Ngành quảng cáo bạc tỷ đã bỏ lỡ điều gì khi mải miết chảy theo giới trẻ?
Trong kỷ nguyên quảng cáo bạc tỷ, các thương hiệu có xu hướng chạy theo giới trẻ. Các chiến lược quảng cáo theo đó được các thương hiệu đo đinh đóng giày để phù hợp với nhóm khách hàng trẻ tuổi. Tuy nhiên, liệu có góc khuất nào mà thương hiệu chưa nhìn ra?
Quảng cáo hiện đại mải miết chạy theo giới trẻ
Số liệu từ Consumer Trend 2024 cho biết, hầu hết các ngành hàng đặc biệt là trong ngành hàng tiêu dùng FMCG, công nghệ, thời trang, thường đổ dồn sự chú ý vào các tệp khách hàng trẻ hơn 18-35 vì nhóm này được coi là có tiềm năng mua sắm và tiếp nhận thông tin qua các kênh truyền thông mới nhanh hơn.
Bà Nguyễn Hà An, Giám đốc truyền thông của một hãng kính mắt nổi tiếng nhận định: “Gen Z là đối tượng khách hàng mà thương hiệu chúng tôi đặc biệt chú trọng. Đây cũng là nhóm khách hàng mục tiêu trong các chiến dịch marketing của thương hiệu”.
Theo bà An, tiềm năng của phân khúc khách hàng thuộc thế hệ gen Z rất lớn. Họ là những khách hàng mua sắm thông minh và rất có gu. Tuy nhiên, sản phẩm không phải là mục đích mua sắm cuối cùng của nhóm đối tượng này. Xu hướng mua sắm của thế hệ người tiêu dùng trẻ đang dần thay đổi từ việc sở hữu vật chất sang việc tìm kiếm trải nghiệm ý nghĩa hơn.
Để tiếp cận nhóm đối tượng khách hàng đầy tiềm năng này, thương hiệu đã xây dựng các chiến dịch sáng tạo, đa nền tảng và bám sát insight của giới trẻ. Các chiến dịch quảng cáo của thương hiệu đều được đội ngũ sáng tạo dàn dựng bài bản với sự hợp tác của hàng loạt KOL/KOC, các trend TikTok và các yếu tố viral.

Cũng theo bà An, trong kỷ nguyên quảng cáo mải miết chinh phục nhóm khách hàng Gen Z, thương hiệu cần tạo ra các dấu ấn riêng mang tính thương hiệu. Bởi, quảng cáo sẽ “mải miết” nếu như doanh nghiệp không định vị được rõ ràng sự khác biệt của mình với các thương hiệu khác cùng ngành hàng.
Với trường hợp của thương hiệu kính mắt Lily, để tạo sự khác biệt, thương hiệu tập trung xác định các giá trị mà khách hàng mong muốn có được ở thương hiệu, sau đấy đặt giá trị đấy làm kim chỉ nam. “Thương hiệu đã tìm hiểu insight khách hàng của mình rất kỹ để xây dựng các chiến dịch quảng cáo phù hợp”, bà An nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, thương hiệu lớn như Be, Biti’s Hunter, Phúc Long, Cocoon Vietnam, Shopee… cũng định vị nhóm khách hàng trẻ tuổi là đối tượng khách hàng mục tiêu trong các chiến dịch quảng cáo của thương hiệu.
Để thu hút và chinh phục nhóm khách hàng trẻ tuổi, Be - ứng dụng đặt xe công nghệ thuần Việt đã triển khai nhiều chiến lược marketing sáng tạo. Be tập trung vào việc tạo dựng hình ảnh thương hiệu thân thiện, trẻ trung và phù hợp với tâm lý của giới trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z.
Thay vì sử dụng các thông điệp quảng cáo truyền thống, thương hiệu chuyển hướng sang phong cách nội dung sáng tạo, sử dụng ngôn ngữ và xu hướng mà giới trẻ ưa chuộng, như meme content và các trào lưu trên mạng xã hội.

Để tăng cường nhận diện, thương hiệu này đã giới thiệu hai nhân vật mascot là Văn Be và Thị Be, được thiết kế dựa trên hình tượng người đàn ông và phụ nữ truyền thống Việt Nam. Hai nhân vật này xuất hiện trong các chiến dịch quảng cáo và trên mạng xã hội với nội dung hài hước, bắt kịp xu hướng, tạo sự gần gũi và thân thiện với người dùng trẻ.
Thương hiệu này cũng tích cực tham gia và tài trợ cho các chương trình, sự kiện dành cho sinh viên, nhằm quảng bá thương hiệu và tăng độ phủ sóng cả online lẫn offline. Nhờ những chiến lược trên, Be đã tạo dựng được hình ảnh một thương hiệu trẻ trung, sáng tạo và gần gũi, thu hút sự quan tâm và ủng hộ từ giới trẻ Việt Nam.
Thị trường quảng cáo bạc tỷ đã bỏ lỡ điều gì?
Trong kỷ nguyên quảng cáo mải miết chinh phục giới trẻ, nhiều thương hiệu thậm chí còn giới hạn phân khúc khách hàng của họ ở 65 tuổi hoặc trẻ hơn, dẫn đến việc tiếp thị cho những đối tượng này không được chú trọng. Đáng chú ý, theo liệu từ Consumer Trend 2024, thị trường chỉ có 1,5% quảng cáo có sự xuất hiện của người trên 65 tuổi. Trong khi đó, đây cũng làm nhóm đối tượng khách hàng đầy tiềm năng - một thị trường bạc tỷ của ngành quảng cáo.
Thống kê của UNFPA cho biết, Việt Nam đang là một trong những quốc gia đứng đầu trong bảng xếp hạng có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dự báo đến năm 2036, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số giá, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Điều này cho thấy, phân khúc người tiêu dùng cao tuổi đang ngày càng chiếm một số lượng đông đảo.

Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính tới tháng 6/2023, số lượng người dùng Internet tại Việt Nam chiếm khoảng 78,59% dân số cả nước. Trong đó, người cao tuổi là một trong những nhóm người sử dụng Internet tích cực, chiếm tới 20% tổng dân số sử dụng Internet. Họ sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo thậm chí mua hàng trên Shopee, Lazada và dành thời gian cho những hoạt động này còn nhiều hơn cả người trẻ. Đây trở thành không gian cho người cao tuổi tìm niềm vui trong cuộc sống, vừa để giải trí vừa để mua sắm “giết thời gian”
Đặc biệt, một bộ phận không nhỏ trong nhóm đối tượng này đang dần bớt phụ thuộc vào con cái, có tài sản và kinh tế tốt sau thời gian dài tích lũy tài chính. Sau mấy chục năm lao động, nhiều người cao tuổi có lương hưu, sổ tiết kiệm để an nhàn tuổi già. Và sẽ không quá khi nói rằng chính người cao tuổi mới là đối tượng có khả năng mua sắm mạnh tay hơn bất cứ thế hệ nào.
Trên thị trường quốc tế, tại các quốc gia trong giai đoạn dân số già hóa, nhóm đối tượng khách hàng cao tuổi đang được chú trọng. Trong các chiến dịch quảng cáo của mình, các thương hiệu này không còn mặn mà với hình ảnh của người trẻ. Theo đó, sử dụng người cao tuổi để quảng bá sản phẩm đang dần trở thành xu hướng.

Điển hình phải kể tới nhà mốt nước Ý - Dolce & Gabbana khi họ đã mời những model tóc hoa râm, da đồi mồi diện lên mình thiết kế sang chảnh, thời thượng của hãng để quảng bá các sản phẩm của thương hiệu. Hay trong một chiến dịch của mình, hãng trang sức Alexis Bittar đã có màn kết hợp ấn tượng giữa 2 biểu tượng thời trang già nhất và trẻ nhất hàng đầu thế giới là Iris Apfel và Tavi Gevinson.
Tại Việt Nam, nhiều thương hiệu cũng đang bắt đầu “để ý” hơn đến nhóm khách hàng cao tuổi. Câu chuyện quảng cáo giờ đây không chỉ còn xoay quanh con cái mua sản phẩm để chăm sóc sức khỏe cha mẹ. Các nhãn hàng đã chủ động đánh động tới những vấn đề sức khỏe cấp thiết tuổi già để người cao tuổi tự ý thức và chủ động mua sản phẩm để phòng ngừa.
Đi ngược dòng với những quan điểm chung của ngành Quảng cáo, chính sự khác biệt trong các chiến dịch có sự góp mặt của người cao tuổi đã giúp nhiều thương hiệu làm nổi bật mình, giữa một thị trường quảng cáo đầy cạnh tranh hiện nay.
Từ việc để người cao tuổi xuất hiện nhiều hơn trong ngành Quảng cáo tới việc thấu hiểu những nhu cầu và mong muốn của nhóm đối tượng này, các thương hiệu hay người làm truyền thông cần cho người cao tuổi một “vị thế” xứng đáng với giá trị và tầm ảnh hưởng của họ trên thị trường. Để rồi họ sẽ không còn chịu “lép vế” và xứng đáng là nhóm đối tượng để các thương hiệu mải miết chạy theo không thua kém gì genZ hay Millennial.