Đừng đợi biến cố mới lo xoay tiền, học cách lập quỹ tiết kiệm khẩn cấp này để giúp gia đình an tâm sống khỏe
Một quỹ tiết kiệm khẩn cấp là lớp “phao tài chính” bảo vệ gia đình bạn trước những tình huống bất ngờ, giúp bạn và người thân an tâm hơn trong mọi hoàn cảnh.
Quỹ tiết kiệm khẩn cấp là gì?
Hiểu đơn giản, quỹ tiết kiệm khẩn cấp là khoản tiền bạn dành riêng để ứng phó với những tình huống bất ngờ: mất việc, tai nạn, hư hỏng thiết bị gia đình, chi phí y tế hoặc các biến cố ảnh hưởng đến thu nhập. Đây là khoản tiết kiệm không dùng cho chi tiêu hàng ngày hay các khoản mua sắm định kỳ, mà chỉ nên được sử dụng khi thực sự cần thiết.
Ví dụ, nếu người vợ hoặc chồng bất ngờ mất việc, quỹ khẩn cấp sẽ giúp cả gia đình bạn vẫn có thể duy trì sinh hoạt trong vài tháng tới mà không phải vay mượn hay bán tài sản.
Một quỹ khẩn cấp lý tưởng nên được tách biệt hoàn toàn với tài khoản chi tiêu thông thường và được gửi vào nơi có lãi suất hợp lý nhưng vẫn có thể rút ra dễ dàng.

Bạn nên có bao nhiêu tiền trong quỹ tiết kiệm khẩn cấp?
Không có con số “chuẩn” cố định cho mọi gia đình, vì điều này phụ thuộc vào mức sống, quy mô hộ gia đình, thu nhập và chi phí cố định hàng tháng. Tuy nhiên, nguyên tắc tài chính an toàn thường được các chuyên gia khuyến nghị như sau:
-
Tối thiểu: Đủ để chi trả chi phí sinh hoạt trong 3 tháng.
-
Lý tưởng: Đủ để duy trì cuộc sống gia đình trong 6 tháng hoặc hơn nữa.
Vậy “chi phí sinh hoạt” gồm những gì? Hãy cộng tất cả các khoản cần thiết cho mỗi gia đình như:
-
Tiền thuê nhà hoặc trả góp mua nhà
-
Hóa đơn điện, nước, internet
-
Ăn uống, đi lại, học hành của con cái
-
Chi phí bảo hiểm, thuốc men cơ bản
-
Những khoản trả góp cần thiết (nếu có)
Giả sử chi phí cần thiết mỗi tháng của gia đình bạn là 15 triệu đồng. Vậy bạn nên có ít nhất trong quỹ tiết kiệm:
-
3 tháng chi phí = 45 triệu đồng
-
6 tháng chi phí = 90 triệu đồng
Đây là con số mà bạn nên hướng tới, không cần phải có ngay lập tức. Quan trọng là bắt đầu tích lũy từng bước và càng sớm càng tốt.
Bạn nên xây dựng quỹ khẩn cấp như thế nào?
Khi mới nhìn con số hàng chục triệu đồng có thể khiến nhiều người e ngại, đặc biệt nếu thu nhập gia đình đang vừa đủ chi tiêu. Tuy nhiên, bạn có thể chia nhỏ ra từng tháng, từng bước giống như việc xây một căn nhà vững chắc từ những viên gạch đầu tiên.
Dưới đây là 3 bước đơn giản giúp bạn thiết lập quỹ tiết kiệm khẩn cấp ngay hôm nay:
Đánh giá khả năng tiết kiệm hàng tháng
Hãy mở bảng chi tiêu của gia đình và xem xét: Bạn có thể dành ra bao nhiêu tiền mỗi tháng mà không ảnh hưởng đến sinh hoạt cơ bản?Nếu con số còn nhỏ, bạn có thể:
-
Tạm dừng những bữa ăn ngoài không cần thiết
-
Hủy những dịch vụ online cần thanh toán hàng tháng ít dùng đến (như app xem phim, tạp chí điện tử...)
-
Tối ưu hóa hóa đơn điện, nước hoặc chọn nhà cung cấp rẻ hơn
Việc cắt giảm chi tiêu không cần quá khắt khe, hãy chọn cách phù hợp với lối sống gia đình bạn, miễn sao mỗi tháng có thể bắt đầu để dành từ 500.000 đến 2 triệu đồng.
Mở tài khoản riêng biệt cho quỹ tiết kiệm khẩn cấp
Tài khoản này chỉ dành cho quỹ khẩn cấp, không dùng chung với tiền sinh hoạt hoặc tiết kiệm mục tiêu (như mua xe, mua nhà). Ưu tiên các tài khoản:
-
Có lãi suất tốt
-
Truy cập dễ dàng khi cần thiết
-
Miễn phí hoặc chi phí duy trì thấp
Một số ngân hàng có tài khoản tiết kiệm linh hoạt, thậm chí tích lũy theo ngày, theo tuần tùy nhu cầu và bạn có thể tham khảo chúng.
Tự động hóa việc tiết kiệm
Hãy thiết lập chuyển khoản tự động mỗi tháng từ tài khoản lương vào tài khoản quỹ khẩn cấp, có thể thực hiện ngay sau ngày nhận lương. Việc này giúp bạn không phải “suy nghĩ” mỗi lần tiết kiệm, đồng thời đảm bảo khoản tiền không bị tiêu nhầm. Nếu cuối tháng còn dư, bạn có thể nạp thêm vào tài khoản này như một phần thưởng.

Sử dụng một tài khoản riêng biệt cho quỹ tiết kiệm khẩn cấp (Ảnh: Sưu tầm)
Mẹo tiết kiệm quỹ khẩn cấp
Dưới đây là những mẹo nhỏ nhưng rất hữu ích, giúp hành trình xây dựng quỹ tiết kiệm khẩn cấp của gia đình bạn nhẹ nhàng và hiệu quả hơn!
Bắt đầu nhỏ, duy trì đều đặn
Đừng chờ đến khi có dư vài chục triệu mới bắt đầu. Ngay cả 100.000 – 200.000 đồng mỗi tuần cũng có thể tạo nên khác biệt lớn sau một năm.
Coi đó là hóa đơn “cố định”
Hãy xem khoản tiết kiệm như hóa đơn tiền điện, tiền nước mỗi tháng cần đóng đúng hạn.
Tận dụng khoản tiền ngoài lương
Thưởng Tết, hoàn tiền mua sắm, tiền lì xì, lợi nhuận từ đầu tư nhỏ… tất cả đều là nguồn bổ sung quý báu cho quỹ tiết kiệm khẩn cấp.
Cập nhật mục tiêu thường xuyên
Sau mỗi năm, hãy xem lại mức chi tiêu của gia đình. Nếu chi phí tăng, bạn nên tăng mục tiêu tiết kiệm tương ứng.
Ưu tiên trả nợ lãi cao trước
Nếu bạn đang nợ thẻ tín dụng với lãi suất 25-30%/năm, hãy thanh toán nợ trước rồi mới tăng tốc quỹ khẩn cấp.
Bạn nên tiết kiệm quỹ khẩn cấp ở đâu?
Nơi lý tưởng để cất giữ quỹ khẩn cấp là tài khoản tiết kiệm truy cập tức thời (còn gọi là tài khoản tiết kiệm linh hoạt).Các lựa chọn phổ biến mà bạn có thể tham khảo như:
-
Tài khoản tiết kiệm online
-
Tài khoản có chế độ tiết kiệm tự động
-
Tài khoản linh hoạt hoặc "bán kỳ hạn"
Lưu ý rằng, hãy tránh gửi quỹ khẩn cấp vào tài khoản kỳ hạn cố định nếu bạn phải chịu phí rút trước hạn. Cũng không nên gửi vào tài sản đầu tư có rủi ro (như cổ phiếu, quỹ mở, tiền mã hóa) vì giá trị có thể biến động mạnh.