Thứ sáu, 21/04/2023, 06:52 (GMT+7)

Cây hoa bằng lăng tím ở Bình Thuận 'đốn tim' du khách thập phương

Thu Trang (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Cây hoa bằng lăng tím ở Bình Thuận được cộng đồng mạng đánh giá là cây đẹp nhất Việt Nam vì tán đều như chiếc ô, hoa dày nhuộm tím cả vùng trời. Cây bung hoa tím đẹp lạ thường, thu hút đông người dân địa phương và du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh mỗi ngày.

Cây hoa bằng lăng tím ở đâu?

Cây hoa bằng lăng được các bạn trẻ đặt cho biệt danh “cây bằng lăng đẹp nhất Việt Nam” thuộc thôn Liêm Thái, xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Cây khá to, có chiều cao trên 4m và tán rộng, đẹp nhất so với các cây khác trong khu vực này. Cứ đến mùa hoa nở, hàng trăm ngàn người dân và du khách du lịch khắp nơi đều đến đây để chiêm ngưỡng và lưu lại những bức ảnh tuyệt đẹp.

Bằng lăng là một loài thực vật có nguồn gốc từ Ấn Độ, Đông Nam Á và một số đất nước khác có khí hậu nhiệt đới.

cay-hoa-bang-lang-tim-tiep-thi-gia-dinh-1
Cây hoa bằng lăng thuộc thôn Liêm Thái, xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: sưu tầm

Cách di chuyển đến cây hoa bằng lăng tím ở Bình Thuận

Khoảng giữa tháng 5 dương lịch, đi dọc từ Phan Thiết theo tuyến quốc lộ 1A đoạn xã Hồng Liêm, du khách sẽ nhìn thấy những cây hoa bằng lăng tím ở Bình Thuận nở rộ dọc hai bên đường. Một khung trời tím trông thật đẹp mắt thu hút ánh nhìn của những lữ khách đi xe ngang qua đây.

Trong số đó, cây hoa bằng lăng của nhà ông Võ Văn Ban ở thôn Liêm Thái, xã Hồng Liêm được nhiều hành khách đi ngang ghé lại chiêm ngưỡng và chụp ảnh. Du khách đi xe từ thành phố Phan Thiết ra qua cầu Bằng Lăng một đoạn cách thành phố Phan Thiết khoảng 20km, nhìn phía bên trái là thấy cây bằng lăng nhuộm tím cả một góc sân.

cay-hoa-bang-lang-tim-tiep-thi-gia-dinh-2
Một khung trời tím thu hút ánh nhìn của những lữ khách đi xe ngang qua đây. Nguồn: Đi đâu vui

Thời điểm lý tưởng để đến cây bằng lăng tím Bình Thuận

Cây hoa bằng lăng tím ở Bình Thuận ra nụ non vào đầu tháng 5 và sẽ nở rộ, khoe sắc tím rực rỡ bao phủ cả tán cây vào giữa cuối tháng 5. Đây được coi là thời điểm lý tưởng để người dân địa phương các nơi của Bình Thuận và du khách thập phương chụp những bộ ảnh lung linh dưới tán hoa bằng lăng siêu đẹp này.

cay-hoa-bang-lang-tim-tiep-thi-gia-dinh-3
Tháng 5 là thời điểm lý tưởng để chụp những bộ ảnh lung linh dưới tán hoa bằng lăng siêu đẹp này. Ảnh: sưu tầm

Điểm đặc biệt của cây hoa bằng lăng tím Bình Thuận

Cây bằng lăng này xòe tán rộng tròn rất đẹp và hoa nở rộ đều từ trên ngọn đến tận phía dưới tán cây khiến ai đi ngang cũng phải ngắm nhìn. Những cánh hoa màu tím, trắng đan xen rực rỡ khiến người xem hoa như ngất ngây bởi vẻ đẹp của nó. Mỗi ngày có hàng chục xe ô tô dừng lại trầm trồ xin chụp hình. Người dân Phan Thiết và du khách đến Mũi Né thường thuê xe Jeep đến tận nơi ngắm cho thỏa thích. 

cay-hoa-bang-lang-tim-tiep-thi-gia-dinh-4
Những cánh hoa màu tím, trắng đan xen rực rỡ khiến người xem hoa như ngất ngây bởi vẻ đẹp của nó. Nguồn: VnExpress

Cây được mệnh danh cây hoa bằng lăng đẹp nhất Bình Thuận bởi đây là giống cây to cao và tán rộng, nở hoa đẹp nhất so với các cây khác trong khu vực này. Nét đặc biệt của cây bằng lăng này là hoa nở đều cùng một lúc với mật độ dày đặc mà ít cây bằng lăng nào trong vùng và trên cả nước sánh bằng. Mỗi nụ hoa bằng lăng nở ra 6 cánh màu tím, nhụy điểm vàng ở giữa, toát lên vẻ đẹp dịu dàng.

cay-hoa-bang-lang-tim-tiep-thi-gia-dinh-5
Nét đặc biệt của cây bằng lăng này là hoa nở đều cùng một lúc với mật độ dày đặc. Nguồn: iVIVU.com

Chủ nhân của cây bằng lăng nổi tiếng này cho biết đây là giống bằng lăng vỏ ổi bản địa, được lấy trên khu rừng cách nhà gần 2 km, mang về trồng trước ngõ cách đây 24 năm. Lúc mới trồng, cây cao khoảng 1,5m; nay nó cao khoảng 4m, phủ tán rộng, như một cây nấm. Gốc bằng lăng có tất cả 6 thân cây, có sức sống mãnh liệt nhờ được chăm sóc cẩn thận, tưới nước dưỡng sức vào mùa nắng, mỗi năm bón hai lần phân NPK: lúc cây chuẩn bị ra chồi non và một lần cây sắp ra hoa.

Và một điều đặc biệt là chủ nhà không thu bất kỳ chi phí nào khi đến đây chụp ảnh với cây hoa bằng lăng. Chính vì vậy, du khách có thể tự do vào sân chụp ảnh cây bằng lăng ở nhiều góc độ để có một bức ảnh tỏa sáng và ưng ý nhất. 

Một số góc check-in đẹp bên cây hoa bằng lăng tím ở Bình Thuận:

cay-hoa-bang-lang-tim-tiep-thi-gia-dinh-6
cay-hoa-bang-lang-tim-tiep-thi-gia-dinh-7
cay-hoa-bang-lang-tim-tiep-thi-gia-dinh-8

Được biết, hoa bằng lăng tím được cho là loài hoa tượng trưng cho sự thủy chung, thơ ngây, trong sáng của tuổi học trò; mối tình học trò ấy lúc nào cũng đẹp mà mỗi khi nhớ về ắt hẳn ai cũng mỉm cười, trân quý kỷ niệm thời xa xưa,...

Một số địa điểm du lịch gần cây hoa bằng lăng tím Bình Thuận

Chùa Bà Thiên Hậu tại huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận

Chùa Bà Thiên Hậu do những người thương gia người Hoa xây dựng tại Phú Hài. Căn cứ vào Thiên Hậu cung phả ghi chép: Những thương gia người Hoa sang Việt Nam giao thương thường vận chuyển hàng hóa bằng đường biển và ghé vào các cửa biển để lên các chợ ven sông buôn bán. Tại Phan Thiết, các thương gia thường ghé vào biển Phú Hài đến chợ Dinh. Hầu hết, các thương gia buôn bán đều lập trang thờ bà Thiên Hậu trên ghe để được bà phù hộ bình an.

cay-hoa-bang-lang-tim-tiep-thi-gia-dinh-9
Chùa Bà Thiên Hậu do những người thương gia người Hoa xây dựng tại Phú Hài. Nguồn: Báo Bình Thuận

Hồ Đa Mi - địa điểm du lịch gần cây hoa bằng lăng tím

Đa Mi - Hàm Thuận là 2 hồ thủy điện trên sông La Ngà, chảy qua địa phận huyện Thuận Bắc Bắc, tỉnh Bình Thuận, cách Phan Thiết hơn 60km. Đây là vùng rừng núi còn nét hoang vu, dân cư khá thưa thớt. Nếu có dịp đến đây, du khách sẽ thấy hồ nước mênh mông, phẳng lặng, bao bọc chung quanh bởi những dãy núi nhấp nhô với một màu xanh biếc. Đa Mi có nghĩa là Đạ Mí. Theo tiếng đồng bào K’ho, Raglay, Châu Ro... ở Nam Tây Nguyên, Đạ nghĩa là nơi có nước, có sông. Mí là tên riêng. Đồng bào gọi sông La Ngà là Đạ La Ngà. Cuối tuần, tạm rời xa thành phố với những xô bồ, náo nhiệt, hãy cùng bạn bè làm một chuyến khám phá những ngọn thác còn hoang sơ của núi rừng Đa Mi này nhé. 

cay-hoa-bang-lang-tim-tiep-thi-gia-dinh-10
Du khách sẽ được chiêm ngưỡng hồ nước mênh mông, phẳng lặng, bao bọc chung quanh bởi những dãy núi nhấp nhô với một màu xanh biếc khi đến đây. Ảnh: sưu tầm

Thác 9 tầng tại huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận

Từ Ủy ban nhân dân xã Đa Mi muốn lên thác 9 tầng, du khách phải đi bộ khoảng 7 cây số. Đường đi là dốc đứng với những tảng đá to như những cây nấm khổng lồ nhô lên khiến cho bạn đi bộ nhưng có cảm giác như mình đang đánh võng. Hai bên đường là rừng cây rậm rạp với đủ loài hoa dại tỏa hương ngào ngạt. Thỉnh thoảng, bạn sẽ không thể cầm lòng, bỏ qua một nhánh lan rừng đang sực nức mùi thơm. 

Nơi đây được gọi là thác 9 tầng vì thác này nằm sâu trong rừng cây bạt ngàn, có 9 tầng như ruộng bậc thang. Thác không cao lắm, đỉnh cao nhất chưa ai đo được nhưng trên đỉnh thác có rất nhiều gỗ quý.

cay-hoa-bang-lang-tim-tiep-thi-gia-dinh-11
Nơi đây được gọi là thác 9 tầng vì thác này nằm sâu trong rừng cây bạt ngàn, có 9 tầng như ruộng bậc thang. Ảnh: sưu tầm

Rừng hoa bằng lăng tím ở Núi Tàu - Tuy Phong 

Nếu bạn muốn chụp ảnh với một cánh rừng bạt ngàn hoa bằng lăng tím thì không thể bỏ lỡ nơi đây. Hoa bằng lăng ở núi Tàu Tuy Phong thường nở rộ vào tháng 5 âm lịch khi trời bắt đầu nhiều mưa và kéo dài đến tháng 9 âm lịch.

Từ thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong, bạn di chuyển theo hướng quốc lộ 1A về Phan Rang. Đi qua cầu Đại Hòa hướng ra Vĩnh Hảo khoảng 500m, nhìn 2 bên đường hướng về phía núi (Núi Tàu và Núi Đất), du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi những mảng núi rừng được phủ bởi sắc tím bằng lăng đẹp đến nao lòng.

Nếu men theo con đường từ ngã 4 Liên Hương vào xã Phú Lạc, Phong Phú, du khách sẽ càng không thể rời mắt bởi sắc tím mọc dại ven đường nhiều vô kể. Nhiều gốc bằng lăng chen nhau nở rộ, những cụm hoa màu tím biếc phủ kín cả góc đồi tạo thành 1 mảng tím thơ mộng, đẹp mắt khiến nhiều du khách tìm đến chụp hình, thưởng ngoạn.

Hương thơm, những cánh hoa dịu dàng, đằm thắm cùng bầy ong, đàn bướm quanh quẩn bên cây bằng lăng, khiến du khách không khỏi chút ngỡ ngàng. Những bức hình đẹp mắt, ấn tượng được lưu lại bên đồi hoa bằng lăng tím thơ mộng. Xen lẫn giữa những đồi sắc tím là sắc hoa bằng lăng màu đậm, trắng, hồng và đỏ vô cùng đẹp mắt. 

cay-hoa-bang-lang-tim-tiep-thi-gia-dinh-12
Hoa bằng lăng ở núi Tàu - Tuy Phong thường nở rộ vào tháng 5 âm lịch khi trời bắt đầu nhiều mưa. Ảnh: sưu tầm

Các đặc sản không thể bỏ qua khi đến Bình Thuận

Lòng heo bánh hỏi Phú Long

Đến Bình Thuận, cụ thể là thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc, du khách sẽ bất ngờ với sự kết hợp không giống ở đâu giữa bánh hỏi và lòng lợn. Để tạo thành món ăn đặc trưng này, người đầu bếp phải rất kỳ công trong hàng loạt khâu chế biến bánh hỏi, cách luộc lòng đến tỷ lệ cân đối giữa các thành phần trong chén mắm me ăn kèm.

Một đĩa lòng heo dù lớn hay nhỏ đều phải có đầy đủ: tim, gan, cật, phèo non và thịt ba chỉ. Riêng bánh tráng mỏng phải lau sạch từng cái, cắt miếng và phơi sương hoặc ủ lá để tạo độ dẻo dai.

cay-hoa-bang-lang-tim-tiep-thi-gia-dinh-13
Lòng heo bánh hỏi Phú Long là món ăn không thể bỏ lỡ khi đến Bình Thuận. Ảnh: sưu tầm

Bánh căn

Lúc đầu, bánh có tên là “bánh căng”, do khi chín bánh căng phồng, giòn đều ở mặt dưới, xốp mịn ở mặt trên. Về sau, do ngữ điệu của địa phương khiến tên bánh có chút thay đổi và được dùng với cái tên “bánh căn”.

Nguyên liệu để làm bánh căn là gạo tẻ ngâm nước khoảng từ 6 đến 8 tiếng rồi đem xay thành bột loãng. Để bánh có độ xốp và tơi, trước khi đem xay cho vào chút ít cơm nguội. Khi pha bột cũng cần chú ý lượng nước vừa đủ để bánh đạt được độ giòn như ý, tránh bột quá đặc hoặc quá loãng. Người đổ bánh cũng cần có kinh nghiệm làm sao bánh khi ra khỏi khuôn phải vừa giòn, vừa xốp lại vừa dẻo, vỏ bánh phải có màu trắng vàng nhưng không bị cháy khét, có như thế món bánh mới đạt yêu cầu.

cay-hoa-bang-lang-tim-tiep-thi-gia-dinh-14
Nguyên liệu để làm bánh căn là gạo tẻ ngâm nước khoảng từ 6 đến 8 tiếng rồi đem xay thành bột loãng. Ảnh: sưu tầm

Bánh tráng mắm ruốc

Bánh tráng nướng ở đây được làm theo đúng phong cách Bình Thuận nên có hương vị đặc trưng mộc mạc, đậm mùi mắm ruốc, cắn một miếng bánh tráng, bạn sẽ thấy thấm đẫm hương vị biển cả ở trong đó.

Từ những nguyên liệu dân dã dễ kiếm như: thịt nạc xay, tôm khô, hành lá, trứng cút, bơ, đồ muối chua, rau răm, thêm chút mắm ruốc cuộn đều cùng nhau trong miếng bánh tráng rồi đem nướng thơm lên. Bánh tráng để làm nhất định phải là bánh tráng mè loại dày, mắm ruốc phải là mắm ruốc Bình Thuận chính gốc mới cho ra được món ăn chuẩn vị.

cay-hoa-bang-lang-tim-tiep-thi-gia-dinh-15
Bánh tráng nướng Bình Thuận có hương vị đặc trưng mộc mạc, đậm mùi mắm ruốc. Ảnh: sưu tầm
Cùng chuyên mục