Thứ sáu, 18/04/2025
logo
Tiêu dùng thông minh

Mẹ đảm Bắc Giang chia sẻ bí quyết sống nhàn với 7 thói quen làm chủ đồng tiền, giúp các gia đình trẻ thoát cảnh 'viêm màng túi'

Thanh Hoa Thứ tư, 16/04/2025, 07:18 (GMT+7)

Từng chật vật cân đối chi tiêu khi sinh con đầu lòng, chị Khánh Linh bắt đầu thay đổi và dần hình thành 7 thói quen tài chính giúp gia đình thoát cảnh thiếu thốn hàng tháng.

Nhà ở 'vừa túi tiền' ngày càng xa vời với người trẻ đô thị?

Học cách chi tiêu thông minh từ đôi vợ chồng trẻ: Lương 25 triệu/tháng vẫn vững vàng mua nhà Hà Nội

Bật mí 5 mẹo 'nhỏ nhưng có võ' giúp lập ngân sách chi tiêu hiệu quả, ai cũng nên biết để tránh tiêu dùng quá mức

Trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao, nhiều gia đình trẻ tại thành thị đang đối mặt với bài toán “cuối tháng ăn mì gói” dù cả hai vợ chồng đều có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, không ít người đã tìm được cách tháo gỡ, bằng chính những thói quen nhỏ nhưng mang lại thay đổi lớn trong quản lý tài chính.

Gia đình chị Nguyễn Khánh Linh (29 tuổi, bác sĩ, sinh sống và làm việc tại thành phố Bắc Giang), từng chật vật với việc cân đối thu chi sau khi sinh con đầu lòng. Chị cho biết, cả gia đình từng liên tục rơi vào tình trạng “viêm màng túi” dù thu nhập hai vợ chồng gộp lại hơn 30 triệu đồng/tháng.

“Có tháng vừa lãnh lương là hết ngay trong 2 tuần đầu. Những khoản nhỏ như bỉm sữa, đồ chơi cho bé, mua sắm online... cứ thế góp lại thành khoản lớn mà không hay. Nhiều lần phải phụ thuộc hai bên gia đình nội ngoại và người thân, chúng tôi mới thực sự nghiêm túc nhìn lại cách mình tiêu tiền”, chị Linh nói.

Từ những lo lắng ban đầu, vợ chồng chị Linh bắt đầu tập thay đổi kế hoạch chi tiêu để “thoát nghèo tinh thần” và an tâm hơn về tương lai. Trong đó, gia đình đã cùng thực hiện 7 thói quen tài chính dưới đây!

480359676_3974824112768484_5843468157432487067_n-0955
Vợ chồng chị Linh áp dụng 7 thói quen chi tiêu thông minh hàng tháng cho gia đình.

Ghi chép chi tiêu mỗi ngày

Chị Linh cho biết: “Tôi dùng ứng dụng thông minh trên điện thoại để ghi lại từng khoản chi, thậm chí là 5.000 đồng gửi xe hay 15.000 đồng mua ly sữa đậu. Sau một tháng, tôi thống kê được gia đình chi gần 2,5 triệu chỉ cho các khoản lặt vặt – tương đương gần 10% tổng thu nhập".

Việc ghi lại chi tiêu không chỉ giúp các gia đình biết tiền “đi đâu về đâu”, mà còn là cơ sở để cắt giảm những khoản không cần thiết.

Lập kế hoạch tài chính đầu tháng

Mỗi đầu tháng, vợ chồng chị Linh cùng lập kế hoạch tài chính với bảng phân bổ thu nhập theo nguyên tắc 5 phần:

  • 50% cho nhu cầu thiết yếu (nhà cửa, ăn uống…)

  • 20% tiết kiệm

  • 10% giáo dục

  • 10% hưởng thụ

  • 10% quỹ dự phòng

“Áp dụng công thức ở trên không khó như tôi tưởng. Điều quan trọng là mình luôn biết giới hạn để không tiêu vượt khung”, chị Linh chia sẻ.

Tiết kiệm trước khi chi tiêu

Thay vì đợi cuối tháng “dư thì để dành”, chị Linh và chồng chọn cách chuyển ngay 20% thu nhập vào tài khoản tiết kiệm có kỳ hạn ngay khi vừa nhận lương.

Thói quen này giúp họ tạo được một quỹ tiết kiệm để dự phòng. Điều này rất cần thiết trong giai đoạn gia đình có con nhỏ hoặc những lúc ốm đau, công việc không ổn định.

Mua sắm theo danh sách, hạn chế chi tiêu cảm xúc

Trước đây, như nhiều người, chị Linh sẵn sàng mua thêm sản phẩm khi thấy khuyến mãi, ngay cả khi không thực sự cần. Tuy nhiên, sau này chị nhận ra điều này có thể khiến bản thân trở nên tiêu xài hoang phí hơn.

Ở thời điểm hiện tại, trước mỗi lần đi siêu thị hay lướt ứng dụng mua hàng, chị Linh đều lập danh sách cụ thể với ba nhóm:

  • Nhóm cần thiết (bỉm, sữa, gạo…)

  • Nhóm có thể tạm hoãn (đồ chơi, đồ dùng trang trí…)

  • Nhóm không cần thiết (mua vì khuyến mãi)

“Khi có danh sách trong tay, mình kiềm chế tốt hơn rất nhiều. Giảm ít nhất 20 đến 30% hóa đơn mỗi tháng”, chị nói.

Đầu tư cho bản thân kiến thức tài chính

“Tôi từng nghĩ đầu tư tài chính là việc của người có nhiều tiền. Nhưng sau khi tìm hiểu, tôi nhận ra, việc có kiến thức sẽ giúp mình quản lý chi tiêu dễ dàng hơn nhiều”, chị Linh cho biết.

Từ việc tìm tòi, nghiên cứu, vợ chồng chị đã biết cách chia tiền vào các ví mục tiêu khác nhau như: quỹ du lịch, quỹ học cho con, quỹ khẩn cấp đủ chi tiêu từ 3 - 6 tháng...

Tài chính là chuyện của cả nhà

Chị Linh cho rằng, không nên để một người “ôm” hết việc quản lý tài chính, vì sẽ dễ gây áp lực, mâu thuẫn hoặc bỏ sót kế hoạch.

Vợ chồng chị hiện cùng theo dõi một bảng Google Sheet được cập nhật hàng tuần. Mọi khoản chi trên 500.000 đồng đều được bàn bạc trước. Con trai nhỏ năm nay 3 tuổi của anh chị cũng đã được hướng dẫn giữ tiền mừng tuổi vào ống heo riêng.

Định kỳ “kiểm toán” gia đình

Mỗi cuối tháng, vợ chồng chị Linh lại thực hiện thói quen tài chính rà soát lại các khoản chi tiêu, cập nhật quỹ tiết kiệm và lập kế hoạch cho tháng tới.

“Nhờ điều này, vợ chồng mình chủ động được trong chi tiêu. Ví dụ, tháng sau có đám cưới bạn thân hay sinh nhật con thì mình chuẩn bị trước, không bị động như trước”, chị Linh cho hay.

7 thói quen tài chính ở trên mà chị Linh chia sẻ tuy không mới song lại rất thiết thực với các gia đình trẻ. Trong thời đại vật giá leo thang, kiểm soát tài chính không chỉ là chuyện giữ ví mà còn là cách để giữ sự bình an cho gia đình.

“Tôi từng thấy tiền là nỗi lo. Song ở hiện tại, tôi thấy nó là công cụ giúp gia đình mình sống thoải mái, tự tin hơn và chuẩn bị tốt cho con cái sau này”, chị Linh chia sẻ.

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục