Thứ hai, 15/05/2023, 15:06 (GMT+7)

Quảng cáo sai sự thật và những nghệ sỹ tiếp tay sẽ bị xử lý như thế nào?

T.T (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Từ sự việc Trung tâm giảm béo công nghệ cao Americare clinic bị phạt hơn 190 triệu đồng, tước giấy phép hoạt động 4 tháng, cần hiểu rõ hơn các hành vi quảng cáo sai sự thật sẽ bị xử lý như thế nào.

Thế nào là quảng cáo sai sự thật?

Theo khoản 9, Điều 8, Luật Quảng cáo 2012 thì quảng cáo sai sự thật có thể được hiểu là quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; 

Về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

 
Mức xử phạt hành chính đối với hành vi quảng cáo sai sự thật:
Đối với hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP thì phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.
Mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi quảng cáo sai sự thật
Đối với hành vi quảng cáo sai sự thật nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử phạt hình sự theo Điều 197, Bộ Luật Hình sự 2015 về tội quảng cáo gian dối, cụ thể như sau:

- Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Cần siết chặt quản lý quảng cáo trên mạng xã hội

Nói về các thể loại quảng cáo sai sự thật, trá hình hiện nay, Giám đốc Công ty Kịch bản Việt – ông Nguyễn Minh Triết, cho rằng: Các dạng quảng cáo này đang lập lờ, cho người tiêu dùng biết một phần sự thật, đốt cháy giai đoạn và đưa ra kết quả.

Với các quảng cáo của Trung tâm giảm béo công nghệ cao Americare clinic, rõ ràng ở đây có dấu hiệu lừa dối khách hàng, bởi thực tế không ai có thể giảm cân siêu tốc chỉ trong một liệu trình. Bên cạnh đó, các video quảng cáo của trung tâm này còn cắt ghép, sử dụng hiệu ứng để biến một người có vòng bụng to, nhiều mỡ trở nên thon gọn.

canh-quay-phim-truong
Một cảnh quay bên trong “phim trường” giảm béo siêu tốc - Ảnh cắt từ clip

Đối với hơn 20 nghệ sỹ nổi tiếng như Việt Anh, Kiều Trinh, Hoàng Sơn, Hoàng Mập… thì họ phải có trách nhiệm với những gì mình làm. Họ phải ý thức được tác dụng của các video quảng cáo chứ không chỉ đến quay clip, nhận tiền rồi ra về.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Triết, quảng cáo trên truyền hình, báo chí đang được các cơ quan chức năng kiểm soát rất chặt, nhưng trên mạng xã hội lại có nhiều bất cập. Do đó cần được luật hóa chi tiết, rõ ràng để người tiêu dùng không bị dẫn dắt và thường xuyên thanh tra, có chế tài với các đơn vị cung cấp các sản phẩm dịch vụ. Tại các cuộc họp liên quan, có rất nhiều ý kiến đề cập tới việc sửa đổi Luật Quảng cáo, nhiều ý kiến cho rằng nên hạn chế quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng, thậm chí cấm quảng cáo như một số nước trên thế giới.

Hiện Luật Quảng cáo chưa có các quy định xử lý quảng cáo trên mạng mà mới chỉ có nghị định về quản lý quảng cáo xuyên bên giới.

Ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng thường bị rút ngắn thời lượng quảng cáo trên truyền hình nên có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Do đó, việc cấm quảng cáo là để ngăn chặn các chiến dịch quảng cáo độc hại, đồng thời đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất thuốc và đảm bảo quyền lợi, sự an toàn cho người tiêu dùng. Đại diện Bộ VH-TT&DL cho biết, Bộ có kế hoạch sẽ xây dựng Luật Quảng cáo sửa đổi vào năm 2024 và cũng sẽ lưu ý những quy định về quảng cáo trên mạng xã hội.

Các quảng cáo sai sự thật có dấu hiệu của tội lừa dối khách hàng

Các chuyên gia pháp lý cho rằng, những đoạn clip quảng cáo công nghệ siêu giảm béo không đúng sự thật để thu hút khách hàng hoặc những quảng cáo sai sự thật có dấu hiệu của tội lừa dối khách hàng.

nghệ sỹ quảng cáo
Rất nhiều nghệ sỹ tiếp tay cho quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội

Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật - Đoàn luật sư TP.HCM, phân tích tội lừa dối khách hàng được coi là hoàn thành nếu gây hậu quả thiệt hại cho khách hàng từ 5 triệu đồng trở lên; đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa xóa án tích mà tái phạm. Những khách hàng bị lừa dối, bỏ tiền để điều trị giảm béo nhưng không hiệu quả có thể trình báo các cơ quan chức năng như thanh tra Sở Y tế, công an địa phương nơi trung tâm hoạt động... đòi lại quyền lợi và có cơ sở để xử lý.

Về việc các cá nhân được thuê đóng quảng cáo về giảm cân siêu tốc, thực tế họ chưa từng trải nghiệm đầy đủ quá trình giảm cân, toàn bộ hình ảnh, lời nói đều do diễn, cắt ghép, chỉnh sửa. Luật sư Nguyễn Trung Nghĩa - Đoàn luật sư TP.HCM cho hay, trường hợp cơ sở thẩm mỹ bị xem xét xử lý hình sự thì những nghệ sỹ này có thể bị xem xét xử lý trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm nếu biết liệu trình giảm cân không có tác dụng như quảng cáo mà vẫn cố tình thực hiện.

Nếu chưa đủ dấu hiệu truy tố trách nhiệm hình sự thì các cá nhân này sẽ bị xử phạt hành chính từ 60 – 80 triệu đồng theo khoản 5 điều 34 nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021.

Trước đó, Bộ VH-TT&DL đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vào cuối năm 2021. Quy tắc nêu rõ, nghệ sĩ phải giữ gìn hình ảnh, uy tín cá nhân, không lợi dụng tên tuổi, tình cảm của công chúng để trục lợi; tham gia hoạt động quảng cáo phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm hàng hóa đúng quy định pháp luật, đặc biệt là các sản phẩm trong lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường.

Bộ quy tắc ứng xử này tuy không phải là văn bản quy phạm pháp luật có thể mang ra xử phạt các nghệ sỹ vi phạm, nhưng thông qua đó, Bộ VH-TT&DL cũng đề nghị, ngoài phê bình từ phía cơ quan, tổ chức mà các nghệ sỹ là thành viên thì các cơ quan thông tấn báo chí cũng lên án, phê phán, cân nhắc sử dụng hình ảnh của các nghệ sỹ vi phạm quy tắc ứng xử.

Bộ VH-TT&DL cũng hướng dẫn các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật, các hội nghề nghiệp chuyên ngành nghệ thuật căn cứ vào quy tắc ứng xử này để xây dựng nội quy, quy chế, quy định, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của công chức, viên chức, hội viên trong đơn vị, tổ chức mình và có các hình thức khen thưởng, kỷ luật theo quy định.

Cùng chuyên mục