Ngăn chặn mua vàng để che giấu nguồn gốc tài sản: Thách thức lớn cần nhiều giải pháp đồng bộ
Theo các chuyên gia, ngăn chặn hoạt động mua vàng để che giấu nguồn gốc tài sản là một thách thức lớn, đặc biệt là khi buôn lậu vàng dễ dàng thông qua các nước láng giềng hiện nay. Để ngăn chặn yêu cầu phải có nhiều giải pháp đồng bộ, trọng tâm là minh bạch hóa mọi giao dịch mua bán vàng, khai báo định danh cá nhân trong giao dịch vàng.
Cơ quan phòng chống rửa tiền được phép truy vết dòng tiền người mua vàng
Để phòng chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa yêu cầu các đơn vị kinh doanh vàng miếng rà soát các giao dịch đáng ngờ với số lượng lớn, gửi báo về NHNN trước ngày 15/7. Ngòai ra, việc triển khai HĐĐT với kinh doanh, mua bán vàng từ 15/6 được kỳ vọng sẽ giúp cơ quan quản lý kiểm soát được nguồn gốc vàng, từ đó ngăn chặn tình trạng buôn lậu.
Đáng chú ý, theo các chuyên gia, nếu người dân tiếp tục mua vàng mà không đầu tư vào các kênh khác để phát triển sản xuất kinh doanh thì nguồn lực này sẽ nằm im trong dân, không có lợi cho nền kinh tế. Và trước tình trạng người dân đổ xô xếp hàng mua vàng, Công an Hà Nội vừa khuyến cáo các cơ sở kinh doanh vàng bạc cần tăng cường các biện pháp bảo vệ... để tránh bị cướp, cướp giật.
Trong những ngày qua, có ai gặp khó khăn trong quá trình đăng ký sinh trắc học qua ứng dụng ngân hàng không? Nguyên nhân là theo các ngân hàng, người dùng có thể bị ‘nghẽn mạng’ trong thời gian đầu thực hiện quy định xác thực sinh trắc học khi giao dịch chuyển tiền online. Dự báo lượng khách hàng cập nhật sinh trắc học có thể tăng đột biến vào ngày 1/7, ảnh hưởng đến hệ thống đối soát thông tin từ cơ sở dữ liệu căn cước công dân và trải nghiệm khách hàng của ngân hàng.
Thực tế, ngày 29/5, Phó thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng chính thức công bố kế hoạch NHNN sẽ thực hiện bán vàng trực tiếp cho 4 NHTM nhà nước theo mức giá do NHNN xác định căn cứ theo giá thế giới và phương án này được thực hiện ngay lập tức từ ngày 3/6.
Phó thống đốc Phạm Quang Dũng cho biết, mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới khoảng trên 20% cho thấy, bên cạnh các yếu tố mang tính thị trường như quan hệ cung - cầu, không loại trừ khả năng có các hành vi phạm pháp, thao túng, làm giá, gây mất ổn định thị trường vàng.
“Song song với hành động NHNN thực hiện bán vàng trực tiếp qua 4 NHTM nhà nước để các ngân hàng bán vàng trực tiếp tới người dân, NHNN cũng đang phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Thanh tra Chính phủ tổ chức thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng đối với các TCTD và doanh nghiệp và sẽ kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có)”, Phó thống đốc Phạm Quang Dũng nhấn mạnh.
Hiện nay, theo quy định pháp luật, tổ chức kinh doanh vàng (bao gồm các ngân hàng thương mại, các công ty kinh doanh vàng, các công ty trung gian thanh toán) phải tăng cường thu thập, cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng theo quy định về phòng chống rửa tiền của Ngân hàng Nhà nước, mục đích nhằm đảm bảo việc nhận biết giao dịch của khách hàng được thực hiện phù hợp với các thông tin về khách hàng, hoạt động kinh doanh, mức độ rủi ro về rửa tiền và nguồn gốc tài sản của khách hàng.
Đối với khách hàng mua vàng với giá trị từ 400 triệu đồng trở lên, ngoài các thông tin nhận dạng cơ bản, ngân hàng sẽ yêu cầu thêm thông tin về nguồn tiền/nguồn tài sản cũng như thu nhập trung bình hàng tháng. Mục đích của việc yêu cầu khai báo thông tin này là giúp các tổ chức kinh doanh vàng xác định rủi ro rửa tiền trong các giao dịch vàng; ngăn chặn việc sử dụng vàng để rửa tiền; bảo vệ khách hàng khỏi những rủi ro liên quan đến rửa tiền.
Thách thức lớn cần nhiều giải pháp đồng bộ
Rất nhiều ý kiến đồng thuận khi NHNN đã có một hành động bám sát nguyên lý của thị trường, đó là cung - cầu, nhưng đâu đó có quan ngại, liệu nhà điều hành có đủ vàng để cung cấp cho thị trường và đồng thời với đó, thị trường ngoại hối sẽ biến động như thế nào?
Liên quan đến vấn đề này, TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, cho rằng nhu cầu nhập khẩu vàng của Việt Nam không lớn. Theo ước tính của Hội đồng Vàng Thế giới, lượng vàng nhập khẩu đáp ứng nhu cầu của nội địa chỉ khoảng 20 - 30 tấn/năm (khoảng 2,5 - 3 tỷ USD), bằng khoảng một nửa kim ngạch xuất khẩu rau quả và chỉ bằng 15 - 20% lượng kiều hối vào Việt Nam.
“Chưa kể, nếu giá vàng bằng với giá vàng thế giới thì các công ty kinh doanh vàng mới có thể chế tác vàng trang sức để xuất khẩu, bù vào lượng ngoại tệ đã nhập khẩu vàng, thậm chí, về lâu dài có thể cân bằng (sản xuất vàng trong nước là một thế mạnh của Việt Nam)”, TS Nghĩa nói.
Lời giải cho bài toán cân bằng giá vàng trong nước và quốc tế, theo TS Nghĩa, phải và chỉ có thể là khơi thông thị trường, điều tiết bằng thuế và quản lý xuất nhập khẩu, mua bán công khai minh bạch theo nguyên tắc thị trường. Tình trạng vàng hóa đã biến mất từ lâu nhưng nỗi ám ảnh của nó vẫn còn, nhất là trong khu vực hoạch định chính sách. Đã đến lúc cần phải coi xuất nhập khẩu vàng, kinh doanh vàng chủ yếu là chính sách thương mại có điều kiện, thậm chí kém xa chính sách xuất nhập khẩu xăng dầu.
“Nếu coi vàng là chính sách tiền tệ thì chỉ còn lại việc nhà nước mua vàng dự trữ - như ngân hàng trung ương các nước đang làm. Dự trữ vàng có thể an toàn hơn các ngoại tệ khác trong bối cảnh đa cực, đa dạng đồng tiền thanh toán quốc tế và đặc biệt là phát hành tiền không còn được kiểm soát nghiêm ngặt (qua IMF) như trước đây, mà phụ thuộc rất lớn vào chính sách tiền tệ - tài khóa của mỗi nước”, TS Nghĩa nhấn mạnh.
TS Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế - Ban Kinh tế Trung ương, nhận định với quy mô của nền kinh tế Việt Nam ngày nay cùng với độ mở lớn của nền kinh tế thì nhu cầu được mua vàng như là một kênh đầu tư, lưu giữ giá trị tài sản trong thời kỳ rủi ro là những nhu cầu chính đáng cần được đáp ứng. Vàng ngày nay hầu như không có bản chất tiền tệ (trừ một tỷ lệ nhỏ được các ngân hàng trung ương dự trữ như một dạng ngoại hối), mà chủ yếu là một dạng hàng hóa cơ bản phục vụ mục đích bảo tồn giá trị tài sản, đầu cơ, trang sức, sản xuất công nghiệp...
“Việc giao cho ngân hàng trung ương độc quyền kinh doanh vàng miếng vào thời điểm này có thể dẫn tới mâu thuẫn với chức năng nhiệm vụ cốt lõi của ngân hàng trung ương là ‘quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối’, ‘ổn định giá trị đồng tiền’, ‘bảo đảm sự an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia’. Tuy nhiên, với một nền kinh tế mở lớn, dự trữ ngoại tệ chưa cao thì việc tự do hóa hoàn toàn thị trường vàng có thể kích hoạt các hoạt động đầu cơ, gây thất thoát ngoại tệ”, TS Tú Anh nói.
Nghiên cứu mới đây của Đại học Fulbright cũng cho thấy mối quan hệ âm giữa tiêu thụ vàng và cán cân thanh toán. Vì vậy, việc quản lý thị trường vàng khác với các thị trường hàng hóa thông thường khác cũng rất cần thiết. Ngân hàng trung ương có thể không cần thiết độc quyền nhập khẩu, xuất khẩu vàng nhưng cần thiết phải kiểm soát được lượng nhập khẩu và xuất khẩu định kỳ. Các đơn vị được quyền nhập khẩu, xuất khẩu vàng cần phải khai báo với ngân hàng trung ương về số lượng đơn giá xuất nhập khẩu. Ngân hàng trung ương giữ quyền can thiệp khi việc xuất nhập khẩu có thể gây hại cho nền kinh tế.
Theo TS Tú Anh, để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân thì mở sàn giao dịch vàng vật lý với sự tham gia của các tổ chức và cá nhân là rất quan trọng. Ngân hàng trung ương vừa là nhà quản lý sàn vừa là nhà điều tiết giá giao dịch trên sàn tương tự như thị trường liên ngân hàng. Khi cần tăng cung tiền, hỗ trợ nền kinh tế, ngân hàng trung ương có thể tăng mua vàng trên sàn để huy động nguồn vốn này vào nền kinh tế.
Để hạn chế các hoạt động đầu cơ giá vàng, theo TS Tú Anh, ngân hàng trung ương có thể quy định một khoản phí giao dịch đối với mọi giao dịch mua bán vàng miếng trên thị trường thông qua hóa đơn điện tử. Mức phí này có thể thay đổi theo diễn biến của thị trường.
Cũng theo TS Tú Anh, ngăn chặn hoạt động mua vàng để che giấu nguồn gốc tài sản là một thách thức lớn, đặc biệt là trong bối cảnh buôn lậu vàng dễ dàng thông qua các nước láng giềng hiện này. Để ngăn chặn được các hoạt động này, yêu cầu là phải có nhiều giải pháp đồng bộ, trọng tâm là minh bạch hóa mọi giao dịch mua bán vàng, bắt buộc khai báo số định danh cá nhân trong mọi giao dịch mua bán vàng, có chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm quy định kinh doanh mua bán vàng, buôn lậu vàng.
“Với nguồn lực dồi dào và các công cụ hiện có, NHNN có đủ khả năng và quyết tâm để bình ổn thị trường. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ nhanh chóng được thu hẹp một cách bền vững. Do đó, trước những diễn biến phức tạp của giá vàng trong nước và thế giới, người dân cần rất thận trọng khi tham gia giao dịch vàng để giảm thiểu rủi ro cho chính mình”, Phó thống đốc Phạm Quang Dũng khuyến cáo.
- Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân đặc biệt lưu ý điều này khi mua vàng
- Mua vàng bình ổn giá từ ngân hàng, người dân phải mang giấy tờ gì?
- Bình ổn thị trường vàng: Chưa minh bạch, mọi 'đơn thuốc' đều là ngắn hạn
- Thủ tướng yêu cầu thắt chặt quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng
- Tắt tivi theo cách này vừa khiến thiết bị nhanh hỏng lại tiêu tốn không ít tiền điện mỗi tháng, sửa ngay kẻo muộn
- WHO cảnh báo rằng mỗi năm có gần 3 triệu người thiệt mạng do uống rượu
- Sách giả 'hoành hành' trước thềm năm học mới, người tiêu dùng cần thận trọng
- Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy làm Thứ trưởng Bộ Y tế
- Từ 1/7, vì sao chồng không được quyền yêu cầu ly hôn khi vợ đang mang bầu, bất kể có thai với ai?