Chủ nhật, 20/04/2025
logo
Tiêu điểm

Bộ Y tế khuyến cáo người dân không mua thực phẩm bảo vệ sức khoẻ có các dấu hiệu quảng cáo sau

Pha Lê Chủ nhật, 20/04/2025, 19:41 (GMT+7)

Khi xem quảng cáo trên mạng xã hội cần lưu ý phân biệt các dấu hiệu vi phạm trong quảng cáo, ví dụ: Uống thực phẩm bảo vệ sức khỏe sau đó sẽ khỏi bệnh; hoặc có hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế giới thiệu về sản phẩm, không có dòng chữ “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” là những nội dung quảng cáo vi phạm.

Sữa giả len lỏi vào cơ sở y tế, Bộ Y tế cảnh báo xử lý nghiêm, không có ngoại lệ

Siết chặt quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng: Chiêu bài hô biến thực phẩm chức năng thành 'thần dược' sắp hết thời

Dược mỹ phẩm Khang Linh rầm rộ quảng cáo thực phẩm chức năng có khả năng phòng ngừa, giảm tái phát ung thư

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thực phẩm bảo vệ sức khỏe là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần đến cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.

Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ phải được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm mới được lưu thông trên thị trường.

screenshot-248-1712
Quảng cáo có hình ảnh bác sỹ, nhân viên y tế giới thiệu về sản phẩm.

Tất cả thông tin về các các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và được cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo được công khai trên trang https://vfa.gov.vn/, https://dichvucong.moh.gov.vn/ và https://congkhaiyte.moh.gov.vn/?page=Project.MedicalPrice.Home.MedicalPrice.Announcement.list#module9. Người dân có thể tra cứu trước khi quyết định chọn mua sản phẩm.

Cục An toàn thực phẩm lưu ý người dân cần kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm, trên nhãn sản phẩm hoặc nhãn phụ (đối với sản phẩm nhập khẩu) đảm bảo có đầy đủ các thông tin:

- Tên sản phẩm;

- Ngày sản xuất, hạn sử dụng;

- Thành phần, thành phần định lượng;

- Định lượng;

- Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản: Công dụng, đối tượng sử dụng, cách dùng;

- Khuyến cáo về nguy cơ (nếu có);

- Ghi cụm từ: "Thực phẩm bảo vệ sức khỏe";

- Ghi cụm từ: "Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh".

- Số tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, số xác nhận nội dung quảng cáo (nếu có).

- Tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và cơ sở sản xuất sản phẩm.

Qua đó, Cục An toàn thực phẩm cũng hướng dẫn người tiêu dùng: khi xem quảng cáo trên mạng xã hội cần lưu ý phân biệt các dấu hiệu vi phạm trong quảng cáo.

screenshot-247
Cục An toàn thực phẩm lưu ý người dân cần kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm, trên nhãn sản phẩm hoặc nhãn phụ (đối với sản phẩm nhập khẩu) đảm bảo có đầy đủ các thông tin.

Ví dụ, uống thực phẩm bảo vệ sức khỏe sau đó sẽ khỏi bệnh; hoặc có hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế giới thiệu về sản phẩm, không có dòng chữ "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh" là những nội dung quảng cáo vi phạm.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lợi dụng tâm lý muốn khỏi bệnh nhanh của người tiêu dùng để quảng cáo sai sự thật, thậm chí dùng cả người nổi tiếng để tăng độ tin cậy.

Những lời quảng cáo như "giúp khỏi bệnh hoàn toàn", "tác dụng nhanh chóng chỉ sau vài ngày", "bài thuốc gia truyền 100% tự nhiên"… đều là những dấu hiệu của quảng cáo thổi phồng.

Theo Cục An toàn thực phẩm, những lời quảng cáo ấy đều không dựa trên cơ sở khoa học hay được kiểm chứng bởi cơ quan chức năng. Nhiều trường hợp, những nhân vật có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội đã "thổi phồng" công dụng của thực phẩm chức năng, khiến người tiêu dùng lầm tưởng về khả năng thật sự của sản phẩm. Trong khi thực tế, những kết quả ấy khó có thể đạt được chỉ dựa vào một sản phẩm đơn lẻ.

Quy định về nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN)

Theo Luật Quảng cáo 2012 và Thông tư 09/2015/TT-BYT, khi quảng cáo TPCN, các tổ chức, cá nhân cần tuân thủ:

Không được quảng cáo gây hiểu nhầm rằng sản phẩm là thuốc chữa bệnh.

Không sử dụng từ ngữ như: “điều trị”, “chữa khỏi”, “hiệu quả như thuốc”, “thần dược” hoặc các từ ngữ tương tự.

screenshot-249
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

Phải ghi rõ dòng chữ: “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.”

Không dùng hình ảnh, uy tín của bác sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, chia sẻ từ người bệnh để quảng cáo (trừ khi đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép).

Nội dung quảng cáo phải đúng với hồ sơ đã đăng ký và được Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cấp xác nhận nội dung trước khi phát hành.

 Hình thức quảng cáo được phép:

Trên báo in, báo điện tử, website.

Qua truyền hình, phát thanh.

Trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử (phải kiểm soát nội dung chặt chẽ).

Biển bảng, standee, pano, tờ rơi (đúng nội dung được phê duyệt).

 Điều kiện để được quảng cáo TPCN:

Sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm.

Có Giấy xác nhận nội dung quảng cáo do Cục An toàn thực phẩm cấp.

Nội dung quảng cáo phải khớp hoàn toàn với nội dung được xác nhận.

Chế tài xử phạt khi vi phạm:

Theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP, hành vi quảng cáo sai quy định có thể bị xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 25 đến 50 triệu đồng đối với quảng cáo TPCN gây hiểu nhầm là thuốc.

Buộc tháo gỡ, cải chính nội dung quảng cáo sai sự thật.

Có thể bị thu hồi Giấy xác nhận nội dung quảng cáo hoặc đình chỉ hoạt động quảng cáo.

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục