Ecopark tung chiến dịch quảng cáo khiến nhiều người “gục ngã”
Ecopark mới tung ra chiến dịch quảng cáo với thông điệp chính “Bố ơi/ Mẹ ơi, mình về Ecopark thôi!” đã thực sự chạm đến trái tim nhiều người.
Ecopark là thương hiệu bất động sản làm khá tốt phương thức tiếp thị cảm xúc, xây dựng lối đi riêng trong việc kể những câu chuyện về thương hiệu. Trước đó, chiến dịch quảng cáo dự án Skyforest với thông điệp “Vẽ thiên nhiên lên bầu thời” của Ecopark đã hay, tới chiến dịch đoàn xe ô tô chở hàng vạn bông hoa vòng quanh Hà Nội tặng các bà bác mẹ 8/3 cũng ấn tượng. Nhưng, chạm đến cảm xúc và khiến nhiều người gục ngã, có lẽ phải là chiến dịch quảng cáo lần này.
Chiến dịch quảng cáo mượn tiếng nói trẻ thơ
Nói về chiến dịch quảng cáo của Ecopark, trên trang Facebook cá nhân, anh Vũ Trung Hiệp - CEO Ban điều hành CLB Tiếp thị & Truyền thông Việt Nam đã có bài phân tích rất cặn kẽ.
Anh viết: “Yêu, ghét, phấn khích, tuyệt vọng, thỏa mãn, đố kỵ… đó chỉ là một số trong muôn vàn cảm xúc của con người. Rất nhiều quyết định của chúng ta dựa trên cảm xúc chứ không phải lý trí. Rất nhiều hành động của chúng ta được dẫn dắt bởi cảm nhận chứ không phải kiến thức. Đây là điều khiến cảm xúc trở thành một công cụ có tầm ảnh hưởng trong marketing. Và rất nhiều thương hiệu lớn đã thành công bởi cách làm marketing giàu tính cảm xúc như Apple, Nike,…
Tại Việt Nam, Ecopark là thương hiệu đã làm khá tốt phương thức tiếp thị cảm xúc. Họ dường như là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực của mình, khi đã xây dựng được phong cách, lối đi riêng trong việc kể những câu chuyện của thương hiệu.
Những năm qua, các chiến dịch quảng cáo độc và lạ của Ecopark đã tạo được nhiều chú ý và cũng không ít tranh luận từ giới marcom cho đến công chúng. Khen có, chê có, nhưng có lẽ chính vì thế mà các chiến dịch càng được lan truyền rộng hơn. Và xét theo góc độ của viral marketing thì đó được coi là sự thành công của thương hiệu.
Gần đây nhất, nhân dịp 8/3, Ecopark đã tiếp tục tung ra một chiến dịch quảng cáo cảm xúc nữa với tên gọi “Cùng bé học cách trao yêu thương”. Với thông điệp chính của chiến dịch “Bố ơi/ Mẹ ơi, mình về Ecopark thôi”, Ecopark đã mượn tiếng nói, mong muốn của con trẻ để tác động tới các bậc phụ huynh, những “decision maker” mà thương hiệu nhắm tới.
Từ viral video, các social media content đến đoàn xe chong chóng, các biển quảng cáo hiện hữu khắp phố phường Hà Nội… thông điệp và hình ảnh của “Bố/ Mẹ ơi, mình về Ecopark thôi” đã được phủ rộng khắp một cách khá ấn tượng.
Ý tưởng này không mới nếu ta xem các quảng cáo sữa, đồ ăn… cho trẻ. Nhưng, với một thương hiệu bất động sản thì đó là một lựa chọn chưa nhiều đơn vị làm tại Việt Nam. Và nếu chúng ta để ý thì sẽ thấy rằng, giờ đây trẻ em ngày càng có tiếng nói trong các quyết định của gia đình. Cha mẹ hiện đại không còn áp đặt con cái nhiều nữa, trái lại họ quan tâm xem con mong muốn gì, sở thích ra sao… Và, Ecopark lần này đã “mạnh dạn” hơn khi ngầm “trao quyền” cho các em nhỏ trong việc thúc đẩy phụ huỳnh lựa chọn Ecopark. Tôi cho đây là một ý tưởng thú vị của đội ngũ Ecopark.
Thông điệp và khái niệm “đưa con về với thiên nhiên để có 1 tuổi thơ trọn vẹn” của chiến dịch này là hay. Nhưng, thực ra, tận cùng của vấn đề ở đây sẽ không chỉ là một ngôi nhà, một khu đô thị mà giải quyết được. Cái gốc rễ nhất phải là nhận thức của cha mẹ: phải dành thời gian cho con.
Nếu đã quan tâm, yêu thương và giác ngộ thực sự điều này thì dù ở đâu cũng có thể cho các con một tuổi thơ gần gũi thiên nhiên. 1 tuần “cho trẻ ra ngoài chơi” 1 lần, tưởng đơn giản mà lại là điều không nhiều cha mẹ VN làm được. Nên không có nhà tại các KĐT xanh chỉ là nguỵ biện thôi. Khối nhà mua căn hộ, biệt thự view hồ cả chục tỷ mà từ bố mẹ đến con cái có ai chịu chạy bộ hay ra ngồi bãi cỏ đâu. Năm được vài lần. Suốt ngày công việc, tiệc tùng và ôm mobile. Con thì ôm máy tính bảng và máy tính cày game, xem game…
Nói đến điện thoại, cùng chủ đề này, Oppo đã từng có một TVC rất hay (phát nhiều trong “Bố ơi mình đi đâu thế”) với thông điệp: Làm cha cần cả đôi tay. Đặt máy xuống để thật sự bên con.
Ecopark đã làm tốt trong việc gợi lên vấn đề, chạm vào nỗi đau qua đó tạo thiện cảm thương hiệu và kích thích mua hàng. Nhưng, sẽ là sự kết nối thực chất và bền lâu hơn nếu Ecopark quan tâm vấn đề này sâu hơn nữa, có những hành động để thay đổi nhận thức và hành vi dài hơi hơn, như một hoạt động CSR chứ không chỉ là marketing.”
Thông điệp sử dụng "âm thanh quyền lực nhất"
Đồng quan điểm với anh Vũ Trung Hiệp, chuyên gia Truyền thông Xã hội Nguyễn Ngọc Long cho rằng thông điệp của Ecopark được dẫn lối bởi những “âm thanh quyền lực nhất”.
Anh cho hay: “Người ta nói, âm thanh quen thuộc nhất trên trái đất chính là tên gọi của mỗi người. Nhưng tôi lại cho rằng với những bậc làm cha làm mẹ thì âm thanh quen thuộc nhất, thân thương nhất, gây chú ý nhất, khiến người ta sẵn sàng quay lưng với cả thế giới, dừng hết tất cả những gì đang dang dở để lao tới chính là tiếng gọi “Mẹ ơi” (và tất nhiên, là cả “Bố ơi” nữa nhé).
Rồi sau lời van nài tha thiết về nhà ấy là câu khẳng định “Phải về Ecopark thôi, vì đó là vùng đất của những đứa trẻ hạnh phúc”.
Vậy là, thông điệp mời chào đã được khéo léo đưa ra: Bố mẹ nào đã có nhà ở Ecopark thì dừng ngay ngay nhậu nhẹt, mua sắm, tụ tập… để lao về với con đi nhé. Bố mẹ nào chưa có đủ tiền để dọn qua đây thì nhớ là con cái của mình hình như chưa hạnh phúc? Còn bố mẹ nào đang cân nhắc lựa chọn mua nhà thì nhớ nghĩ cho con cái chứ đừng chỉ thoả mãn bản thân mình. Quảng cáo “chạm” tới thế này, sao mà có thể không yêu cho được?”
Tóm lại, chiến dịch quảng cáo với thông điệp nhẹ nhàng nhưng đầy sức mạnh của Ecopark được các chuyên gia đánh giá rất cao. Và tất nhiên nhiều đơn vị, nhãn hàng khác cũng nên học hỏi cách làm này.