Thứ ba, 22/04/2025
logo
Góc nhìn

Cục trưởng Cục PTTH: Nhiều nghệ sĩ ký hợp đồng quảng cáo vô tội vạ

Hồng Phúc Thứ ba, 22/04/2025, 10:54 (GMT+7)

Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình nêu thực trạng nhiều nghệ sĩ ký hợp đồng quảng cáo vô tội vạ, không kiểm tra nội dung, không xác minh thật - giả của sản phẩm, đồng thời khẳng định sẽ xử lý nghiêm một số trường hợp theo quy chế mới nhằm định hướng và răn đe.

BTV Quang Minh và Vân Hugo đối mặt mức phạt hơn 100 triệu vì quảng cáo sữa Hiup

Vụ sản xuất gần 600 loại sữa bột giả: Chuyên gia cảnh báo điều người tiêu dùng cần quan tâm

Chiều 21/4, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức họp báo thường kỳ quý I năm 2025. Chủ trì buổi họp báo có ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thành truyền hình và thông tin điện tử; bà Đặng Thị Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Báo chí; ông Nguyễn Hữu Ngọc - Phó Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL.

Tại đây, Bộ VHTTDL nêu rõ thực trạng ý thức pháp luật của nghệ sĩ trong lĩnh vực quảng cáo, đồng thời khẳng định sẽ xử lý nghiêm các nghệ sĩ vi phạm. Bộ VHTTDL cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan vào cuộc thanh tra, xử lý các sai phạm của nghệ sĩ trong hoạt động quảng cáo.

Nhiều nghệ sĩ thiếu hiểu biết pháp luật

Phát biểu tại họp báo, ông Lê Quang Tự Do nêu ra thực trạng đáng lo ngại là ý thức pháp luật của nghệ sĩ trong lĩnh vực quảng cáo còn rất yếu. Nhiều người ký hợp đồng quảng cáo vô tội vạ, không kiểm tra nội dung, không xác minh tính thật - giả của sản phẩm. Điều này khiến họ dễ vi phạm pháp luật.

Không chỉ dừng ở việc thiếu kiến thức pháp luật, nhiều nghệ sĩ còn tự cho mình quyền “biến tấu”, sáng tạo nội dung kịch bản quảng cáo, dẫn đến phát ngôn phóng đại, không đúng sự thật. 

Cục trưởng Cục PTTH: Nghệ sĩ nhận quảng cáo vô tội vạ, biến tấu rất nhiều- Ảnh 1.
Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thành truyền hình và thông tin điện tử phát biểu tại họp báo.

"Nghe kể lại, có những nghệ sĩ thậm chí còn bảo với bên làm nội dung: 'Anh cho em nói thêm một tí nhé', rồi cứ thế bổ sung, phóng đại, thêm thắt vô tội vạ, thành ra tràng giang đại hải những thứ không hề có trong kịch bản gốc.

Có những trường hợp, nội dung người ta đưa chỉ là ‘hỗ trợ tăng chiều cao’, nhưng nghệ sĩ lại tự ý sửa thành ‘tăng vượt trội 5-10cm’, không biết từ đâu ra. Vậy là thành quảng cáo lố, quảng cáo nổ, điều này rất phổ biến”, Cục trưởng dẫn chứng. 

Đáng nói, nhiều nghệ sĩ còn có thói quen đánh đồng trải nghiệm cá nhân thành hiệu quả đại trà của sản phẩm khi quảng cáo. “Rất nhiều nghệ sĩ lấy trải nghiệm của bản thân để áp đặt cho người khác, cho rằng nếu mình thấy hiệu quả thì ai dùng cũng như vậy. Điều đó dễ dẫn đến phát ngôn sai sự thật. Điều này không chỉ vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo mà còn dễ khiến công chúng hiểu lầm, đặc biệt khi người truyền tải là người nổi tiếng có sức ảnh hưởng rộng", Cục trưởng nhận định. 

Để tránh các rủi ro pháp lý, Cục trưởng cảnh báo nghệ sĩ không nên hợp  tác sản xuất - không chỉ đóng vai trò đại diện hình ảnh mà còn nhận cổ phần, góp vốn, trở thành đồng sản xuất sản phẩm. "Nghệ sĩ thường hợp tác với các công ty sản xuất và được trả công bằng cổ phần, cổ phiếu hoặc rót vốn. Khi đó, họ vô tình trở thành đồng sản xuất và có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu sản phẩm bị kết luận là hàng giả" , ông Lê Quang Tự Do thông tin.

Ông Lê Quang Tự Do bày tỏ, trường hợp Quang Linh Vlog là ví dụ đáng tiếc, dù đã có nhiều đóng góp tích cực, nhưng vì thiếu hiểu biết pháp luật, góp vốn làm sản phẩm, nên khi sản phẩm bị xử lý, bản thân nghệ sĩ cũng đứng trước hậu quả pháp lý nghiêm trọng.

"Chúng tôi đau lòng với trường hợp của Quang Linh Vlogs, người gần đây vướng vòng lao lý. Bạn ấy làm được nhiều việc tốt nhưng thiếu hiểu biết pháp luật nên đã phải chịu trách nhiệm hình sự. Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh tới các nghệ sĩ", ông Tự Do nói.

Sẽ xử phạt một số trường hợp vi phạm quảng cáo theo quy chế mới

Nói về vai trò của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến vi phạm của nghệ sĩ trong hoạt động quảng cáo, Cục trưởng khẳng định: "Việc xác định hàng hóa có vi phạm hay không là trách nhiệm của bộ quản lý chuyên ngành, không phải Bộ VHTTDL. Ví dụ, sữa giả, thực phẩm chức năng giả thì Bộ Y tế, Bộ Công Thương phải thẩm định và kết luận. Bộ VHTTDL không thể tự xác định đó là hàng giả.

Sau khi có kết luận của bộ chuyên ngành, chúng tôi mới căn cứ vào đó để xử lý hành vi quảng cáo vi phạm. Điều này hiện đã được quy định rõ trong Điều 22, Nghị định 147 về quản lý Internet và thông tin trên mạng, quy định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành trên không gian mạng".

Cục trưởng cũng nhấn mạnh, hiện nay pháp luật không phân biệt nghệ sĩ hay công dân bình thường khi xử lý hành vi quảng cáo sai phạm. Mọi cá nhân đều bị xử lý như nhau theo quy định hiện hành. "Chưa có quy định nào yêu cầu áp dụng biện pháp mạnh hơn đối với nghệ sĩ. Nghệ sĩ hay KOL vẫn bị xử lý như mọi công dân khác”, ông nói.

Nghệ sĩ quảng cáo 'ẩu': Mất cả sự nghiệp lẫn niềm tin từ khán giả
Sẽ xử lý một vài trường hợp, có thể liên quan đến việc vi phạm quảng cáo theo quy chế mới nhằm định hướng và răn đe.

Đề cập đến việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Bộ Thông tin và Truyền thông (cũ) đều có các bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật và bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nhưng vẫn không xử lý được "vấn nạn" nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm trong quảng cáo, ông Lê Quang Tự Do cho biết, bộ Quy tắc ứng xử không phải quy định bắt buộc và kèm theo chế tài xử phạt. Vì thế, không thể xử lý ai theo bộ Quy tắc ứng xử.

“Tôi nghĩ, cần làm rõ thêm một số điểm để mọi người hiểu hơn về Bộ Quy tắc ứng xử. Như Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Xuân Bắc từng đã nêu, bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật được xây dựng trên cơ sở khuyến nghị từ Bộ Thông tin và Truyền thông, sau khi Bộ này ban hành bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội và khuyến khích các Bộ, ngành khác xây dựng quy tắc ứng xử riêng cho lĩnh vực mình quản lý. Bộ Quy tắc ứng xử này không phải quy định bắt buộc và kèm theo chế tài xử phạt. Cho nên, không thể xử lý ai theo bộ Quy tắc ứng xử”, ông Lê Quang Tự Do chia sẻ.

Theo Cục trưởng Lê Quang Tự Do, sau một thời gian ban hành bộ Quy tắc ứng xử, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy, nếu bộ Quy tắc ứng xử không kèm chế tài xử phạt thì sẽ không có tính răn đe, mà nếu kèm chế tài thì không thể gọi là bộ Quy tắc ứng xử được. Vì thế, giải pháp đưa ra là sẽ thể chế hóa các quy tắc thành các Nghị định. Vậy nên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thể chế hóa thành một số quy định từ một số nội dung trong bộ Quy tắc ứng xử nêu trên.

Cụ thể, một số nội dung trong bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đã được thể chế hóa thành một số quy định trong Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý Internet và thông tin trên mạng.

“Hiện nay, chúng tôi cũng đã đề xuất một số nội dung vào trong dự thảo của Luật Quảng cáo sửa đổi đang chuẩn bị trình Quốc hội ban hành vào tháng 5 tới đây. Sắp tới, Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng sẽ sửa đổi Nghị định 144/2020/NĐ-CP về các hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Như vậy, chúng ta mới có chế tài để xử phạt được.

Sắp tới, chúng tôi sẽ xử lý một vài trường hợp, có thể liên quan đến việc vi phạm quảng cáo theo quy chế mới nhằm định hướng và răn đe”, Cục trưởng Lê Quang Tự nói thêm. 

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục