Tiếp Thị Gia Đình

Thứ hai, 03/07/2023, 09:30 (GMT+7)

Giảm giá để bán hàng trên livestream TikTok, lợi bất cập hại?

TikTok là miếng bánh ngon mà hầu hết những người thức thời đều đã “cắn” được một miếng. Song, nhiều chương trình giảm giá trên livestream TikTok còn bất cập.

3 năm trở lại đây, TikTok không chỉ là sân chơi giải trí mà còn là “kho vàng” giá trị để khai thác. Bằng việc kết hợp yếu tố giải trí và quảng cáo, rất nhiều cá nhân, thương hiệu đã tạo dựng được “bộ nhận diện” trước hàng triệu người xem TikTok. Các thuật toán của nền tảng cũng giúp khoảng cách giữa người bán và người mua trở nên gần hơn, người làm quảng cáo và tiếp thị bán hàng (KOL, KOC) chỉ cần tạo dựng được niềm tin với người xem là đã có thể bán được cả tỷ đồng mỗi phiên livestream (Phạm Thoại, Võ Hà Linh, Ngọc Kem).

Ngoài sự cố gắng và nỗ lực của người làm quảng cáo, TikTok cũng liên tục hỗ trợ khi tạo ra vô vàn mã giảm giá cho người mua, thúc đẩy hành động mua hàng của người xem livestream. Vì vậy, các thông báo giảm giá trên livestream luôn được người tiêu dùng săn đón, điển hình là phiên bán hàng trực tuyến của Võ Hà Linh, đạt đỉnh điểm 300 ngàn lượt xem cùng lúc. Tuy nhiên, đây cũng là buổi livestream bão tố nhất khi KOC vấp phải lỗi báo giá không chuẩn, gây ảnh hưởng tới các chuỗi cửa hàng bán lẻ của Công ty Dược phẩm Hoa Linh.

01688229123.png
Giá bán trên livestream giảm giá cực sâu, nhờ vào mã giảm giá của người bán và TikTok Shop

“Lời rao ảo” mua sản phẩm 19k, mua 1 tặng 1 của Võ Hà Linh đã tạo nên cơn sốt khắp mạng xã hội, vậy giảm giá trên livestream tới vài triệu đồng liệu có phải là cú vấp ngã tiếp theo hay không? Mới đây, Samsung đã livestream TikTok với rất nhiều ưu đãi cực kỳ giá trị, bảo đảm dịch vụ và chất lượng tương đương khi mua trực tiếp ở cửa hàng. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là chiếc S23 Ultra được giảm giá trên livestream TikTok (khi áp dụng các mã giảm giá) chỉ còn 19,8 triệu đồng, thấp hơn 7 triệu so với các nhà phân phối như Thegioididong, FPT, Viettel.

Giảm giá trên livestream là hình thức quảng cáo bán hàng hiệu quả nhất trên TikTok. Với mức giá “hời” như vậy, người mua sẽ cảm thấy được được lợi hơn so với mua trực tiếp ở cửa hàng. Nhiều người tỏ ra thắc mắc khi không hiểu được lý do nhãn hàng lại bán rẻ sản phẩm hơn so với các nhà phân phối. Hình thức marketing “bám” trend nhưng tạo ra nhiều bất cập, ảnh hưởng lớn tới các cửa hàng bán trực tiếp.

Mua điện thoại trên mạng có nhiều nguy cơ dẫn tới rủi ro
Mua điện thoại trên mạng có nhiều nguy cơ dẫn tới rủi ro

Bên cạnh đó, bán thiết bị điện tử qua livestream cũng khá mạo hiểm, đặc biệt là trong quá trình vận chuyển. Khác với những sản phẩm thông thường, điện thoại hay các thiết bị điện tử nói chung nếu như bị va đập sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng của máy. Hơn nữa, quy trình đổi trả cũng phức tạp khi khách hàng phải chứng minh lỗi được lỗi máy. Trong khi đó, không phải chiếc điện thoại nào cũng xuất hiện lỗi ngay từ những ngày đầu tiên nhận hàng.

Khác với livestream gây bão của KOC Võ Hà Linh, phiên bán hàng của Samsung chưa nhận được nhiều sự đón nhận vì nhiều người dùng chưa đủ tin tưởng để mua điện thoại hàng chục triệu qua TikTok. Do đó, việc giảm giá trên livestream của nhãn hàng chưa đủ “sức sát thương” lên các cửa hàng phân phối. Nhưng nếu các phiên livestream diễn ra với tần suất dày và giảm sâu tới vậy, chắc chắn sẽ tạo ra một cơn sốt mới “nối gót” Dược phẩm Hoa Linh.

21688229493.png
Quảng cáo bán điện thoại, tặng vé xem concert BLACKPINK

Ngoài giảm giá trên livestream, rất nhiều cửa hàng điện thoại cũng bắt kịp nhịp độ đời sống khi “bán điện thoại, trao tặng vé xem concert Born Pink”. Thông báo Việt Nam trở thành một trong các quốc gia thuộc chuỗi lưu diễn toàn cầu của nhóm nhạc BLACKPINK đang gây chấn động thời điểm này. Vì thế, rất nhiều cá nhân, thương hiệu, chuỗi cửa hàng nắm bắt cơ hội. Ngay cả cửa hàng điện thoại cũng không ngoại lệ, chủ shop sẵn sàng bán 24 chiếc điện thoại deal 1000 đồng, tặng vé xem show “Hắc Hường” nhằm thu hút người xem livestream.

Chưa bàn tới việc giá của 24 máy Oppo A16 có thực sự bán với giá 1000 đồng như lời quảng cáo hay không, chỉ riêng việc tặng vé xem concert đã đủ khiến dân tình sôi sục. Bởi lẽ, việc mua vé xem show nhóm nhạc thần tượng BLACKPINK không hề dễ dàng. Không chỉ người Việt Nam muốn tới xem iDol biểu diễn, rất nhiều fan hâm mộ quốc tế cũng sẽ tham gia vào cuộc chiến giành mua vé. Vì vậy, món quà của chủ shop đã trở thành “kim bài bất tử” của những người hâm mộ mong muốn sở hữu tấm vé. Nhưng, món quà chỉ có giá trị nếu như người livestream TikTok có thể thực hiện được lời hứa. 

Trong trường hợp tặng vé xem concert thần tượng chỉ là chiêu trò bán hàng của người bán thì đây rõ ràng là bất cập của phiên livestream TikTok. Quảng cáo “treo đầu dê, bán thịt chó” sẽ gây mất lòng tin ở khách hàng, giảm uy tín thương hiệu. Trên hết, TikTok chưa thể kiểm soát vấn đề “quảng cáo ảo” của những nhà bán hàng, gây bất lợi cho người mua.

Cùng chuyên mục