Thứ tư, 12/04/2023, 10:45 (GMT+7)

Khám phá bãi biển vô cực nổi tiếng của Thái Bình

Thu Thảo (Tiep thi gia dinh)

Dù không đẩy mạnh du lịch địa phương, nhưng Thái Bình vẫn thu hút người trẻ đam mê khám phá bởi vẻ đẹp hoang sơ trên bãi biển vô cực hay những công trình tín ngưỡng độc đáo.

Bài viết này thuộc series Du lịch

Xem thêm

Thái Bình nổi tiếng với đường bờ biển kéo dài 56km một số bãi biển còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ như Đồng Châu, Cồn Vành, Cồn Đen cùng hệ thống các di tích lịch sử nổi tiếng như chùa Keo, đền Trần, đền Đồng Bằng. 

Vẻ đẹp cuốn hút của những bãi biển về đêm

Biển Đồng Châu 

du-lich-thai-binh-tiepthigiadinh-7
Ảnh: Đoàn Ngọc Anh

Mùa hè là thời điểm lý tưởng để các nhiếp ảnh gia săn ảnh bình minh và dải ngân hà trên các bãi biển Đồng Châu, Quang Lang. Biển Đồng Châu thuộc xã Đông Minh, huyện Tiền Hải cách trung tâm thành phố Thái Bình khoảng 35km và cách Hà Nội khoảng 40km. Đây là một trong những điểm gần Hà Nội được nhiều nhiếp ảnh gia săn ảnh vào mỗi dịp xuân-hè. Nhờ có bầu không khí trong lành, các tay máy có thể chụp và ngắm dải ngân hà từ tháng 3 đến hết mùa hè. Khu vực các chòi cá, nơi neo đậu thuyền bè của dân đánh cá ở biển Đồng Châu là nơi thu hút du khách và các nhiếp ảnh gia không chuyên tới ngắm bình minh nhất. 

du-lich-thai-binh-tiepthigiadinh-8
Ảnh: Đoàn Ngọc Anh

Biển Đồng Châu có bãi tắm dài khoảng 5km còn giữ nhiều nét hoang sơ. Ngoài ra, du khách có thể đi tàu, xuồng gắn máy ra thăm và tắm ở Cồn Thủ, Cồn Vành cách đất liền 7km. Bãi biển này có đặc điểm khi triều xuống, mặt nước trên bãi cát pha lẫn phù sa ngang tầm mắt cá chân trải dài mênh mông trông như một tấm gương khổng lồ phản chiếu mọi thứ. 

du-lich-thai-binh-tiepthigiadinh-9
Ảnh: Đoàn Ngọc Anh

Biển Quang Lang cũng là nơi tạo nguồn lợi mưu sinh hàng ngày cho dân địa phương. Sáng sớm ra biển du khách dễ bắt gặp người dân lội bùn cát đi đẩy te bắt tôm cá, hay mò cua cáy, ốc móng tay… Dưới ánh bình minh rực rỡ, cuộc sống mưu sinh lại trở nên thơ mộng như một bức tranh nghệ thuật. 

Khu du lịch sinh thái Cồn Vành 

du-lich-thai-binh-tiepthigiadinh-11
Thái Bình vẫn còn chưa khai thác hết tiềm năng du lịch tại địa phương (Ảnh: sưu tầm)

Cồn Vành với địa hình tương đối bằng phẳng, nằm ở phía Đông xã Nam Phú (Tiền Hải), phía Bắc giáp cồn Thủ, phía Nam giáp cửa Ba Lạt (cửa sông Hồng), phía Đông giáp biển Đông.

Cồn Vành thuộc khu vực dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng (đã được UNESCO công nhận vào tháng 12 năm 2004), nằm trong hệ thống liên hoàn các khu rừng ngập mặn ven biển trải dài từ Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh. Nơi đây có hệ sinh thái rừng ngập mặn khá phong phú với nhiều loài thực vật như sú, vẹt, bần, thông, trên 200 loài hải sản có giá trị và nhiều loài chim quý hiếm.

Nhận thức rõ lợi thế và tiềm năng du lịch của cồn Vành, tỉnh Thái Bình đã quan tâm chỉ đạo nhằm khai thác, phát triển du lịch ở nơi đây, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với sự ưu đãi của thiên nhiên và sự quy hoạch, đầu tư xây dựng, khai thác khoa học, hợp lý của con người, trong một tương lai không xa, cồn Vành sẽ trở thành một khu du lịch sinh thái có tầm cỡ, hấp dẫn, phát triển bền vững, hài hòa và hiệu quả.

Hòn ngọc xanh của Đồng bằng sông Hồng 

du-lich-thai-binh-tiepthigiadinh-13
Khu du lịch sinh thái Cồn Đen (Ảnh: sưu tầm)

Cồn Đen (xã Thái Đô, huyện Thái Thụy) thuộc vùng dự trữ sinh quyển thế giới nằm cách trung tâm thành phố Thái Bình khoảng 35km dọc theo quốc lộ 39B về phía Tây. Được thiên nhiên ưu đãi ban tặng thảm thực động vật đa dạng, phong phú, với địa hình tương đối bằng phẳng tạo nên bởi dải cồn cát mịn dài khoảng 3km, chiều rộng chỗ lớn nhất khoảng 700m, chỗ hẹp nhất là 450m, cồn Đen được mệnh danh là hòn ngọc xanh của đồng bằng sông Hồng, điểm đến lý tưởng cho du khách tham quan, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.

Khám phá nét đẹp trên vùng đất cổ 

Lễ hội đền Trần Thái Bình

du-lich-thai-binh-tiepthigiadinh-1
Ảnh: sưu tầm

Lễ hội đền Trần Thái Bình (làng Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà) hàng năm là dịp để du khách vãn cảnh, thăm, tưởng nhớ và tìm hiểu rõ hơn về công lao, sự phát triển rực rỡ của vương triều Trần.

Lâu nay du khách đều biết đến quê lúa Thái Bình - nơi có các lễ hội truyền thống và những công trình văn hóa đặc sắc. Điểm hẹn du khách không nên bỏ qua khi tới đây là quần thể di tích khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần. Vùng đất Long Hưng (nay là huyện Hưng Hà) ngay từ đầu thế kỷ thứ XIII đã được nhà Trần chọn làm nơi dựng nghiệp.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục, Kiến văn tiểu lục... đều ghi rõ: “Tổ tiên nhà Trần, đời nối đời làm nghề chài lưới. Từ đầu thế kỷ XII, họ Trần đã đến vùng Tức Mặc (Nam Định) và Lưu Xá (Hưng Hà, Thái Bình) sinh sống và làm nghề đánh cá. Thấy vùng đất Long Hưng thuận lợi, có địa thế đẹp, cụ Trần Hấp đã di chuyển mộ cha đến vùng đất Thái Đường (nay là xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà) định cư, trồng lúa nước, phát triển nông tang. Đây là nơi phát tích, dựng nghiệp, nơi khởi nguồn trực tiếp của triều đại nhà Trần - nhà nước phong kiến thịnh trị, hùng mạnh bậc nhất trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Kiến trúc độc đáo của chùa Keo

du-lich-thai-binh-tiepthigiadinh-12
Chùa Keo là một ngôi chùa nổi tiếng lâu đời tại Thái Bình (Ảnh: sưu tầm)

Nếu ai đã từng biết, từng nghe về danh tiếng của chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư) chắc hẳn đều có ước vọng được một lần hành hương đến thăm ngôi chùa đại cổ tự này và trong các kỳ lễ hội, nơi đây luôn tấp nập du khách tới vãn cảnh chùa.

Chùa Keo là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn hầu như còn nguyên vẹn kiến trúc hàng trăm năm tuổi.

Chùa Keo có tên chữ là Thần Quang Tự. Chùa có hai cụm kiến trúc độc đáo là chùa và đền, trong đó chùa là nơi thờ Phật và đền thờ Đức Dương Không Lộ - người có nhiều công lao cho đất nước, nhân dân. Trải qua gần 400 năm tồn tại, tu bổ, tôn tạo, chùa Keo hiện còn 17 công trình, 128 gian, có gác chuông 3 tầng. Với kiến trúc độc đáo, chùa Keo là một trong những ngôi chùa cổ đẹp nhất hiện nay. Năm 2017, lễ hội chùa Keo được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Một năm tại chùa Keo diễn ra hai kỳ lễ hội là hội xuân và hội thu. Ngoài phần lễ với các nghi thức: mở cửa đền thánh, dâng hương, tế lễ, du khách thập phương còn được tham dự các trò chơi dân gian: thi chạy, kéo lửa thổi cơm, bắt vịt và xem du thuyền hát hội.

Công trình tín ngưỡng độc đáo 

Nhà thờ Chính Toà

du-lich-thai-binh-tiepthigiadinh-3
Ảnh: sưu tầm

Nhà thờ chính tòa Thái Bình, được xây dựng trên một khu đất trống, tọa tại địa chỉ số 8 đường Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong, Thái Bình với tổng diện tích lên tới hơn 1.500m2. Nhà thờ được phong tước hiệu là Thánh Tâm Chúa Giesu. Nơi đây được biết tới là một trong những nhà thờ có lối kiến trúc đẹp và độc đáo nhất tại Việt Nam. Vừa mang nét đẹp hiện đại, vừa cổ kính, mang đậm phong cách kiến trúc của Gothic và Phương Đông. Tất cả điều này mang tới sự hài hòa, giúp nhà thờ trở thành điểm đến vô cùng ấn tượng.

Nhà thờ Bác Trạch 

du-lich-thai-binh-tiepthigiadinh-14
Ảnh: sưu tầm

Bên cạnh những công trình tâm linh nổi tiếng như chùa thì Thái Bình còn có một công trình kiến trúc hoành tráng là nhà thờ Bác Trạch. Đây chính là một trong những nhà thờ lớn nhất Việt Nam hiện nay với hoa văn trang trí công phu theo lối kiến trúc Roman.

Tìm hiểu làng nghề truyền thống

Làng dệt chiếu Hới 

du-lich-thai-binh-tiepthigiadinh-2
Ảnh: sưu tầm

Làng nghề trăm tuổi sẽ giúp bạn hiểu thêm về cuộc sống giản dị của người dân trong làng. Bạn sẽ được người dân giới thiệu về quy trình để tạo ra được một chiếc chiếu truyền thống từ công đoạn thu hoạch chế biến cói cho tới khâu thành phẩm. 

Đặc sản 

Bánh cáy làng Nguyễn 

du-lich-thai-binh-tiepthigiadinh-5
Đặc sản bánh cáy Thái Bình (Ảnh: sưu tầm)

Đặc sản Thái Bình không thể bỏ qua món bánh cáy nổi tiếng, được làm từ những đôi bàn tay khéo léo của người dân làng Nguyễn, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng. Bánh được làm từ các nguyên liệu từ hoa màu trong đời sống, tạo nên món bánh dẻo, thơm ngon và có hương vị đặc trưng.

Canh cá Quỳnh Côi

du-lich-thai-binh-tiepthigiadinh-10
Ảnh: sưu tầm

Món ăn này được xem như niềm tự hào của người dân Thái Bình. Thưởng thức bát canh cá thơm ngon, từng sợi phở mịn dai, tạo nên hương vị đặc trưng cho món ăn này.

Nem chạo Vị Thuỷ 

du-lich-thai-binh-tiepthigiadinh-4
Ảnh: sưu tầm

Nem chạo Vị Thủy thường có trong ngày giỗ, cưới hỏi ở làng Vị Thủy, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Đặc trưng của nem ở đây là được làm từ thịt, xương sống lợn băm nhuyễn. Xương ninh hơn 1h đồng hồ tạo nên độ dính dẻo hấp dẫn.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục