Thứ ba, 22/04/2025
logo
Góc nhìn

Công nghệ sạc xe điện siêu nhanh: Thực tế hay chỉ là lời quảng cáo?

Hồng Phúc Thứ ba, 22/04/2025, 07:21 (GMT+7)

Trong cuộc đua công nghệ xe điện (EV), sạc siêu nhanh đang trở thành tâm điểm chú ý với những lời hứa hẹn đầy hấp dẫn. Tuy nhiên, thực tế sử dụng cho thấy nhiều rào cản khiến công nghệ này chưa thể đáp ứng kỳ vọng như quảng cáo.

Tại Trung Quốc, các nhà sản xuất ô tô điện đang đua nhau phát triển công nghệ siêu nạp, đưa công suất của các bộ sạc xe điện đạt trên 1.000kW (tương đương 1 MW). 

BYD mở màn với hệ thống Megawatt Flash Charger, đạt công suất 1.000 kW (1 MW), cho phép xe tăng phạm vi hoạt động 400 km chỉ trong 5 phút sạc. Không chịu thua kém, Zeekr giới thiệu bộ sạc 1.200 kW, hứa hẹn sạc từ 10% đến 80% trong chưa đầy 10 phút, trong khi Huawei tham vọng định hình lại ngành công nghiệp với bộ sạc 1.500 kW. 

Những con số này tạo nên làn sóng phấn khích, đặc biệt khi so sánh với các bộ sạc nhanh thông thường (50-150 kW) vốn cần 30-60 phút để sạc đầy. Tuy nhiên, công suất được đưa ra chỉ gây ấn tượng về mặt lý thuyết, còn trải nghiệm thực tế của người dùng thường không đạt được hiệu suất sạc tối đa như quảng cáo.

nganh-truyen-thong-thay-gi-tu-nhung-drama-trieu-view-cua-viruss-pham-thoai-7
Nhiều rào cản khiến công nghệ sạc xe điện siêu nhanh chưa thể đáp ứng kỳ vọng như quảng cáo.

Theo trang CarNewsChina, ngay cả những mẫu xe được quảng cáo sạc 80% trong 15 phút thường mất gần 30 phút hoặc hơn trong điều kiện thực tế. Nguyên nhân chủ yếu đến từ các yếu tố kỹ thuật. Để đạt công suất 1.000 kW, bộ sạc của BYD cần duy trì hiệu điện thế 1.000 V và dòng điện 1.000 A - điều kiện hiếm khi ổn định ngoài phòng thí nghiệm do giới hạn của lưới điện và thiết bị.

Hơn nữa, khi sạc ở công suất cao, hệ thống pin xe điện sẽ nóng lên nhanh chóng. Để tránh nguy cơ cháy nổ, hệ thống quản lý pin (BMS) sẽ tự động giảm tốc độ sạc, làm kéo dài thời gian chờ. Một người dùng Zeekr 001 tại Trung Quốc chia sẻ trên mạng xã hội rằng, dù trạm sạc hỗ trợ 600 kW, tốc độ thực tế chỉ đạt 300-400 kW khi pin bắt đầu nóng sau vài phút.

Bên cạnh đó, hạ tầng lưới điện cũng là một rào cản lớn. Các bộ sạc siêu nhanh đòi hỏi nguồn điện áp cao và ổn định, điều mà nhiều khu vực, kể cả các thành phố lớn, chưa thể đáp ứng.

Theo Bloomberg, lưới điện tại nhiều quốc gia châu Á và châu Âu chưa được nâng cấp để hỗ trợ các trạm sạc công suất trên 500 kW, khiến việc triển khai đại trà trở thành bài toán nan giải. Ví dụ, tại châu Âu, các trạm sạc công suất cao thường chỉ tập trung ở những khu vực có lưới điện hiện đại, trong khi các vùng nông thôn gần như không có cơ hội tiếp cận.

Ngoài ra, chi phí triển khai và vận hành cũng là một rào cản khác của công nghệ sạc siêu nhanh. Để đạt công suất trên 500 kW, các trạm sạc phải sử dụng cáp và hệ thống sạc làm mát bằng chất lỏng. Một bộ sạc như vậy có giá từ 80.000 đến 120.000 nhân dân tệ (khoảng 280-420 triệu đồng), gấp 3-5 lần so với bộ sạc làm mát bằng không khí thông thường. Chưa kể, các hệ thống này đòi hỏi thay thế chất làm mát định kỳ, làm tăng chi phí vận hành.

Theo Reuters, chi phí cao khiến nhiều nhà vận hành trạm sạc ngần ngại đầu tư, đặc biệt ở các thị trường đang phát triển nơi ngân sách hạn chế. Kết quả là các trạm sạc siêu nhanh chủ yếu xuất hiện ở các thành phố lớn hoặc khu vực triển lãm công nghệ, trong khi người dùng ở khu vực khác phải tiếp tục phụ thuộc vào các bộ sạc chậm hơn.

Có thể thấy, công nghệ sạc siêu nhanh đem tới những ưu điểm vượt trội nhưng những rào cản liên quan đến hạ tầng lưới điện, chi phí triển khai và vận hành vẫn là những bài toán khó cần giải.

 

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục