Thứ năm, 01/05/2025
logo
Tiêu điểm

Cảnh báo 'đỏ' cho giới nghệ sĩ: ‘Quảng cáo một lần, trả giá cả đời’ nếu coi thường những điều kiện pháp lý này

Thanh Hoa Thứ năm, 01/05/2025, 06:20 (GMT+7)

Khi lời xin lỗi không thể cứu vãn lòng tin, sức khỏe người dùng cũng như trách nhiệm pháp lý, đã đến lúc người nổi tiếng cần hiểu rõ và tuân thủ nghiêm ngặt hơn về quy định pháp luật khi quảng cáo sản phẩm.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân không mua thực phẩm bảo vệ sức khoẻ có các dấu hiệu quảng cáo sau

Vụ gần 600 loại sữa giả 'công khai' lưu hành suốt 4 năm: Bịt 'lỗ hổng' bằng tăng hậu kiểm?

Review sản phẩm trên mạng: Đâu là ranh giới giữa “tự do thể hiện ý kiến cá nhân” và “trách nhiệm pháp lý khi gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng”?

Vòng lặp nghệ sĩ dính “lao lý” vì quảng cáo sai sự thật, cớ vì đâu?

Thời gian qua, làng giải trí Việt liên tục chấn động khi hàng loạt gương mặt nổi tiếng lần lượt bị “réo tên” vì dính bê bối quảng cáo hàng giả, quảng cáo sai sự thật. Đáng báo động hơn, các sản phẩm mà họ tiếp tay truyền thông đều liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng như thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung hay sữa dinh dưỡng…

Khi sự thật bị “bóc trần”, kịch bản quen thuộc nhanh chóng xuất hiện: một lời xin lỗi công khai, đôi khi rơi nước mắt, thêm một lời hứa “sẽ cẩn trọng hơn”. Nhưng thử hỏi, liệu một lời xin lỗi có đủ để chữa lành những tổn thất không thể đo đếm: từ sức khỏe bị đe dọa cho đến lòng tin công chúng bị phản bội?

gia-tieu-hom-nay-ngay-1605-15-112004-1028
Nhiều nổi tiếng dính bê bối quảng cáo hàng giả, quảng cáo sai sự thật.

Điều khiến dư luận không khỏi hoài nghi là: “Cớ đâu khiến nhiều nghệ sĩ sai phạm đến vậy?” - Vì đồng tiền, thiếu hiểu biết, chủ quan, coi thường pháp luật… hay đơn giản họ cũng không biết đó là hàng giả cho đến khi cơ quan chức năng điều tra và kết luận? Nếu họ cũng là nạn nhân, vậy điều gì sẽ giúp họ tránh khỏi vòng lặp này?

Điều kiện cần và đủ là gì để tránh rủi ro về pháp lý?

Trong cuộc trò chuyện cùng Tiếp thị & Gia đình, ông Lê Thanh Lâm - Thạc sĩ Luật Hình sự và Tố tụng hình sự đã có những chia sẻ để làm rõ trách nhiệm cũng như điều kiện cần và đủ để nghệ sĩ, người nổi tiếng tham gia quảng cáo sản phẩm tránh khỏi rủi ro về pháp lý.

Thưa ông Lê Thanh Lâm, hiện nay pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về trách nhiệm pháp lý của nghệ sĩ khi tham gia quảng cáo sản phẩm? 

Theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, nghệ sĩ khi tham gia hoạt động quảng cáo có nghĩa vụ bảo đảm tính trung thực, chính xác trong thông tin cung cấp, không gây hiểu lầm về công dụng, chất lượng của sản phẩm, dịch vụ. Trường hợp vi phạm, nghệ sĩ có thể bị xử lý hành chính, dân sự hoặc thậm chí hình sự, tùy theo mức độ hậu quả gây ra.

Có những văn bản pháp lý cụ thể nào điều chỉnh hoạt động quảng cáo mà nghệ sĩ cần đặc biệt lưu ý?

Theo quy định hiện hành tại khoản 11 Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012, pháp luật nghiêm cấm hành vi: “Sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của người có uy tín, người có ảnh hưởng trong xã hội để quảng cáo sản phẩm mà mình không sử dụng hoặc chưa từng sử dụng, gây nhầm lẫn về công dụng sản phẩm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng”.

Đồng thời, Điều 19 của Luật này quy định: “Tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo do mình thực hiện”.

Và tại Điều 20, pháp luật yêu cầu người phát ngôn trong quảng cáo: “Chịu trách nhiệm về việc sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của mình trong quảng cáo và phải bảo đảm phù hợp với thực tế về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo”.

Từ những quy định nêu trên, có thể khẳng định rằng nghệ sĩ, với vai trò là người có ảnh hưởng lớn đến công chúng, cần đặc biệt cẩn trọng trong hoạt động quảng cáo. Việc tuân thủ pháp luật không chỉ là nghĩa vụ pháp lý, mà còn là trách nhiệm đạo đức đối với xã hội và người tiêu dùng.

Trước khi nhận lời quảng cáo, nghệ sĩ cần kiểm tra những yếu tố pháp lý nào của sản phẩm/thương hiệu? Đặc biệt là sản phẩm thuộc danh mục đặc thù (thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm…), thưa ông?

Để bảo đảm an toàn pháp lý, tránh vi phạm các quy định quảng cáo, người có ảnh hưởng, nghệ sĩ hoặc KOLs cần kiểm tra các yếu tố sau:

(1). Giấy phép lưu hành, công bố hợp pháp của sản phẩm

Với thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm… phải có:

  • Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm (đối với thực phẩm chức năng – theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP).

  • Phiếu công bố mỹ phẩm (theo Thông tư 06/2011/TT-BYT).

  • Số đăng ký lưu hành thuốc/dược phẩm (theo Thông tư 32/2018/TT-BYT).

Nghệ sĩ nên yêu cầu thương hiệu cung cấp bản scan hợp lệ và bản chính đối chiếu của các giấy tờ này.

(2). Nội dung quảng cáo đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận

Theo Điều 27 Luật Quảng cáo 2012, nội dung quảng cáo một số sản phẩm đặc biệt phải được cơ quan quản lý xác nhận trước khi phát hành, bao gồm: Thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thiết bị y tế, hóa chất diệt côn trùng dùng trong gia dụng và y tế.

Nghệ sĩ cần đối chiếu nội dung mình sắp đọc, nói hoặc đăng tải có đúng với nội dung đã được xác nhận hay không.

(3). Kiểm tra thành phần, công dụng và tránh cam kết sai sự thật

Pháp luật cấm nghệ sĩ cam kết quá mức như: “chữa khỏi hoàn toàn”, “hiệu quả tuyệt đối”, “không tác dụng phụ”… đặc biệt là với thực phẩm chức năng hay dược phẩm. Nếu thương hiệu yêu cầu sử dụng những lời lẽ như vậy, nghệ sĩ nên từ chối hoặc yêu cầu sửa đổi để tránh vi phạm Điều 8 Luật Quảng cáo.

6d9c7ea83bba88e4d1ab-1039
Ông Lê Thanh Lâm cho biết, trước khi nhận lời quảng cáo, nghệ sĩ cần kiểm tra đầy đủ các yếu tố pháp lý liên quan đến sản phẩm/thương hiệu.

Theo ông, có nên nhờ đến sự hỗ trợ của đội ngũ pháp lý trước khi ký kết các hợp đồng quảng cáo không? Lý do vì sao?

Câu trả lời là: Rất nên!!!

Không chỉ trong lĩnh vực quảng cáo mà còn trong tất cả các lĩnh vực hoạt động khác của nghệ sĩ. Lý do rất đơn giản là bởi các hoạt động của nghệ sĩ đều được quy định bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau mà bản thân nghệ sĩ cũng khó có thể nắm bắt toàn bộ. 

Nếu có tư vấn của công ty luật thì nghệ sĩ có thể:

(1). Đảm bảo quyền lợi pháp lý cho nghệ sĩ

Đội ngũ pháp lý sẽ giúp nghệ sĩ:

  • Xác định rõ quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng: Thời hạn, phạm vi sử dụng hình ảnh, nghĩa vụ phát ngôn, trách nhiệm khi xảy ra sự cố truyền thông.

  • Tránh điều khoản bất lợi, như: Phạt vi phạm không tương xứng, ràng buộc độc quyền không rõ thời hạn, hoặc nghĩa vụ vượt quá năng lực kiểm soát.

(2). Giảm thiểu rủi ro pháp lý khi quảng cáo sai phạm

Đội ngũ pháp lý có thể:

  • Rà soát nội dung quảng cáo có đúng với quy định pháp luật không, nhất là khi liên quan đến các ngành nghề đặc thù (thực phẩm chức năng, dược phẩm, tài chính, mỹ phẩm...).

  • Cảnh báo rủi ro vi phạm: Chẳng hạn như phát ngôn gây hiểu lầm, cam kết công dụng vượt mức cho phép, sử dụng hình ảnh chưa đúng mục đích.

(3). Bảo vệ hình ảnh, danh tiếng và tài sản thương hiệu cá nhân

Trong một môi trường truyền thông nhanh và nhạy cảm, nghệ sĩ có thể dễ dàng bị kéo vào các tranh chấp ảnh hưởng đến danh dự, uy tín và giá trị thương mại của tên tuổi cá nhân.

Đội ngũ pháp lý có thể:

  • Giúp nghệ sĩ thêm điều khoản bảo vệ hình ảnh, xử lý khủng hoảng truyền thông và giới hạn trách nhiệm khi phát sinh rủi ro ngoài ý muốn.

Trong trường hợp sản phẩm có vấn đề (như gây hại cho sức khỏe người dùng), nghệ sĩ có thể bị liên đới trách nhiệm như thế nào?

Nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật hoặc quảng bá quá mức gây nhầm lẫn, nếu sản phẩm gây hại, có thể bị người tiêu dùng khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại và sẽ bị xử phạt hành chính, yêu cầu cải chính công khai.

Cụ thể, nghệ sĩ có thể chịu:

  • Trách nhiệm hành chính (Căn cứ Nghị định 38/2021/NĐ-CP): Phạt tiền từ 10 – 100 triệu đồng tùy mức độ sai phạm, yêu cầu gỡ bỏ quảng cáo, cải chính thông tin

  • Trách nhiệm dân sự (Căn cứ Bộ luật Dân sự 2015 + Luật BVQLNTD 2023): Bồi thường thiệt hại nếu người tiêu dùng chứng minh được hậu quả

  • Trách nhiệm hình sự (Căn cứ Bộ luật Hình sự 2015): Nếu biết rõ sản phẩm gây hại nhưng vẫn quảng cáo: có thể bị truy cứu theo Điều 193 – Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, Điều 194 – Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh hay Điều 198 – Tội Lừa dối khách hàng

Trên thực tế, đã có những trường hợp nghệ sĩ phải đối mặt với kiện tụng hoặc chỉ trích do quảng cáo sai lệch. Ông có thể chia sẻ một số bài học rút ra từ các vụ việc này?

Giữa việc ngày càng có nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng vướng vào vòng lao lý bởi quảng cáo sai sự thật. Theo tôi, điều quan trọng nhất vẫn là cần có sự hiểu biết và tuân thủ tuyệt đối theo quy định của pháp luật.

Các bài học mà nghệ sĩ có thể rút ra như:

- Xác minh tính hợp pháp của sản phẩm

Nghệ sĩ nên yêu cầu cung cấp đầy đủ giấy phép lưu hành sản phẩm, nhất là đối với các sản phẩm đặc thù như dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm.

- Không quảng cáo những cam kết sai sự thật

Tránh có những lời lẽ quảng cáo cam kết hiệu quả tuyệt đối mà không có chứng minh khoa học hoặc thẩm định của cơ quan chức năng.

- Kiểm tra kỹ nội dung hợp đồng

Các điều khoản trong hợp đồng quảng cáo cần được xem xét kỹ lưỡng. Nghệ sĩ nên yêu cầu bảo vệ quyền lợi cá nhân trong các trường hợp bị liên đới trách nhiệm hoặc sản phẩm bị lỗi. Chế tài về trách nhiệm pháp lý cần được ghi rõ để bảo vệ nghệ sĩ trong trường hợp có sự cố xảy ra.

- Từ chối tham gia quảng cáo khi có dấu hiệu bất hợp pháp

Nếu sản phẩm có dấu hiệu không rõ nguồn gốc hoặc nghi ngờ về chất lượng, nghệ sĩ nên kiên quyết từ chối tham gia quảng cáo. Việc bảo vệ uy tín cá nhân trong trường hợp này sẽ quan trọng hơn rất nhiều so với lợi ích tài chính ngắn hạn.

Có những bước kiểm tra độc lập hay phương án bảo hiểm pháp lý nào mà nghệ sĩ có thể cân nhắc trước khi nhận lời quảng cáo, thưa ông?

Các bước kiểm tra độc lập nên được bao gồm:

(1). Kiểm tra giấy phép sản phẩm

Nghệ sĩ nên yêu cầu bản sao giấy phép lưu hành sản phẩm từ công ty hoặc đơn vị sản xuất. Đối với các sản phẩm như thực phẩm chức năng, dược phẩm hoặc mỹ phẩm, cần kiểm tra xem sản phẩm có được cấp phép từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) hoặc các cơ quan tương đương hay không.

(2). Xác minh nguồn gốc, thành phần sản phẩm

Nghệ sĩ có thể yêu cầu cung cấp chứng từ hoặc tài liệu chứng minh nguồn gốc và thành phần của sản phẩm (đặc biệt là với thực phẩm chức năng, dược phẩm). Đồng thời, có thể tham khảo chứng nhận về chất lượng, kết quả kiểm tra của các tổ chức độc lập hoặc cơ quan chức năng để xác nhận về tính an toàn của sản phẩm.

(3). Thẩm định tính xác thực của thông tin quảng cáo

Nghệ sĩ cần yêu cầu các thông tin quảng cáo phải được chứng minh bằng các bằng chứng thực tế và không gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Các tuyên bố về hiệu quả sản phẩm nên được kiểm chứng qua nghiên cứu lâm sàng hoặc thẩm định từ các cơ quan uy tín.

Ngoài ra, nghệ sĩ, người nổi tiếng cần phải có phương án bảo hiểm pháp lý, như:

- Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp

Loại bảo hiểm này sẽ bảo vệ nghệ sĩ trong các tình huống xảy ra tranh chấp hoặc kiện tụng do quảng cáo sản phẩm, chẳng hạn như bồi thường thiệt hại hoặc chi phí pháp lý.

- Xây dựng điều khoản miễn trừ trách nhiệm trong hợp đồng

Trước khi ký hợp đồng quảng cáo, nghệ sĩ nên yêu cầu thêm điều khoản miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp có sự cố liên quan đến sản phẩm quảng cáo.

- Tham khảo ý kiến của luật sư chuyên môn

Trước khi nhận lời tham gia quảng cáo, nghệ sĩ nên có tư vấn từ một luật sư chuyên về quảng cáo hoặc luật sở hữu trí tuệ. 

Kiểm tra kỹ các yếu tố pháp lý và có phương án bảo hiểm thích hợp là bước quan trọng giúp nghệ sĩ bảo vệ quyền lợi của mình khi tham gia quảng cáo. Các bước này không chỉ giúp tránh rủi ro pháp lý mà còn giảm thiểu nguy cơ tổn hại đến uy tín và danh tiếng cá nhân cho nghệ sĩ, người nổi tiếng.

Cảm ơn ông Lê Thanh Lâm và những chia sẻ bổ ích cùng Tiếp thị & Gia đình. Chúc ông thật nhiều sức khỏe và ngày càng thành công hơn nữa!

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục