Thứ ba, 20/06/2023, 13:24 (GMT+7)

Gia đình ở Hà Nội nhập viện khi ăn canh cua, bác sĩ nêu 3 nguyên nhân gây ngộ độc món ăn phổ biến trong ngày hè

PV (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Canh cua là món ăn bổ dưỡng, mát mẻ, được nhiều người yêu thích trong mùa hè nhưng cũng có thể gây ngộ độc nếu không đảm bảo độ tươi và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Gia đình 4 người ngộ độc sau khi ăn canh cua

Mới đây một gia đình ở Hà Nội gồm 4 người phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn bữa tối có món canh cua. Người bố và con gái 17 tuổi nhập viện cấp cứu trong đêm 11/6. Sau đó, người mẹ và con trai tiếp tục nhập viện.

canh cua Tiepthigiadinh H1
Gia đình ở Hà Nội đã bình phục sau khi được điều trị tại bệnh viện

Được biết, gia đình này ăn cỗ đặt sẵn. Mọi người ăn tất cả các món nhưng người bố chỉ ăn canh cua. Khoảng 3 giờ sau khi ăn, cả gia đình bị đau bụng dữ dội kèm đại tiện phân lỏng, buồn nôn và nôn. Người mẹ có biểu hiện sốt và rét run.

Ths, bác sĩ Hà Thùy Trang (Khoa Tiêu hóa - Bệnh viện đa khoa Tâm Anh) cho biết, khi nhập viện, các triệu chứng trên của 4 người bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm, dẫn đến mất nước và rối loạn điện giải. Đây là các triệu chứng điển hình của ngộ độc thực phẩm. Bệnh nhân được xét nghiệm, siêu âm ổ bụng và điều trị phù hợp. Sau 3 ngày, gia đình 4 người bệnh đã bình phục và được xuất viện.

3 nguyên nhân có thể dẫn đến ngộ độc khi ăn canh cua

Canh cua là món ăn bổ dưỡng, mát mẻ, được nhiều người yêu thích trong mùa hè nhưng cũng có thể gây ngộ độc nếu không đảm bảo độ tươi và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), có 3 nguyên nhân có thể dẫn đến ngộ độc khi ăn canh cua.

Thứ nhất, thịt cua chứa axit amin tên là Histidine. Khi cua chết, một số vi khuẩn xâm nhập và biến đổi Histidine thành Histamine. Đây là chất gây dị ứng rất mạnh bởi Histamine làm co thắt đường thở, giãn mạch, tăng tính thấm thành mạch, có thể gây ra suy tuần hoàn và suy hô hấp.

canh cua Tiepthigiadinh H2
Canh không đảm bảo độ tươi và vệ sinh an toàn thực phẩm dễ dẫn tới ngộ độc

Thứ hai, thịt cua nhiều đạm và có vị tanh nên dễ bị vi khuẩn có hại xâm nhập. Nấu canh cua xong không ăn ngay hoặc nấu lại thì các vi khuẩn này có thể xâm nhập và gây ra các triệu chứng nôn nhiều, đi lỏng liên tục, dẫn đến tình trạng mất nước và rối loạn điện giải nặng…

Thứ ba, canh cua không được nấu chín hẳn thì một số loại ký sinh trùng như sán lá phổi xâm nhập và gây các triệu chứng buồn nôn, đi lỏng, đi ngoài liên tục…

Còn theo Ths, bác sĩ Hà Thùy Trang - Khoa Tiêu hóa - Bệnh viện đa khoa Tâm Anh (Hà Nội), khi thời tiết nắng nóng kết hợp việc chế biến, bảo quản thực phẩm không hợp lý dễ khiến thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn. Vi khuẩn, virus hay nấm mốc có thể lây nhiễm vào thực phẩm trong quá trình chế biến, bảo quản khiến người ăn vào dễ bị nhiễm trùng, nhiễm độc, gây ra các biến chứng hay gặp như mất nước và rối loạn điện giải. Thậm chí, trường hợp nặng có thể dẫn đến trụy mạch và tử vong nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Bác sĩ Hà Thùy Trang cũng cho biết thêm, người bệnh không tự ý uống các loại thuốc kháng sinh, thuốc giảm nhu động ruột, thuốc chống nôn khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Người vừa bị ngộ độc thực phẩm thường có sức đề kháng yếu, hệ vi sinh vật đường ruột bị ảnh hưởng nên khi mới khỏi bệnh cần ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh, bổ sung lợi khuẩn và ăn chín, uống sôi.

Cùng chuyên mục