Thứ hai, 08/05/2023, 11:00 (GMT+7)

Đường Hoàng Diệu - Không chỉ là địa điểm check-in nổi tiếng mà còn ghi dấu ấn lịch sử không thể quên

PT(Theo Tiếp thị & Gia đình)

Đường Hoàng Diệu một trong những con đường đẹp nhất ở Hà Nội. Ghi dấu ấn với những vết dấu còn lại của một Hà Nội xưa như di tích Hoàng thành Thăng Long, cổng Đoan Môn, những ngôi biệt thự được xây theo kiến trúc Pháp.

Bài viết này thuộc series Du lịch

Xem thêm

Đôi nét về đường Hoàng Diệu

Vị trí địa lý đường Hoàng Diệu

Đường Hoàng Diệu hiện nay thuộc địa phận phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Cung đường này là một trong những trục đường chính ở trung tâm thành phố, chỉ cách hồ Tây khoảng 2km. 

Đường Hoàng Diệu dài 1,3km, nối liền 2 phố Phan Đình Phùng và Nguyễn Thái Học, cắt ngang các phố Hàng Văn Thụ, Điện Biên Phủ, Trần Phú, Cao Bá Quát. Ngày trước, con đường này chạy dọc theo cạnh phía Tây của khu vực Hoàng cung trong thành Thăng Long đời Nguyễn.

đường hoàng diệu tiepthigiadinh
Đường Hoàng Diệu là một trong những con đường được yêu thích nhất hiện nay (Ảnh:ST)

Tên gọi đường Hoàng Diệu

Thời Pháp thuộc là đường số 53, năm 1902 được đặt tên là đại lộ Vích-to Huy-gô (avenue Victor Hugo), đến năm 1934 được đổi tên thành đại lộ Pát-xki-ê (avenue Pasquier), năm 1945 được đổi tên thành phố Hoàng Diệu, năm 1949 đổi thành đại lộ Hoàng Diệu, năm 1951 vẫn giữ nguyên đại lộ Hoàng Diệu. Cho đến sau khi đất nước thống nhất năm 1975 mới chính thức được đặt tên là đường Hoàng Diệu như hiện nay.

Tổng đốc Hoàng Diệu

Hoàng Diệu (1829 - 1882) là một quan nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam, người đã quyết tử bảo vệ thành Hà Nội khi Pháp tấn công năm 1882. Biết rõ dã tâm xâm lược của thực dân Pháp lúc bấy giờ, Hoàng Diệu bắt tay ngay vào việc chuẩn bị chiến đấu, kinh lý, biên phòng.

Pháp đánh thành Hà Nội (25/4/1882), Hoàng Diệu chỉ huy cuộc chiến đấu tới cùng. Khi thấy không đủ sức chống lại, ông thắt cổ tuẫn tiết trên cây táo cạnh Võ Miếu. Sau Cách mạng tháng Tám, một thời tên ông được đặt cho Thành Hà Nội là thành Hoàng Diệu (trước và trong kháng chiến chống Pháp). Tượng đồng của ông và Nguyễn Tri Phương được đặt tại Cửa Bắc thành Hà Nội để ghi nhớ hai vị đã hy sinh trong cuộc chiến đấu chống Pháp bảo vệ thành.

Những điều đặc biệt làm nên tên tuổi con đường Hoàng Diệu

Sở hữu hàng cây xà cừ lớn nhất Hà Nội

Xà cừ (hay còn gọi là sọ khỉ, quả gỗ), vốn là một loài cây thuộc họ xoan có nguồn gốc châu Phi, được trồng ở Hà Nội từ lâu. Đây là loại cây ưa sáng mọc nhanh, dễ trồng hạt nảy mầm rất khoẻ, tái sinh hạt và chồi đều mạnh. Cây tăng trưởng rất nhanh, có thể phát triển tốt trên nhiều loại đất. Tuy nhiên, không gian phát triển bộ rễ của cây rất lớn, phải đáp ứng điều kiện bám giữ chống chịu gió bão, trong phát triển cây xanh vỉa hè, cần giới hạn đường kính thân cây không vượt quá 400mm để tránh hiện tượng cây bị gãy đổ gây ách tắc giao thông và thiệt hại kinh tế.

Đường Hoàng Diệu là một trong những con đường trồng nhiều xà cừ nhất Hà Nội và cũng là một trong số ít phố ở nội thành có 3 hàng cây. Do đó, con phố này luôn nằm trong danh sách địa điểm check-in yêu thích của nhiều bạn trẻ hiện nay.

đường hoàng diệu tiepthigiadinh
Hàng cây xà cừ từ cổ đến đại thụ trên đường Hoàng Diệu (Ảnh:ST)

Những công trình kiến trúc Pháp tinh tế, nổi bật

Con đường Hoàng Diệu ghi dấu ấn với các công trình kiến trúc Pháp tinh tế, độc đáo được xây dựng từ thế kỷ XIX. Đường Hoàng Diệu không có nhiều nhà dân nhưng có những biệt thự rất đáng chú ý. 

Bên số lẻ, số 1 Hoàng Diệu là một khối nhà lớn và dài, trước đây là vốn là Sở Binh lương của người Pháp, sau một đơn vị quân đội của ta tiếp quản và sử dụng. Nhưng những năm gần đây, tòa nhà này đã bỏ không, mưa gió và thời gian làm cho tòa nhà dần xuống cấp.

đường hoàng diệu tiepthigiadinh
Số 1 đường Hoàng Diệu (Ảnh:ST)

Phía bên chẵn của đường Hoàng Diệu cũng không có nhiều nhà nhưng đều là những biệt thự đẹp. Ngôi nhà ở số 6 Hoàng Diệu vốn là một trường tư thục của một Giáo sư người Pháp dùng làm nơi dạy tiếng Pháp cho học sinh bản xứ, ngôi nhà sau đó là nơi ở Tổng Bí thư Lê Duẩn. Biệt thự có 6 kiến trúc trang nhã, có cây xanh bao quanh, hài hòa.

Không xa ngôi nhà Tổng Bí thư Lê Duẩn từng sống là nơi ở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở số nhà 30 với một khoảng không gian rộng có rất nhiều cây xanh. Từ khi Đại tướng ra đi, cứ đến dịp lễ hay ngày kỷ niệm, nhiều người lại tập trung trước cổng nhà để thắp nến, dâng hương, hoa tưởng niệm "người anh cả" của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây có lẽ là một trong những ngôi nhà trong nội thành Hà Nội có nhiều cây xanh nhất, có thể nghe thấy tiếng chim hót líu lo.

30 đường hoàng diệu tiepthigiadinh
Nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, số 30 Hoàng Diệu (Ảnh:ST)

Một ngôi nhà đáng chú ý nữa trên phố Hoàng Diệu, cùng dãy với nơi ở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là ngôi nhà của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô ở số 34. Trịnh Văn Bô là một nhà tư sản dân tộc buôn bán trên phố Hàng Ngang, người đã cống hiến rất nhiều tiền của cho Cách mạng thời kỳ trứng nước và bản thân ông Trịnh Văn Bô sau này cũng làm việc cho Cách mạng và tên ông bây giờ đã được đặt cho một con đường ở Hà Nội.

34 hoàng diệu tiepthigiadinh
34 đường Hoàng Diệu (Ảnh:ST)

Đường Hoàng Diệu ghi dấu ấn lịch sử với di tích Hoàng thành Thăng Long

Trên con đường trải dài với những bóng cây cổ thụ xanh mát đổ bóng xuống từng ngôi nhà góc phố, một phần Hà Nội xưa đang tồn tại như những dấu tích minh chứng cho chiều sâu văn hóa của đất kinh kỳ. Hoàng Diệu đã trở thành nơi lưu giữ hồn xưa thành cổ với di tích Hoàng thành Thăng Long. 

Ủy ban Di sản thế giới đã công nhận khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là Di sản Văn hóa thế giới. Phạm vi di sản thế giới được công nhận là 20 ha (trên tổng số 140 ha của Hoàng thành) gồm khu khảo cổ ở số 18 đường Hoàng Diệu và khu vực được giới hạn bởi 4 tuyến đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Tri Phương, Phan Đình Phùng và Hoàng Diệu.

hoàng thành thăng long tiepthigiadinh
Di tích Hoàng thành Thăng Long (Ảnh:ST)

Các di tích tiêu biểu của khu di tích Hoàng thành Thăng Long

Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu

Di tích này bao gồm tầng dưới cùng là một phần bên phía đông của thành Đại La dưới thời Cao Biền, nhà Đường, tầng trên là cung điện nhà Lý và nhà Trần, tiếp theo là một phần trung tâm của đông cung nhà Lê và trên cùng là một phần của trung tâm tòa thành tỉnh Hà Nội thế kỷ XIX.

Tuy chưa thể khẳng định về quy mô và công năng của tất cả các công trình nhưng rõ ràng các phế tích này cho thấy một quần thể kiến trúc tòa ngang dãy dọc khá phong phú. Dung mạo của một bộ phận Hoàng Thành Thăng Long xưa đã hiển hiện qua dấu vết vật chất chứ không chỉ là hình ảnh của sách vở, chữ nghĩa. Cùng những phát hiện quan trọng về các dấu tích kiến trúc, một số lượng lớn đồ gốm sứ là những vật dụng dùng hàng ngày trong Hoàng cung qua nhiều thời kỳ cũng được tìm thấy. Những khám phá này đã thực sự mở ra một cánh cửa mới cho việc nghiên cứu về gốm Thăng Long và gốm dùng trong Hoàng cung Thăng Long qua các Triều đại.  Năm 1848, vua Tự Đức cho tháo dỡ hết những cung điện còn lại ở Hà Nội chuyển vào Huế.

đường hoàng diệu tiepthigiadinh
Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu (Ảnh:ST)

Cột cờ Hà Nội

Cột cờ Hà Nội là di tích được xây dựng năm 1812 dưới triều vua Gia Long cùng lúc xây thành Hà Nội theo kiểu Vô-băng (Vauban). Cột cờ cao 60m, gồm có chân đế, thân cột và vọng canh. Chân đế hình vuông chiếm một diện tích là 2007 m² và gồm 3 cấp thóp dần lên. Mỗi cấp đều có tường hoa với hoa văn bao quanh. Từ mặt đất lên tới chân cấp thứ 2 phải leo 18 bậc tại mặt phía Đông và mặt phía Tây. Muốn từ cấp 2 lên cấp 3 cũng phải leo 18 bậc ở hai cửa hướng Đông và Tây. Còn cấp thứ 3 có 4 cửa Đông, Tây, Nam, Bắc (với các tên "Nghênh húc" (Đón ánh nắng ban mai), "Hồi quang" (ánh nắng phản chiếu), "Hướng Minh" (hướng về ánh sáng)…) và từ cạnh dưới lên tới cạnh trên phải qua tới 14 bậc cầu thang và nhiều kiến trúc khác.......

cột cờ hà nội tiepthigiadinh
Cột cờ Hà Nội (Ảnh:ST)

Đoan Môn

Đoan Môn là cửa vòm cuốn dẫn vào điện Kính Thiên. Đoan Môn gồm năm cổng xây bằng đá. Phía ngoài là cửa Tam Môn khoảng 1812 - 1814, vua Gia Long cho phá để xây Cột Cờ (nay vẫn còn sừng sững). Năm 2002, giới khảo cổ học Việt Nam được phép đào phía trong Đoan Môn đã tìm thấy "lối xưa xe ngựa" thuộc thời Trần, dùng lại nhiều gạch Lý. Nếu tiếp tục khai quật, sẽ có thể thấy cả con đường từ Đoan Môn đến điện Kính Thiên ở phía Bắc và cửa Tây Nam thành Hà Nội.

đoan môn tiepthigiadinh
Đoan Môn trong Hoàng thành Thăng Long (Ảnh:ST)

Điện Kính Thiên

Điện Kính Thiên là di tích trung tâm, là hạt nhân chính trong tổng thể các địa danh lịch sử của thành cổ Hà Nội. Điện Kính Thiên chiếm vị trí trung tâm của khu di tích.

Điêu khắc rồng đá điện Kính Thiên là một di sản kiến trúc nghệ thuật tuyệt tác, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê sơ. Được chạm trổ bằng đá xanh, rồng đá có đầu nhô cao, đầu to, mắt tròn lồi, sừng dài có nhánh, bờm lượn ra sau, miệng hé mở, ngậm hạt ngọc. 

Năm Ất hợi 1879 khi Trương Vĩnh Ký ra Hà Nội ông có vào điện Kính Thiên xem qua và kể lại trong Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất hợi. Dù trong thời buổi suy tàn đó khi quân Pháp đã đánh chiếm thủ phủ Bắc Kỳ những cột gỗ lim theo bản tường trình tả có tầm vóc rất lớn, chu vi bằng một người ôm. Những điện đài phía sau điện Kính Thiên lúc đó đã hư hại nhiều nhưng vẫn để lại ấn tượng cho người khách Nam Kỳ.

Điện kính thiên tiepthigiadinh
Điện Kính Thiên - Hồn cốt của Hoàng thành Thăng Long (Ảnh:ST)

Nhà D67

Từ Tổng hành dinh - Nhà D67 Khu A Bộ quốc phòng, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đã đưa ra những quyết định lịch sử, đánh dấu những mốc son của cách mạng Việt Nam. Đó là: Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, Cuộc Tổng tiến công năm 1972, Đánh thắng hai cuộc chiến của Mỹ mà đỉnh cao là 12 ngày đêm cuối năm 1972, Tổng tiến công năm 1975 đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh.

d67 tiepthigiadinh
Một góc nhỏ trong nhà D67 (Ảnh:ST)

Hậu Lâu

Lầu Tĩnh Bắc (Tĩnh Bắc lâu) là một tòa lầu xây phía sau cụm kiến trúc điện Kính Thiên là hành cung của thành cổ Hà Nội. Tuy ở sau hành cung nhưng lại là phía bắc, xây với ý đồ phong thủy giữ yên bình phía bắc hành cung, nên mới có tên là Tĩnh Bắc lâu và còn có tên là Hậu lâu (lầu phía sau), hoặc là lầu Công chúa do cho rằng đây là nơi nghỉ ngơi của các cung nữ trong đoàn hộ tống vua Nguyễn ra ngự giá Bắc thành.

hậu lâu tiepthigiadinh
Hậu Lâu - cung điện duy nhất của nhà Nguyễn còn ở Hà Nội (Ảnh:ST)

Cửa Bắc

Cửa Bắc là một trong năm cổng của thành Hà Nội thời Nguyễn. Khi Pháp phá thành Hà Nội họ giữ lại cửa Bắc vì nơi đây còn hai vết đại bác do pháo thuyền Pháp bắn từ sông Hồng năm 1882 khi Pháp hạ thành Hà Nội lần thứ hai. Ngày nay trên cổng thành là nơi thờ hai vị tổng đốc Hà Nội là Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu.

cửa bắc tiepthigiadinh
Cửa Bắc Hoàng thành Thăng Long (Ảnh:ST)
Một số thông tin về Hoàng thành Thăng Long:

Thời gian mở cửa

Hoàng thành Thăng Long mở cửa từ Thứ 3 đến Chủ Nhật hàng tuần, bao gồm cả những ngày Lễ, tết.

Giá vé

Giá vé vào cửa là 30.000 VNĐ/lượt khách. Tuy nhiên, nếu bạn là học sinh, sinh viên hoặc có đi cùng người cao tuổi trong chuyến tham quan, bạn sẽ được giảm 50% giá vé.

Con đường hoa ban rực rỡ vào tháng 3

Dọc hai bên đường Hoàng Diệu luôn có những hàng cây xanh, cao, ngả bóng mát. Tùy theo giai đoạn, trên con đường này còn có những mùa hoa ban tím, hoa ban trắng… vô cùng mộng mơ.

Những ngày tháng 3 đầy nắng, cung đường này càng trở nên đẹp hơn với sắc trắng, sắc tím hoa ban vô cùng lãng mạn. Những cây ban trắng, ban tím đều bung nở dưới nắng, biến khung cảnh nơi này trở nên thơ mộng chẳng kém gì Hàn Quốc. Vì vậy mà vào thời gian này, du khách và cả cư dân địa phương đến đây rất nhiều để chụp ảnh.

Không chỉ đẹp vào tháng 3, mùa thu trên đường Hoàng Diệu cũng rất tình. Đó là thời điểm mà những hàng cây xanh lá bỗng chuyển sang sắc vàng. Mỗi cơn gió đi qua lại thổi nhẹ từng chiếc lá rơi rụng xuống, tạo nên một bức tranh đầy chất thơ, làm mê đắm những trái tim yêu vẻ đẹp mộng mơ của Hà Nội.

đường hoa ban hoàng diệu tiepthigiadinh
Dù vào ngày mưa, con đường hoa ban vẫn đẹp rung động lòng người (Ảnh:ST)

Đọc thêm: Khám phá trọn vẹn vẻ đẹp hoang sơ hiếm có của Trạm Tấu, Yên Bái

Cùng chuyên mục