Bố mẹ bất đồng trong cách nuôi dạy con: Làm sao để tìm được tiếng nói chung?
Trong hành trình nuôi dạy con cái, không ít cặp vợ chồng rơi vào cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Do đó, bố mẹ cần tìm cách để tránh sự bất đồng này.
Cha mẹ nên đồng nhất trong cách dạy con: Vì sao điều này quan trọng?
Cha mẹ làm gương dạy con – Cách hiệu quả nhất để con học điều hay
Con học giỏi thật sự hay chỉ đang 'học vẹt': Cha mẹ nên lưu ý để dạy con học đúng cách
Nuôi dạy con cái là một hành trình dài và đầy thử thách. Dù cùng xuất phát điểm là tình yêu thương, tuy nhiên, không ít bố mẹ rơi vào tình trạng người nghiêm khắc, người chiều chuộng; người đề cao kỷ luật, người thiên về cảm xúc. Những khác biệt tưởng nhỏ nhặt ấy lại có thể tạo ra những rạn nứt lớn trong quan hệ vợ chồng và quan trọng hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tâm lý và hành vi của con trẻ.
Vậy, khi bố mẹ bất đồng trong cách nuôi dạy con, đâu là hướng giải quyết phù hợp?
Nhận diện nguyên nhân bất đồng
Bất đồng trong nuôi dạy con thường xuất phát từ sự khác biệt về môi trường sống, cách giáo dục khi còn nhỏ hoặc niềm tin cá nhân của từng người. Một người từng lớn lên trong gia đình nghiêm khắc có xu hướng mong con kỷ luật, nề nếp. Trong khi đó, người kia có thể mong con được sống tự do, thoải mái, tránh áp lực.
Ngoài ra, sự căng thẳng trong công việc, sự mệt mỏi từ cuộc sống hằng ngày cũng khiến bố mẹ dễ “bắt lỗi” lẫn nhau trong quá trình dạy con, biến những góp ý trở thành mâu thuẫn không đáng có.

Cùng nhau học làm cha mẹ
Không ai sinh ra đã là một người cha, người mẹ hoàn hảo. Vì vậy, thay vì khăng khăng giữ quan điểm cá nhân, các cặp vợ chồng nên xem nuôi dạy con là một hành trình học hỏi cùng nhau.
Tham gia các lớp học, hội thảo, hoặc đơn giản là cùng đọc sách, nghe podcast về tâm lý trẻ em sẽ giúp bố mẹ có cái nhìn khoa học, đa chiều và gần gũi hơn với con. Khi cả hai cùng chia sẻ kiến thức, sự tôn trọng và hợp tác sẽ dần thay thế tranh cãi và đổ lỗi.
Thống nhất nguyên tắc chung trước mặt con
Sự thiếu nhất quán trong dạy dỗ, đặc biệt là khi một người “nói có”, một người “nói không” ngay trước mặt con, sẽ khiến trẻ rối loạn nhận thức và dễ “lợi dụng” để né tránh trách nhiệm. Vì thế, một nguyên tắc quan trọng là: không tranh cãi về cách dạy con trước mặt con trẻ.
Thay vào đó, hãy trao đổi riêng để đưa ra quyết định chung. Dù chưa đồng thuận tuyệt đối, bố mẹ nên tạm thời thống nhất một phương án, sau đó cùng nhau đánh giá lại sau một thời gian áp dụng.
Lắng nghe và nhường nhịn
Trong mọi mối quan hệ, lắng nghe là nền tảng để thấu hiểu. Khi bất đồng nảy sinh, thay vì phản bác ngay lập tức, hãy thử đặt câu hỏi: “Vì sao anh/chị lại nghĩ như vậy?”, “Điều đó có ý nghĩa gì với anh/chị?”. Việc lắng nghe không đồng nghĩa với việc phải đồng ý, nhưng nó thể hiện sự tôn trọng và sẵn sàng hợp tác.
Đôi khi, nhường nhịn không phải là thua cuộc, mà là sự trưởng thành để bảo vệ sự bình yên cho cả gia đình.
Ghi nhớ mục tiêu chung: vì con
Cuối cùng, dù mỗi người có thể chọn một cách dạy con khác nhau, hãy luôn nhắc nhau rằng: mục tiêu chung của cả hai là vì sự phát triển lành mạnh, hạnh phúc và tự lập của con cái.
Khi đặt lợi ích của con lên hàng đầu, những khác biệt về quan điểm có thể trở nên nhẹ nhàng hơn, dễ dung hòa hơn. Hãy hỏi nhau: “Điều này có thực sự tốt cho con không?”, “Con sẽ học được gì từ cách xử lý của chúng ta?”, thay vì chỉ cố gắng chứng minh ai đúng – ai sai.
Không phải lúc nào vợ chồng cũng đồng thuận trong hành trình làm cha mẹ và điều đó hoàn toàn bình thường. Vấn đề không nằm ở việc ai đúng ai sai, mà là cách hai người cùng nhau giải quyết sự khác biệt ấy thế nào. Khi bố mẹ biết lắng nghe, cùng học hỏi và thống nhất vì mục tiêu chung, không chỉ con cái nhận được sự nuôi dưỡng tốt nhất, mà chính mối quan hệ vợ chồng cũng thêm gắn bó và vững chắc hơn theo thời gian.