Mẹo đi chợ online đảm bảo thực phẩm tươi ngon: Bí kíp 'có võ' của mẹ đảm 8X khiến ai cũng muốn học lỏm
Đi chợ online đã trở thành nhu cầu thiết yếu của cuộc sống hiện đại. Nhưng để an tâm hơn, người tiêu dùng cần biết những mẹo chọn mua thực phẩm thông minh.
Đi chợ vừa đủ: Bí quyết để không 'vung tay quá trán' rồi… vứt thẳng vào thùng rác
Mua thực phẩm tươi vào khung giờ nào là tốt nhất? Bí kíp giúp bạn đi chợ thông minh mỗi ngày
Trong thời đại số hóa, việc đi chợ online đã trở thành thói quen phổ biến của người tiêu dùng Việt, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM. Tuy nhiên, nỗi lo “thực phẩm online không tươi”, “rau héo, thịt bở” vẫn là mối bận tâm hàng đầu của các bà nội trợ.
Vậy làm sao để đặt hàng online mà vẫn có thực phẩm tươi ngon như đi chợ truyền thống? Dưới đây là 5 mẹo hữu ích được chị Thanh Thúy - Hà Nội chia sẻ dưới đây.
Chọn nền tảng uy tín, có quy trình kiểm soát chất lượng
Không phải chợ online nào cũng có thực phẩm tươi ngon. Theo chị Thúy, bí quyết đầu tiên cần ghi nhớ là chọn mua tại các ứng dụng, siêu thị trực tuyến uy tín. Trong đó, ưu tiên những nơi có quy trình bảo quản lạnh đạt chuẩn, thời gian giao hàng nhanh và có chính sách đổi trả rõ ràng như WinMart, AEON Eshop, Bách Hóa Xanh...
"Bạn cũng có thể lựa chọn các mô hình bán thực phẩm “farm to table" - từ trang trại đến bàn ăn như DalatFarm, Organica hay FoodMap... Đây là yếu tố then chốt để đảm bảo độ tươi và an toàn vệ sinh thực phẩm", chị Thúy bật mí.

Ưu tiên khung giờ giao hàng sáng sớm
Thực phẩm giao vào buổi sáng thường vừa được nhập kho, chọn lọc và đóng gói. Vì vậy, hãy cố gắng đặt hàng từ tối hôm trước hoặc từ sáng sớm để nhận được thực phẩm tươi mới nhất. Nhiều đơn vị giao nhanh trong vòng 2 - 4 giờ nhưng càng đặt sớm thì càng có cơ hội nhận được sản phẩm mới lấy trong ngày.
Ngoài ra, nếu có thể, hãy theo dõi tình trạng đơn hàng trong ứng dụng để tránh tình huống giao hàng trễ khiến thực phẩm bị ảnh hưởng chất lượng, đặc biệt là rau xanh và hải sản.
Đọc kỹ mô tả và đánh giá của người dùng trước đó
Muốn đi chợ online thành công, mẹo quan trọng không thể bỏ qua là đọc kỹ phần mô tả sản phẩm, nơi nhà cung cấp ghi rõ ngày đóng gói, hạn sử dụng và quy trình bảo quản. Đồng thời, hãy dành vài phút đọc nhận xét của những người đã mua trước đó. Những đánh giá chân thực về chất lượng, độ tươi và thái độ phục vụ sẽ giúp bạn chọn được người bán đáng tin cậy.
Trên các nền tảng như Shopee hoặc Lazada, người dùng còn có thể xem hình ảnh thật do khách hàng khác chụp lại – một kênh thông tin rất hữu ích khi đặt mua thực phẩm tươi sống.
Lưu ý đến bao bì và cách đóng gói
Không phải tất cả thực phẩm đều có thể chỉ cho vào túi bóng là xong. Mỗi loại cần được đóng gói đúng chuẩn để giữ chất lượng.
"Rau củ cần để trong túi giấy hoặc túi có lỗ thoát khí để không bị hấp hơi, trong khi thịt cá nên được bọc kín, đặt trong hộp giữ lạnh hoặc túi đá gel. Khi nhận hàng, bạn nên kiểm tra nhanh xem túi có bị rách, rò nước hay biến dạng không", chị Thúy nói.
Với các mặt hàng như trứng, quả mềm, hải sản tươi sống… bạn có thể yêu cầu cửa hàng chú thích “dễ vỡ, cần bảo quản lạnh” để đơn vị vận chuyển lưu ý khi giao.
Chụp lại sản phẩm nếu có vấn đề để phản hồi kịp thời
Đừng ngần ngại khi thực phẩm nhận được không như mong đợi (rau úa, thịt có mùi lạ, cá không tươi…). Hãy chụp lại hình ảnh trong vòng vài phút sau khi nhận hàng và liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng để phản hồi, đổi trả hoặc hoàn tiền.
Theo chị Thúy, đây là quyền lợi chính đáng và cũng là cách buộc người bán giữ đúng cam kết chất lượng.
Đi chợ online không còn là xu hướng mà đã trở thành nhu cầu thiết yếu của cuộc sống hiện đại. Trong đó, lựa chọn nhà cung cấp uy tín, theo dõi đơn hàng, đọc đánh giá, kiểm tra bao bì và phản hồi khi cần thiết... Tất cả sẽ giúp bạn có những giỏ hàng tươi mới và an toàn như đi chợ mỗi ngày.