Khám phá trọn vẹn vẻ đẹp hoang sơ hiếm có của Trạm Tấu, Yên Bái
Trạm Tấu (Yên Bái) những năm gần đây đã trở thành điểm đến đặc biệt thu hút bởi vẻ đẹp hoang sơ hiếm có. Đây là một địa điểm lý tưởng cho những tâm hồn yêu thiên nhiên và thích khám phá những vùng đất mới lạ.
Trạm Tấu ở đâu?
Trạm Tấu là một huyện vùng cao thuộc tỉnh Yên Bái, cách trung tâm Tỉnh lỵ 114 km. Trạm Tấu có độ cao trung bình so với mặt biển khoảng 800m, đỉnh núi cao nhất là 2.985m. Địa hình dốc cao thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn rất phù hợp với việc phát triển du lịch sinh thái.
Từ Trạm Tấu, bạn có thể di chuyển đến các địa điểm xung quanh như Văn Chấn, Mù Cang Chải, Phù Yên (Sơn La).
Thời tiết ở Yên Bái
Trạm Tấu nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa. Do địa hình núi cao nên nhiệt độ về mùa hè không cao. Mùa đông giá rét, có năm nhiệt độ về mùa đông xuống tới 0 độ C, tuyết phủ trên các cành cây và núi cao.
Trạm Tấu có gì đẹp? Những địa điểm nổi tiếng không nên bỏ qua
Thiên đường mây Tà Xùa
Ngoài Tà Xùa (Sơn La), thiên đường mây Tà Xùa ở Trạm Tấu cũng là địa điểm săn mây không thể bỏ qua dành cho các tín đồ yêu vẻ đẹp thơ mộng của “nàng vân”.
Tà Xùa là một trong mười ngọn núi cao nhất Việt Nam, tọa lạc tại xã Văn Công, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ với những dãy núi trùng điệp, nhìn xuống thung lũng thơ mộng. Từ đỉnh Tà Xùa, du khách dễ dàng bắt gặp biển mây trắng xóa cuồn cuộn giữa những ngọn núi cao. Khi hoàng hôn buông xuống, biển mây nhuộm màu kỳ ảo như khung cảnh chốn thần tiên.
Đây cũng là địa điểm trekking lý tưởng dành cho các bạn trẻ ưa khám phá, trải nghiệm. Khi đến với thiên đường mây Tà Xùa, bạn cần lưu ý thời tiết, bởi vào mùa nắng thì nóng gay gắt, mùa mưa thì nhiều đồi núi, ghềnh dốc, đất đá nhiều dễ gây trơn trượt.
Tắm suối khoáng nóng - Độc lạ Trạm Tấu
Suối khoáng nóng là điểm đến hấp dẫn ở Trạm Tấu, nằm ngay trung tâm thị trấn, bạn có thể di chuyển thuận lợi. Chuyến du lịch Trạm Tấu của bạn sẽ thật sự trọn vẹn nếu được trải nghiệm hoạt động tắm suối khoáng nóng.
Với hệ thống bể bơi suối khoáng nóng ngoài trời rộng hơn 600m2, nằm sát những nương lúa xanh rì với tầm nhìn hướng ra khung cảnh thiên nhiên trữ tình khiến khu suối khoáng nóng Trạm Tấu như một điểm nhấn dịu dàng giữa núi rừng hùng vĩ. Khu sinh thái suối khoáng nóng này tự nhiên 100%, là mạch nước ngầm sạch và tốt cho sức khỏe.
Tháng 10 là thời điểm vàng để bạn ghé đến Suối khoáng nóng Trạm Tấu. Đây là lúc lúa trên các cánh đồng ruộng bậc thang chín vàng ươm, thích hợp để bạn vừa được hòa mình vào làn nước suối ấm nóng vừa chiêm ngưỡng khung cảnh nương lúa tuyệt đẹp.
Một số thông tin về suối khoáng nóng Trạm Tấu
Địa chỉ: Khu 5 thị trấn Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái.
Giờ mở cửa: Khu suối khoáng nóng Trạm Tấu hoạt động với các dịch vụ trong ngày từ 08:00 - 15:00 và 18:00 - 20:50 các ngày trong tuần; bao gồm cả dịp lễ, tết.
Giá vé:
- Giá vé vào cửa khu du lịch suối khoáng nóng Trạm Tấu người lớn từ 10 tuổi: 120.000 VNĐ/khách; trẻ em dưới 10 tuổi: 80.000 VND/trẻ em.
- Giá vé thuê đồ bơi cho du khách tắm là 20.000 VND/bộ; ngoài ra khu du lịch còn bán sẵn các gói ăn uống.
Bản cao Cu Vai ở Trạm Tấu
Bản Cu Vai là một bản làng nhỏ thuộc xã Tà Hồ, huyện Trạm Tấu, cách trung tâm huyện tầm 20km. Bản Cu Vai nằm trên đỉnh một ngọn núi cao, đường lên khó khăn và hiểm trở. Chính vì thế, cuộc sống người dân bản luôn gắn liền với thiên nhiên, cảnh quan vẫn giữ được những nét đẹp hoang sơ vốn có, du khách đến đây sẽ được hòa mình vào cuộc sống miền sơn cước một cách chân thật nhất.
Từ trên cao nhìn xuống bản Cu Vai hiện lên như một sân bay dã chiến với đường băng thẳng tắp hướng ra biển mây cuồn cuộn.. Đến thăm bản Cu Vai, bạn sẽ có rất nhiều kỉ niệm đáng nhớ với những khoảnh khắc đẹp nhất của tự nhiên và nét văn hóa lâu đời của đồng bào người Mông.
Chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù cao gần 300m
Đỉnh Tà Chì Nhù thuộc xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, nằm ở độ cao 2979m so với mực nước biển. Do địa hình cao, đường khó đi nên việc chinh phục Tà Nhì Chù là một thử thách dành cho các bạn đam mê trekking.
Để có thể chinh phục được đỉnh núi Tà Chì Nhù cao gần 3000m, bạn sẽ phải trải qua rất nhiều khó khăn, gian nan, nhưng đổi lại là món quà mang vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của thiên nhiên. Những ngọn núi trùng điệp, những căn nhà tựa mình vào sườn đồi tạo nên một khung cảnh vừa hùng vĩ, vừa lãng mạn.
Tháng 10 hàng năm, hoa chi pâu tím nở rộ, Tà Chì Nhù ngập tràn sắc tím của hoa chi pâu, tựa như một vườn địa đàng nơi hạ giới. Du khách tới đây không chỉ vãn cảnh mà còn ghi lại được những khoảnh khắc tuyệt đẹp.
Khám phá thác Háng Tề Chơ
Góp phần làm nên sự hùng vĩ của thiên nhiên Trạm Tấu còn có thác Háng Tề Chơ nằm ở bản Đề Chơ xa xôi nhất của xã Làng Nhì, được mệnh danh là “tứ đại tử địa” của vùng núi Tây Bắc. Khi đến Háng Tề Chơ, du khách được chứng kiến khung cảnh kỳ vĩ, hoang sơ.
Từ chân thác, từng dòng nước rót qua vách đá dựng đứng từ độ cao hơn 1000m tung bọt trắng xóa, ầm ầm trút xuống. Sự hòa quyện giữa màu xanh của núi với bọt nước trắng xóa đã tạo nên một bức tranh sơn thủy đầy màu sắc của núi rừng.
Nhìn từ xa, thác Háng Tề Chơ đẹp như nàng công chúa mặc váy trắng nổi bật giữa cánh rừng xanh thẳm. Trời càng về chiều, mây trắng rủ nhau giăng bên làn nước càng tô điểm cho thác nước vẻ đẹp yêu kiều.
Kinh nghiệm du lịch Trạm Tấu từ A đến Z
Trạm Tấu đẹp nhất thời điểm nào?
Mỗi mùa, Trạm Tấu lại mang cho mình một vẻ đẹp riêng, bạn có thể du lịch Trạm Tấu bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy vậy, Trạm Tấu sẽ đẹp nhất vào mùa thu, bởi khi ấy, thời tiết vừa mát mẻ, nắng dịu nhẹ, mây trong lành sẽ giúp bạn có những hoạt động vui chơi trải nghiệm hấp dẫn nhất.
- Mùa nước đổ (tháng 5 – tháng 6): Đây là thời gian đầu hè, khí hậu Trạm Tấu mát mẻ, thiên nhiên tươi tốt. Đặc biệt, những cánh đồng ruộng bậc thang ở Trạm Tấu đang vào mùa lấy nước, chuẩn bị cho vụ mới. Những cơn mưa đầu hè trút xuống. Nhìn từ trên cao, những thửa ruộng bậc thang tựa như những tấm gương khổng lồ phản chiếu vẻ đẹp của đất trời, lấp lánh trong ánh mặt trời.
- Mùa lúa chín (tháng 9 – tháng 10): Tây Bắc, đặc biệt là Yên Bái từ lâu đã nổi tiếng với những cánh đồng ruộng bậc thang đẹp nhất Việt Nam. Đến Trạm Tấu vào tháng 9 – tháng 10, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng màu vàng óng ả của những ruộng lúa chín, cùng với hương thơm ngào ngạt tỏa khắp đất trời. Trạm Tấu mùa này khoác lên mình vẻ đẹp dịu dàng, thơ mộng, tựa như một bức tranh tuyệt vời.
Mùa nước đổ và mùa lúa chín cũng là thời điểm diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, du lịch đặc sắc. Du khách đến Trạm Tấu vào khoảng thời gian này sẽ có những trải nghiệm cực kỳ thú vị.
Cách di chuyển và đường đi đến Trạm Tấu
Nằm cách Hà Nội hơn 200 km, đến Trạm tấu, bạn có thể lựa chọn nhiều hình thích di chuyển như: xe khách, xe máy, xe tour. Với nhiều bạn trẻ thích mạo hiểm, thích chinh phục thì di chuyển bằng hình thức phượt là vô cùng lý tưởng.
Từ Hà Nội, có ba cách để di chuyển lên Trạm Tấu:
Di chuyển bằng xe khách: Đây là phương tiện di chuyển an toàn, giá rẻ. Bạn có thể đi xe giường nằm từ các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát đến Trạm Tấu. Trên xe, bạn có thể tranh thủ nghỉ ngơi, dành sức cho các hoạt động tham quan. Để chắc chắn thì du khách nên liên hệ với nhà xe đặt chỗ trước. Đặc biệt là vào dịp cuối tuần hay dịp nghỉ Lễ.
Di chuyển bằng ô tô riêng: Nếu bạn có ô tô riêng thì việc di chuyển sẽ thuận tiện hơn rất nhiều. Vừa chủ động về mặt thời gian lại vừa có thể tránh mưa, tránh nắng. Để di chuyển bằng phương tiện cá nhân từ Hà Nội lên Trạm Tấu, bạn có thể tham khảo cung đường: đại lộ Thăng Long – QL21 – Sơn Tây – Đèo Khế – Văn Chấn – Nghĩa Lộ – Trạm Tấu.
Di chuyển bằng xe máy: Cuối cùng, nếu bạn là một tín đồ xê dịch, có niềm đam mê với phượt thì xe máy sẽ là phương tiện di chuyển lý tưởng. Với quãng đường 250km, bạn sẽ mất khoảng 7 tiếng di chuyển bằng xe máy. Tuy nhiên, du khách cần hết sức chú ý an toàn khi di chuyển đường dài bằng xe máy lên Trạm Tấu. Trên đường đi nên nghỉ ngơi và đừng quên kiểm tra Maps thường xuyên để tránh lạc đường.
Homestay, nhà nghỉ ở Trạm Tấu
Tại Trạm Tấu có cả khách sạn, homestay giá cả ở nhiều mức từ bình dân đến cao cấp. Tuy nhiên, để nghỉ ngơi và có nhiều cơ hội khám phá văn hóa của người dân bản địa, bạn nên chọn mô hình lưu trú homestay.
Bạn có thể tham khảo danh sách nhà nghỉ, homestay dưới đây:
Nhà nghỉ: Nhà khách Trạm Tấu, Nhà nghỉ Suối Tung, Nhà nghỉ Sinh Hảo, Nhà nghỉ Thảo Nguyên, Nhà nghỉ Duy Mạnh, Nhà nghỉ Hạnh Hoàn, Nhà nghỉ Hằng Lâm.
Homestay: Homestay suối khoáng nóng Trạm Tấu, Zoni Homestay, Homestay Cầu Treo, Homestay Trí Đạt, Homestay An Nhiên, Homestay đồi chè Trạm Tấu.
Thưởng thức trọn vẹn ẩm thực Tây Bắc chuẩn vị
Đến với Trạm Tấu, Yên Bái, bạn không thể không thử thưởng thức những món ăn đậm đà hương vị nơi đây như: xôi ngũ sắc dẻo thơm, mắc khén đặc trưng, muồm muỗm rang Mường Lò, bánh trưng đen, rau dớn, ruốc tôm, rêu suối, măng vầu cuốn thịt, gà trống thiến Lục Yên, thịt mắm cơm đỏ, cá sỉnh Nậm Thia,…
Xôi ngũ sắc
Xôi ngũ sắc là đặc sản của đồng bào Thái vùng Mường Lò, tỉnh Yên Bái, được làm từ loại gạo nếp Tú Lệ thơm ngon và được nhuộm 4 màu từ các loại lá cây rừng.
Món xôi ngũ sắc Yên Bái được rất nhiều du khách biết đến không chỉ vì hình thức vô cùng đẹp và bắt mắt mà còn bởi hương vị tuyệt vời khó lẫn với bất kì loại xôi nào khác. Sở dĩ món ăn này lại trở thành đặc sản của nơi đây bởi nó mang đậm nét văn hóa của dân tộc, hội tụ được những giá trị truyền thống và hiện đại, mang ý nghĩa về quan niệm vũ trụ, triết lý âm dương.
Măng ớt Trạm Tấu
Măng ớt Trạm Tấu là một đặc sản của bà con người Mông - Yên Bái. Đây là loại măng đặc biệt được ngâm muối ớt lên có màu trắng hồng, cay xé họng nhưng vẫn còn vị ngon lạ lùng.
Măng ớt Trạm Tấu là món ăn chỉ có ở huyện vùng cao Trạm Tấu của tỉnh Yên Bái được chế biến từ cây măng Lay - một loại cây chỉ mọc ở vùng núi cao. Đây là loại măng rất đặc biệt, kích thước của măng nhỏ bằng ngón tay, bên trong thì lại đặc ruột được gọi là măng ớt.
Nếu có cơ hội đến vùng cao Yên Bái, du khách đừng bỏ qua món đặc sản độc đáo này bởi nó sẽ giúp bạn cảm nhận được hương vị của đại ngàn được gói gọn trong từng miếng măng ớt.
Thịt trâu gác bếp
Trâu gác bếp là một trong những món ăn đặc sản của vùng Tây Bắc được làm từ phần thịt thăn và bắp trâu tươi. Sau khi tẩm ướp các gia vị sẽ được gác bếp cho chín từ từ bằng khói và sức nóng của bếp củi.
Dù có mặt ở nhiều dân tộc nhưng thịt trâu gác bếp Yên Bái vẫn ngon nhất, đậm đà nhất. Thịt trâu gác bếp Yên Bái có vị ngọt đậm của thịt trâu tươi, vị cay nồng của ớt và hương vị đậm đà của mắc khén đặc trưng. Đây là một loại gia vị rất phổ biến của dân tộc vùng Tây Bắc. Và tất nhiên không thể thiếu chú ngai ngái của khói bếp.
Bánh chưng đen
Bánh chưng đen là một trong những món ăn của đồng bào dân tộc Tày tại tỉnh Yên Bái. Không chỉ có màu đen nhánh như nhựa đường, bánh chưng đen còn có hương vị đậm đà, thoang thoảng mùi thơm của các loại lá rừng độc đáo.
Bánh chưng đen Yên Bái là sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và đất trời giữa gạo nếp Tú Lệ, thịt lợn rừng, đậu xanh, lá dong và cây núc nác.
Bánh chưng đen Yên Bái từ lâu đã trở thành nét tinh túy ẩm thực, không chỉ là món ăn yêu thích, mà còn là món quà ý nghĩa của nhiều du khách khi tới Yên Bái.
Đọc thêm: Bánh chưng đen – đặc sản độc lạ của người Tày
Lưu ý khi đi du lịch Trạm Tấu (Yên Bái)
Hãy lưu lại ngay những kinh nghiệm dưới đây nếu bạn đang có ý định đi phượt Trạm Tấu:
- Nên đặt phòng trước khi đi ít nhất trước 1 tuần. Vào những ngày cao điểm, lượng khách du lịch đến Trạm Tấu khá đông nên phòng thường hết khá nhanh. Bạn nên đặt phòng trước để có được phòng đẹp, ưng ý với giá tốt hơn.
- Nếu di chuyển bằng xe máy, bạn nên kiểm tra xe cẩn thận trước khi đi.
- Chuẩn bị trang phục bảo hộ đầy đủ, đảm bảo an toàn trong suốt chuyến đi.
- Lên sẵn kế hoạch, lịch trình di chuyển giữa các địa điểm để có lộ trình thuận tiện nhất.
- Nên lựa chọn trang phục đơn giản, thoải mái, dễ di chuyển.
- Mang đầy đủ bằng lái xe, giấy tờ tùy thân.
- Mang theo tiền mặt để dùng trong những trường hợp cần thiết, vùng núi cao nên thỉnh thoảng sóng điện thoại và mạng không được tốt, nếu dùng hình thức chuyển khoản có thể gặp khó khăn.
- Chuẩn bị đầy đủ máy quay phim, máy ảnh, sạc pin dự phòng để ghi lại hành trình chinh phục điểm đến nổi tiếng Tây Bắc này.
- Khi trekking đỉnh Tà Xùa hay Tà Chì Nhù, bạn nên thuê người bản địa hướng dẫn vì họ thông thuộc đường đi và có những kinh nghiệm leo núi dày dặn sẽ hỗ trợ bạn tốt nhất.
- Chuẩn bị một số đồ dùng cơ bản như đèn pin, lương khô, thuốc chống côn trùng…
- Theo dõi thời tiết kỹ càng trước khi xuất phát, tránh những ngày trời mưa đường trơn khó di chuyển.
- Lưu ý không xả rác, vẽ bậy, giữ cảnh quan thiên nhiên luôn sạch và đẹp.
Đọc thêm: Thị trấn Tam Đảo - Trời Âu thu nhỏ giữa lòng Vĩnh Phúc