Hà Nội: Yêu cầu tổ chức trò chơi dân gian trong trường học
Trong kế hoạch về việc tổ chức trò chơi dân gian trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các cơ sở giáo dục đều phải đưa trò chơi dân gian vào nhà trường.
Thực hiện Chương trình số 06-Ctr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2021 - 2025, Sở GD&ĐT Hà Nội vừa ban hành văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục, nhà trường tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn về các trò chơi dân gian đến học sinh.
Kế hoạch nhằm tiếp tục duy trì, đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, góp phần nâng cao sức khỏe, đời sống văn hóa tinh thần, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong các nhà trường. Đồng thời, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh, tạo cơ hội cho học sinh biết, tham gia các trò chơi, rèn luyện kỹ năng sống; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Việc tổ chức các trò chơi dân gian trong các cơ sở giáo dục phải bảo đảm thường xuyên, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp theo cấp học. Các nhà trường tổ chức đánh giá, giao lưu để học sinh tham gia, tạo cho học sinh hứng thú tập luyện, yêu thích các trò chơi dân gian.
Các trường có thể lựa chọn các trò chơi dân gian phù hợp với lứa tuổi, giới tính, cấp học, điều kiện cơ sở vật chất của đơn vị để áp dụng như: cướp cờ, rồng rắn lên mây, kéo co, bịt mắt bắt dê, đua thuyền trên cạn, nhảy bao bố, ô ăn quan, mèo đuổi chuột, cá sấu lên bờ, nhảy dây, đá gà, nhảy lò cò, khiêng kiệu, trồng nụ trồng hoa, truyền tin...
Thời gian mà nhà trường có thể tổ chức các trò chơi dân gian là vào các giờ học môn giáo dục thể chất, trong các buổi chào cờ, các tiết sinh hoạt lớp, các buổi sinh hoạt tập thể, hoạt động ngoại khóa... Đồng thời, cần chuẩn bị cơ sở vật chất trên nguyên tắc tận dụng tối đa các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị sẵn có, các công trình đã đầu tư, đảm bảo chuyên môn và tuyệt đối an toàn.