Người cao tuổi nên đạp xe hay đi bộ để tốt cho sức khỏe?
Đạp xe và đi bộ là những môn thể dục quen thuộc được nhiều người cao tuổi tham gia tập luyện hàng ngày. Nhưng không phải ai cũng biết môn thể dục nào là phù hợp.
Người cao tuổi là những đối tượng từ 60 tuổi trở lên. Việc vận động phù hợp với người cao tuổi vô cùng quan trọng, không chỉ góp phần nâng cao sức khỏe mà còn có thể kéo dài tuổi thọ.
Theo bác sĩ Đỗ Nam Khánh, Trưởng ban Kết nối - Phát triển cộng đồng, Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam, mỗi người cao tuổi có những bài tập riêng, phù hợp với sức khỏe bản thân, không nên thấy bạn bè tập luyện rồi bắt chước.
“Người già học theo nhau để tập thể dục thể thao có cả mặt tốt và mặt chưa tốt. Đơn giản như bài tập đi bộ, ai cũng nghĩ mình có thể tập luyện. Nhưng thực tế, người cao tuổi học nhau đi bộ có thể là hại. Bởi vì, bài tập đi bộ chống chỉ định cho những người có hiện tượng thoái hóa khớp gối. Nếu bị thoái hóa khớp gối thì càng đi bộ khớp gối sẽ càng mài mòn và bệnh sẽ càng nặng hơn” – bác sĩ Khánh nói.
Hay như môn đạp xe ở người cao tuổi cũng vậy. Đạp xe cũng có mặt tốt và chưa tốt đối với sức khỏe người cao tuổi. Đầu tiên là thời điểm và hoàn cảnh đạp xe. Nếu các cụ đạp xe ở thời điểm sáng sớm, có sương mù, thời tiết còn chưa ấm, lượng oxy trong không khí chưa nhiều, đạp xe ở nơi không an toàn (mặt đường trơn trượt, gồ ghề, phương tiện giao thông đi lại đông đúc…) thì đó là hại chứ không có lợi cho sức khỏe. Còn nếu người cao tuổi đạp xe trong buổi chiều mát, ở nơi an toàn thì tốt. Hơn nữa, đạp xe còn tốt cho vấn đề của khớp gối, giúp khớp gối không bị thoái hóa thêm.
Nhưng đạp xe cũng có một nhược điểm, đó là cơ bụng không được vận động, chỉ vận động cơ chân là chính. Cho nên đạp xe để giảm béo bụng thì môn đạp xe không đáp ứng được nhu cầu đó. Bài đạp xe là bài vận dụng cơ chân nhiều, cơ tay hoạt động ít và cơ lưng gần như không hoạt động.
“Trong thực tiễn cộng đồng tôi đã từng gặp trường hợp có cụ sau 10 năm đạp xe, độ tuổi 75 trở nên, lưng có xu hướng bị gù. Nếu cụ đó đi đạp xe sau đó về nhà tập các bài giãn cột sống lưng, giãn cơ lưng thì sẽ không bị gù như vậy” – bác sĩ Nam Khánh chia sẻ.
Việc đạp xe hay đi bộ đều mang đến những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe người cao tuổi. Tuy nhiên, mỗi bài tập đều có ưu nhược điểm riêng, quan trọng là người cao tuổi phải tập đúng cách, biết mình đang bị bệnh gì để lựa chọn phương pháp tập luyện cho hiệu quả. Đồng thời, khi mới tập luyện, người cao tuổi cũng nên tìm chuyên gia để tư vấn về sức khỏe của mình và hướng dẫn các bài tập phù hợp, vì có những động tác chỉ cần tập sai tư thế thôi là sẽ tổn thương đến xương khớp.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đối với người trưởng thành và người lớn tuổi nên tập thể dục mỗi tuần ít nhất 150 phút vận động trung bình hoặc ít nhất 75 phút vận động mạnh hoặc kết hợp cả hai. Người cao tuổi nên lắng nghe cơ thể và tùy thuộc vào thể trạng của từng người để lựa chọn thời gian tập phù hợp và môn thể thao phù hợp.
Người cao tuổi thường xuyên tập luyện thể dục đem lại nhiều lợi ích như:
- Hỗ trợ tăng cường tỷ trọng xương.
- Nâng cao sự dẻo dai và cải thiện sự cân đối cho cơ thể.
- Giúp cơ thể được kiểm soát triệu chứng của các căn bệnh mãn tính tốt hơn.
- Phòng ngừa các cơn đau và nguy cơ gây trầm cảm.
- Giảm thiểu những tai nạn có thể xảy ra ở tuổi già như té ngã…
- Hỗ trợ tăng cường sức mạnh cho cơ thể thông qua các bài tập như đạp xe đạp,…