!

Di chuyển bằng xe khách:

Nếu bạn không muốn di chuyển bằng xe máy, bạn có thể lựa chọn xe khách để di chuyển. Từ Sài Gòn bạn cần mất khoảng từ năm đến sáu tiếng để di chuyển đến Sóc Trăng.

Di chuyển bằng máy bay:

Nếu bạn xuất phát từ tình thành miền Trung hoặc Miền Bắc, bạn cần đặt vé máy bay vào Sài Gòn. Sau đó, bạn sẽ lựa chọn di chuyển bằng xe máy hoặc xe khách đến Sóc Trăng.

Bài viết này thuộc series Du lịch

Xem thêm
Từ khóa:
Cùng chuyên mục