Chủ nhật, 07/05/2023, 06:00 (GMT+7)

Lạng Sơn - vùng đất phát triển du lịch tiềm năng

Thu Thảo (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Lạng Sơn không chỉ thu hút du khách bởi cảnh quan hùng vĩ của vùng đất địa đầu tổ quốc, mà còn bởi sự phát triển về mô hình du lịch địa phương.

Bài viết này thuộc series Du lịch

Xem thêm

Lạng Sơn là vùng đất phên dậu phía đông bắc của Việt Nam, có nhiều lợi thế nhờ sự kết hợp phong phú, hài hòa giữa vị trí địa lý, cảnh sắc núi non hùng vĩ, tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng và chiều sâu văn hóa của vùng đất. Nơi đây cũng được biết đến với nhiều di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng và nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc cùng với nhiều sản vật phong phú, độc đáo đã được ghi nhận trong top đặc sản và sản vật Việt Nam.

Du lịch cộng đồng ở Lạng Sơn được đánh giá cao bởi phong cảnh đẹp, thiên nhiên đa dạng, hoang sơ, người dân thân thiện với những vùng, miền văn hóa độc đáo, những nét đặc sắc riêng. Chất lượng dịch vụ, phục vụ khách du lịch của các làng du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đang từng bước được nâng cao. Chính vì vậy, trong những năm qua loại hình du lịch cộng đồng tại Lạng Sơn đã thu hút một lượng du khách lớn, trong đó có cả khách nước ngoài đến trải nghiệm và tìm hiểu về văn hóa bản địa đặc sắc của bà con của dân tộc thiểu số nơi đây.

Những địa điểm tham quan không thể bỏ lỡ khi đến Lạng Sơn 

Di tích lịch sử 

Thành Nhà Mạc

lang-son-tiepthigiadinh-1
Ảnh: sưu tầm

Thành nhà Mạc là quần thể kiến trúc quân sự được xây dựng vào thế kỉ XVI, dưới thời phong kiến Việt Nam, dùng để chắn con đường độc đạo từ Ải Bắc xuống phía Nam. Hiện nay, thành nhà Mạc chỉ còn lại đoạn tường dài 300m với những khối đá lớn phủ đầy rong rêu.

Đứng trên cổng thành nhuốm màu thăng trầm lịch sử, du khách có thể ngắm toàn cảnh thành phố Lạng Sơn xinh đẹp. Vượt đoạn đường gồm nhiều bậc thang từ chân đồi lên đến đỉnh, bạn sẽ được chiêm ngưỡng núi non trùng điệp, phố phường sầm uất và tận hưởng bầu không khí thoáng đãng, trong lành nơi đây.

Thành cổ Lạng Sơn

lang-son-tiepthigiadinh-7
Ảnh: sưu tầm

Thành cổ Lạng Sơn nằm tại phường Chi Lăng, Lạng Sơn và là một trong những di tích lịch sử cấp Quốc gia. Nơi đây từng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của Lạng Sơn với các hoạt động giao thương sôi nổi.

Thành cổ Lạng Sơn được xây theo hình chữ nhật với 4 cửa ứng với 4 hướng, được gọi là “Tứ trấn”. Hiện tại, chỉ còn 2 cổng thành phía Tây và phía Nam là còn nguyên vẹn. Thành cổ được xây dựng bằng những khối bản lề và những viên đá lớn chạm trổ rất công phu. Đi du lịch Lạng Sơn, bạn đừng bỏ qua di tích thành cổ Lạng Sơn. Hãy đến đây để được ngắm nhìn và khám phá một phần lịch sử của đất nước.

Ải Chi Lăng

lang-son-tiepthigiadinh-5
Ảnh: sưu tầm

Ải Chi Lăng là cửa ải lịch sử tiêu biểu của Lạng Sơn, nằm tại xã Chi Lăng. Xưa kia, khu vực này được coi là tường chắn của Thăng Long để ngăn chặn những cuộc viễn chinh phương Bắc.

Ải Chi Lăng có quy mô rất hoành tráng với chiều dài lên tới 20km, nối liền Chi Lăng và Hữu Lũng của tỉnh Lạng Sơn. Ải Chi Lăng là chứng tích lịch sử của nhiều cuộc chiến vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Phía Tây được bao bọc bởi núi Cai Kinh, hai đầu ải là những núi đá cao chót vót, tạo thành thế hiểm trở, góp phần làm nên chiến thắng chống quân Minh và đánh tan quân xâm lược nhà Thanh. 

Thắng cảnh thiên nhiên 

Đỉnh Mẫu Sơn

lang-son-tiepthigiadinh-3
Đỉnh Mẫu Sơn mùa đông thu hút du khách bởi cảnh sắc tuyết rơi tuyệt đẹp (Ảnh: sưu tầm)

Đỉnh Mẫu Sơn ở huyện Lộc Bình, cách thành phố Lạng Sơn khoảng 30km, nằm ở độ cao hơn 1000m so với mặt nước biển. Để đến được đây, bạn phải đi qua các cung đường quanh co, uốn lượn nên nhiều phượt thủ lựa chọn lái xe máy để thỏa mãn đam mê chinh phục của mình.

Mẫu Sơn còn giữ vẻ đẹp hoang sơ, với cảnh quan thiên nhiên và những ngôi biệt thự mang nét kiến trúc Pháp cổ. Đến đây, du khách được hòa mình vào thiên nhiên, phóng tầm mắt ngắm trọn núi non trùng điệp, săn mây sáng sớm hoặc chỉ đơn giản là đi dạo trên nhưng cung đường quanh co, tìm hiểu cuộc sống người dân bản địa.

Khí hậu Mẫu Sơn khá mát mẻ, nhiều du khách lựa chọn đến Mẫu Sơn để tận hưởng không khí trong lành, hòa mình vào thiên nhiên. Đặc biệt, đỉnh Mẫu Sơn là một trong nơi du khách có thể chiêm ngưỡng băng giá vào mùa đông.

Núi Tô Thị - Động Nhị Thanh, Tam Thanh

lang-son-tiepthigiadinh-8
Ảnh: sưu tầm

Nhắc đến Lạng Sơn không thể không nhắc đến tượng nàng Tô Thị gắn với truyền thuyết ôm con chờ chồng đến hóa đá. Núi Tô Thị nằm trong quần thể danh lam thắng cảnh Tam Thanh. Đến đây, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng tượng Tô Thị hóa đá - biểu tượng cho lòng chung thủy sắt son của người phụ nữ xưa.

Động Nhị Thanh, Tam Thanh cũng là địa điểm mà bạn không thể bỏ lỡ. Trong động có tượng A Di Đà và nhiều nhũ đá, măng đá kỳ vĩ với nhiều hình thù khác nhau mà không kém phần thơ mộng. Đến đây, du khách không chỉ được ngắm cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, ngắm tượng nàng Tô Thị mà còn được tận hưởng không khí mát mẻ, trong lành.

Núi Nà Lay

lang-son-tiepthigiadinh-4
Ảnh: sưu tầm

Núi Nà Lay ở độ cao khoảng 600m so với mực nước biển, đây là địa điểm du lịch Lạng Sơn mà hầu hết du khách đều đặt chân đến bởi núi có vị trí rất lý tưởng để ngắm nhìn toàn cảnh thung lũng Bắc Sơn tuyệt đẹp. Với 1.200 bậc thang đá cheo leo, sẽ mất chừng 30 phút để có thể lên đến đỉnh. Nhưng đừng lo, nơi đây có trạm vi-ba để bạn có thể nghỉ ngơi trong lúc chinh phục đỉnh núi.

Thung lũng Bắc Sơn

lang-son-tiepthigiadinh-13
Ảnh: sưu tầm

Thung lũng Bắc Sơn có rất nhiều loại hoa như hoa tam giác mạch trắng, cánh bướm, cúc cam, hoa cải... tạo nên cảnh sắc tươi đẹp, quyến rũ. Bên cạnh hoa thì nơi này còn được trang trí nhiều tiểu cảnh để du khách thuận tiện check-in.

Thác Đăng Mò

lang-son-tiepthigiadinh-6
Ảnh: sưu tầm

Thác Đăng Mò thuộc địa phận huyện Bình Gia, cách Bắc Sơn 20km. Thác nước ở Lạng Sơn có vẻ đẹp nên thơ, trữ tình, được bao bọc bởi núi rừng hoang sơ. Dọc theo triền thác, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những khối đá lớn nhỏ, đủ hình dáng, được phủ lớp rêu xanh. Hai bên bờ là những tán cây cổ thụ vươn dài giữa lòng thác, càng làm tăng sự huyền bí, quyến rũ của nơi này. 

Đặc sản tại Lạng Sơn

Vịt quay 

lang-son-tiepthigiadinh-11
Ảnh: sưu tầm

Vịt sau khi sơ chế sạch sẽ được tẩm ướp với hành, hạt tiêu, lá móc mật và nhồi các nguyên liệu trên vào bên trong bụng vịt rồi khâu lại. Phần da vịt được phết mật ong. 

Người Lạng Sơn thường quay vịt trên than hoa khoảng 15 phút, sau đó đem nhúng vào chảo mỡ, đảo đi đảo lại vài lần cho tới khi lớp da giòn, ngả nâu thì vớt ra, để ráo.

Xôi cẩm

lang-son-tiepthigiadinh-2
Ảnh: sưu tầm

Xôi cẩm được làm từ lá cẩm và gạo nếp thơm là món ăn đặc trưng thường xuất hiện trong các bữa cơm hàng ngày hay những dịp lễ, Tết của người dân xứ Lạng. Tùy khẩu vị và văn hóa từng vùng mà người ta có thể cho thêm nguyên liệu thứ ba vào món xôi này là tro của rơm rạ và lá chuối khô.

Nem nướng Hữu Lũng

lang-son-tiepthigiadinh-9
Ảnh: sưu tầm

Tuy không nổi tiếng như nem Phùng (Hà Nội), nem chua Thanh Hóa, nem nắm Giao Thủy (Nam Định) nhưng nem nướng Hữu Lũng (Lạng Sơn) vẫn hút khách bởi hương vị thơm ngon đặc trưng.

Món ăn này được làm từ thịt lợn và bì lợn thái nhỏ, đem trộn với thính cùng một số gia vị rồi gói lại bằng lá chuối tươi. Sau khi thịt lên men, người ta mang nem nướng trên bếp than cho cháy xém lớp vỏ ngoài, dậy mùi thơm hấp dẫn.

Bánh ngải 

lang-son-tiepthigiadinh-10
Ảnh: sưu tầm

Bánh ngải Lạng Sơn được làm từ lá ngải non, đun với nước tro sạch cho nhừ rồi rửa sạch, bỏ xơ, cho vào cối giã nhuyễn. Xôi đem đồ chín, giã đều tay cùng với lá ngải đã giã nhuyễn từ trước cho đến khi thu được khối bột mịn và dẻo thì chuyển sang bắt bánh. 

Khâu nhục 

lang-son-tiepthigiadinh-12
Ảnh: sưu tầm

Khâu nhục (hay còn gọi nằm khâu) là món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc, khi du nhập vào Việt Nam được người Tày, Nùng ở Lạng Sơn biến đổi cho phù hợp và nhanh chóng trở thành đặc sản nức tiếng nơi đây. 

Nguyên liệu làm khâu nhục gồm có thịt ba chỉ, khoai môn, lá tàu soi và các gia vị như ngũ vị hương, nấm hương, mộc nhĩ, thịt nạc băm, ngũ vị hương, rượu trắng, mật ong, xì dầu,…

Cách di chuyển đến Lạng Sơn 

Nếu bạn đi từ Hà Nội

Bạn có thể đi xe khách trên cao tốc Lạng Sơn - Hà Nội (180km) với mức giá từ 100.000 - 170.000 đồng/ người. Ngoài ra, bạn có thể lựa chọn di chuyển bằng tàu hoả với tuyến HDR1 hoặc ĐĐ3 từ Hà Nội đi Lạng Sơn, Đồng Đăng. Mức giá đi tàu sẽ dao động từ 80.000 đồng - 115.000 đồng/ người tuỳ vào loại ghế. 

Hoặc bạn có thể phượt bằng phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy tuy nhiên bạn cần tìm hiểu đường đi trên bản đồ và các trạm xăng gần đó. 

Nếu bạn đến từ TP.HCM 

Bạn có thể mua vé máy bay tới sân bay Nội Bài, Hà Nội rồi di chuyển đến Lạng Sơn bằng các phương tiện xe khách, tàu hoả hoặc thuê ô tô cá nhân. 

Cùng chuyên mục