Khó kiểm soát hình ảnh khiêu dâm trên Facebook do AI tự động duyệt quảng cáo
Facebook, Telegram đang trở thành "thiên đường" lừa đảo bởi hiện nay rất khó kiểm soát các quảng cáo khiêu dâm, quảng cáo cờ bạc, cá độ...
Facebook để "lọt lưới" nhiều nội dung xấu độc
Thời gian gần đây, báo chí liên tục phản ánh về việc trên mạng xã hội Facebook xuất hiện những quảng cáo khiêu dâm, quảng cáo “điều đào” hoặc các app livestream. Theo một chuyên gia đang cung cấp các dịch vụ Facebook tại TP. HCM, nguyên nhân của sự việc này là do thời gian qua mạng xã hội này được duyệt quảng cáo bằng trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo đó, xét duyệt quảng cáo bằng AI là lỗ hổng khiến cho những người làm quảng cáo chuyên nghiệp ở nước ta dễ dàng “lách” được thông qua việc lồng ghép nội dung, thay đổi từ khóa hoặc làm mờ những hình ảnh nhạy cảm. Do đó nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ của người thật thì các quảng cáo này rất khó bị dẹp bỏ.
Tuy nhiên có thể thấy rằng nếu kiểm soát bằng người thật sẽ tốn rất nhiều nguồn nhân lực bởi mỗi ngày Facebook tiếp nhận khối lượng thông tin khổng lồ. Do đó thời gian qua, mạng xã hội Facebook đã để “lọt lưới” nhiều quảng cáo lừa đảo, quảng cáo khiêu dâm gây ức chế cho người dùng.
Theo Vietnamnet, anh Nguyễn Hoàng Minh – người làm dịch vụ kiếm tiền trên mạng cho rằng để dẹp bỏ những quảng cáo độc hại trên Facebook hiện nay là điều rất khó. Có thể thấy hàng ngày Facebook vẫn tiến hành lọc những nội dung tiêu cực này nhưng không xuể. Đặc biệt ở Việt Nam những người làm dịch vu kiếm tiền trên mạng lại rất giỏi “lách luật”. Do đó khi Facebook vừa cập nhật chính sách mới thì nhóm người này đã “vượt rào” thành công.
Theo anh Minh, Facebook cần có người làm trực tiếp thì mới xử lý triệt để tình trạng này ở Việt Nam và không thể trao tuyền quyền cho trí tuệ nhân tạo hay người nào đó ngồi ở nước ngoài để điều hành. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp của Facebook và các cơ quan quản lý.
Ở nước ta hiện nay, nhiều đối tượng lừa đảo đang sử dụng Zalo, Faceboo, Google… làm bước đệm để dẫn lối đến Telegram để thực hiện các mục đích.
Ông Vũ Ngọc Sơn – Giám đốc Kỹ Thuật (Công ty Công nghệ An ninh mạng Việt Nam – NCS) cho hay, các đối tượng lựa chọn Telegram để lừa đảo là do nền tảng này cho phép tạo các hội nhóm với số lượng thành viên khá lớn và miến phí. Ngoài ra Telegram không bị kiểm duyệt, có thể xóa lịch sử và tin nhắn mã hóa đầu cuối. Telegram còn hỗ trợ các giao diện lập trình API. giúp cho các nhà phát triển phần mềm có thể lập trình các phần mềm tương tác với người dùng hay nhóm chat một cách tự động.
Với những tính năng này, các đối tượng lừa đảo đã tạo ra vô vàn tài khoản ảo để làm cò mồi, trung gian, tung thông tin giả, tung hứng tương tác với nhau để khiến “con mồi” tưởng phần thưởng, quà, tiền đều có thật. Thực chất nhóm đối tượng này sau khi thực hiện xong hành vi lừa đảo, chiếm đoạt được tiền sẽ âm thầm biến mất, xóa toàn bộ nội dung đã trao đổi.
Điểm đặc biệt nữa là Luật Viễn thông và các cơ quan chức năng vẫn đang quản lý sát sao các nhà mạng. Trong khi đó, những ứng dụng như Telegram lại không phải tuân thủ bất cứ quy định nào, có thể lập tài khoản tùy ý mà chẳng cần phải xác thực bằng số điện thoại, căn cước công dân hoặc gửi tin nhắn spam tới nhiều người mà không bị xử lý. Toàn bộ dữ liệu của Telegram đều lưu ở nước ngoài nên gây sự khó khăn nhất định cho việc điều tra, quản lý của cơ quan chức năng.
Cần quản lý, xác minh người dùng
Đại diện đơn vị cung cấp các dịch vụ thanh toán trong nước tiết lộ muốn dẹp bỏ các ứng dụng livestream khiêu dâm, đánh bạc, cá độ thì các ví điện tử cũng như ngân hàng phải xác minh người dùng cuối chặt chẽ.
Cụ thể các ví điện tử cần yêu cầu phải dùng căn cước công dân gắn chíp, xác thực khuôn mặt 3D, dữ liệu phải được đồng bộ với cơ sở dữ liệu dân cư của Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an (C06). Ví điện từ cần quản lý chặt hạn mức rút tiền, mỗi tài khoản giới hạn nạp 100 triệu đồng/tháng, giới hạn rút 1 tháng là 20 triệu đồng. Người nào vượt qua hạn mức phải có hợp đồng như một doanh nghiệp ký với công ty trung gian thanh toán và có xác thực.
Ngoài nạp và rút tiền thì các tài khoản người dùng phải có các hành động giao dịch khác. Việc tài khoản ví điện tử liên kết với ngân hàng trùng khớp với số điện thoại đăng ký cũng là điều cần thiết.
Để giải quyết tình trạng gian lận tài khoản, vừa qua, ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng đảm bảo tên, ngày tháng năm sinh, số căn cước công dân khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hạn chót đến hết năm 2023.
Trong trường hợp không rõ, không đúng, Ngân hàng Nhà nước sẽ mời khách hàng tới thực hiện xác thực tại chỗ. Đồng thời, từ đầu năm 2024 yêu cầu các tổ chức tín dụng làm việc với các đơn vị được Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) giới thiệu cung cấp các giải pháp đọc dữ liệu căn cước công dân gắn chip tại quầy hoặc trên Mobile Banking.