Thứ ba, 23/05/2023, 06:00 (GMT+7)

Cảnh giác với bác sỹ, lương y 'dởm' tư vấn và bán thuốc chữa bệnh

Thanh Hoa (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Thuốc chữa bệnh được quảng cáo từ người tự xưng bác sỹ, lương y có thể là hành vi lừa đảo. Người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác để tránh tiền mất, tật mang.

Hiện nay, có rất nhiều video tư vấn bệnh lý, quảng cáo sản phẩm y tế từ các "lương y tự xưng" hay người tự nhận là bệnh nhân giới thiệu về công dụng "thần thánh" của thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, người xem cần tỉnh táo bởi việc nhân viên y tế, bác sĩ không được phép tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Việc tin theo các nội dung quảng cáo sai sự thật sẽ khiến người tiêu dùng tổn thất về kinh tế và ảnh hưởng đến sức khỏe. 

thuoc-chua-benh
Việc tin theo các quảng cáo sai sự thật khiến người tiêu dùng "tiền mất, tật mang"

Tại Khoản 2, Điều 27, Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Luật An toàn thực phẩm quy định: "Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm".

Như vậy, việc người hành nghề y bác sĩ sẽ vi phạm pháp luật nếu tự ý tham gia quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng.

Thời gian gần đây, Cục An toàn thực phẩm đã đưa ra các cảnh báo về những điều cần lưu khi khi sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng, bao gồm:

  • Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh
  • Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời
  • Người dân có thể tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ trước khi quyết định chọn mua sản phẩm
  • Người dân cần đọc kỹ nhãn sản phẩm, xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe; chọn mua các sản phẩm có ghi rõ ràng tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm; mua sản phẩm phải có hóa đơn, đơn hàng để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hoá giữa hai bên.

Liên quan đến vụ việc, bác sỹ Phan Hướng Dương - Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương từng bị người lạ giả mạo tài khoản facebook cá nhân để quảng cáo thuốc chữa bệnh đái tháo đường. Bác sỹ Dương đã đưa ra lời khuyên đến người dân phải cẩn trọng trước các thông tin sai lệch để tránh bị lừa đảo bởi những kẻ xấu.

Mới đây, bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng nhận được một đoạn video có âm thanh và ký tự mạo danh bác sỹ của bệnh viện và giới thiệu cuốn sách "Minh triết trong ăn uống của người phương Đông". Cụ thể, nhân vật trong clip cho rằng cuốn sách là thứ có thể chữa bệnh cho con người thay vì các phương pháp y học hiện đại. Nghiêm trọng hơn, một số cá nhân đã chia sẻ video này để truyền bá việc bác sỹ Quân y 108 khẳng định khi áp dụng "liệu pháp chữa lành tự nhiên" là có thể "chữa bách bệnh" để dụ dỗ người dân mua thực phẩm chức năng.

Việc mạo danh, lấy thương hiệu bác sỹ để trục lợi, mua bán các loại thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng có thể làm mất uy tín của người thầy thuốc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dùng. Bởi vậy, người dân cần là người tiêu dùng thông thái, tìm hiểu kỹ về nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm, đồng thời cần báo cáo các trường hợp vi phạm với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.

Cùng chuyên mục