Thứ năm, 10/04/2025
logo
Góc nhìn

“Độc lạ” thương hiệu khi tái nhận diện bằng logo cũ

Hoàng Ngân (Theo Tiếp thị & Gia đình) Thứ ba, 18/07/2023, 06:00 (GMT+7)

Tái nhận diện thương hiệu là chiến lược marketing đổi mới của nhiều nhãn hàng. Song, những cái tên đình đám như Burger King, Pepsi, Burberry lại quay về quá khứ với logo cũ.

Những năm diễn ra đại dịch Covid-19 là khoảng thời gian khó khăn của nhiều thương hiệu. Các cửa hàng buộc phải đóng cửa nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên và khách hàng. Nhưng đây cũng là thời điểm mà nhiều thương hiệu táo bạo tái nhận diện để duy trì và củng cố thêm mức độ nhận biết trong lòng người tiêu dùng.

Brand Identity quan trọng như thế nào?

Brand Identity được hiểu là bộ nhận diện giúp doanh nghiệp truyền tải những thông tin đặc biệt đến khách hàng, bao gồm các yếu tố như: slogan, bao bì, đại sứ thương hiệu,... Càng có hệ thống nhận diện tốt thì khả năng tạo dấu ấn trong lòng khách hàng càng tăng. Điều này giúp sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu được nhận biết dễ dàng hơn.

Heinz từng chứng minh mức độ phổ biến của sản phẩm thông qua chiến dịch “Heinz Draw Ketchup”. Theo đó, thương hiệu yêu cầu người tiêu dùng vẽ chai sốt cà chua một cách đơn giản nhất. Kết quả là, người dùng của 18 quốc gia như Canada, Mỹ, Ý đều phác họa dáng chai cà chua giống như sản phẩm của Heinz. Thậm chí nhiều người ghi hẳn tên thương hiệu “Heinz” lên hình vẽ. Chiến dịch thử nghiệm độ phủ sóng của Heinz đã chứng minh tầm quan trọng của bộ nhận diện thương hiệu.

Tái nhận diện thương hiệu bằng cách trở về quá khứ

Năm 2021, Burger King đã có cú lội ngược dòng khi tái nhận diện với hàng loạt sự thay đổi, bao gồm logo, thiết kế bao bì, đồng phục nhân viên và cách trang trí nhà hàng sau 20 năm. Lần thay đổi ngoạn mục này được lấy cảm hứng từ chính logo cũ của thương hiệu (1969 - 1999). Điểm khác biệt là màu sắc đã được điều chỉnh tươi tắn hơn, tỷ lệ của bánh burger cũng giống với sản phẩm thực tế.

Pepsi cũng đã thu hút lượng tương tác khủng khi tái nhận diện thương hiệu với logo mới. Thoạt nhìn, logo mới khá giống với phiên bản của những năm 1987 - 19997, tuy nhiên, thương hiệu đã thay đổi một vài yếu tố để khiến logo trông hiện đại hơn. Theo chia sẻ của nhà đại diện, Pepsi thay đổi để tạo ra sự khác biệt và làm nổi bật yếu tố hiện đại cũng như tăng độ nhận diện của các dòng sản phẩm không đường.

Tương tự, thương hiệu Burberry cũng tái nhận diện thương hiệu với logo đến từ quá khứ. Daniel Lee - Giám đốc Sáng tạo đã quyết định thiết kế lại logo thương hiệu bằng cách sử dụng hình ảnh hiệp sĩ cưỡi ngựa “Prorsum” (thiết kế những năm 1900). Thương hiệu đồng loạt đăng tải 12 bức ảnh sử dụng logo mới trên nền tảng Instagram và được người dùng ủng hộ vì sự thay đổi lần này.

Nhìn chung, các “ông lớn” đều có xu hướng tìm về giá trị cũ trong quá khứ để tái nhận diện thương hiệu. Điểm khác biệt lớn nhất có thể chỉ ra là màu sắc, cách viết hoa, in đậm và màu sắc của logo nhận diện.

Vì sao khi tái nhận diện, thương hiệu quay về quá khứ?

Việc thay đổi bộ nhận diện thương hiệu rất tốn kém vì sẽ phải bỏ đi bao bì, nhãn mác có hình ảnh logo cũ, sau đó in ra hàng nghìn, hàng triệu thiết kế mới. Vậy, tại sao thương hiệu lại tái nhận diện thương hiệu với ý tưởng đến từ quá khứ?

Tiếp cận thế hệ Gen Z

Ở thời điểm bản sắc cốt lõi của thương hiệu xuất hiện và bùng nổ thì Gen Z - đối tượng tiềm năng của thời đại hiện nay chưa được sinh ra. Vì vậy, việc tái nhận diện với ý tưởng đến từ quá khứ giúp thương hiệu gợi nhắc tới bề dày lịch sử, giá trị cốt lõi nhưng đồng thời tạo ra sự mới lạ và thu hút tệp khách hàng trẻ.

Như trường hợp của Burger King, khi thương hiệu yêu cầu người tiêu dùng vẽ logo theo trí nhớ thì hầu hết khách hàng đều vẽ lại logo thương hiệu những năm 1999. Hình ảnh chiếc bánh hamburger kẹp chữ “Burger King” dễ nhớ hơn bất cứ chi tiết nào khác. Do đó, việc sử dụng hình ảnh cũ để tái nhận diện của thương hiệu giúp lan tỏa hình ảnh, nhắc nhở người dùng về những giá trị mà họ nỗ lực xây dựng.

Xu hướng tối giản hóa khi tái nhận diện thương hiệu

Với các thiết bị tiên tiến và tri thức sáng tạo hiện nay, không khó để sở hữu bộ nhận diện độc đáo, lạ mắt và khác biệt. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại thì việc thiết kế logo cần chú trọng hơn về sự kết nối chân thực, gần gũi với người dùng chứ không chỉ đơn giản là mặt kỹ thuật. Khi tệp khách hàng tiềm năng ngày càng trẻ, đồng thời có nhiều sự lựa chọn thì thương hiệu càng phải trở nên nổi bật giữa “rừng” logo.

Xu hướng đơn giản hóa, rũ bỏ những điều dư thừa, tập trung và giá trị cốt lõi của thương hiệu là lý do mà các chiến dịch tái nhận diện trong thời gian gần đây tập trung chủ yếu vào thiết kế tối giản. Kết hợp với mục đích khẳng định bề dày lịch sử thì “mượn” ý tưởng từ quá khứ với chiếc logo trong thời hoàng kim chính là chiến lược thông minh để “flexing” với thế hệ trẻ Gen Z - tệp khách hàng tiềm năng nhất trong thời đại mới.

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục