Thứ hai, 22/05/2023, 09:05 (GMT+7)

Quảng cáo TPCN Viên đại tràng Colmin có đang lừa dối người tiêu dùng?

PV (Theo Tiếp thị & Gia đình)

TPCN Viên đại tràng Colmin của Công ty Cổ phần Dược phẩm Fansipan được quảng cáo gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh và có dấu hiệu vi phạm quy định của Luật Quảng cáo.

Nhiều năm gần đây, xu hướng sử dụng thực phẩm chức năng để chăm lo cho sức khoẻ đã trở thành một hướng đi mới phổ biến trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng, số người sử dụng thực phẩm chức năng tại Việt Nam ngày càng tăng, chiếm đến 1/5 dân số.

Ngành thực phẩm chức năng tại Việt Nam đang trên đà phát triển nhanh chóng với tốc độ đáng kinh ngạc, trở thành một mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp lớn nhỏ cùng nhau khai thác. Tuy nhiên, chính sự phát triển này kéo theo nhiều hệ luỵ, trong đó có vấn nạn một số doanh nghiệp “tung chiêu” quảng cáo sai sự thật, gây hiểu nhầm TPCN như thuốc chữa bệnh nhằm lừa dối người tiêu dùng.

Điển hình là sản phẩm TPCN Viên đại tràng Colmin được đăng ký công bố ngày 4/9/2018, do Nhà máy Công ty Cổ phần Dược phẩm Quốc tế Dolexphar đặt tại Hải Dương sản xuất. Người chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm là bà Nguyễn Thị Tú, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Fansipan, mã số thuế 0106569501. 

Công ty Cổ phần Dược phẩm Fansipan cho biết, Viên đại tràng ColMin được bào chế từ cao định chuẩn của 3 loại thảo dược là: Nhũ hương, Xuyên tâm liên và Nghệ vàng trên dây truyền hiện đại đạt chuẩn GMP và được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận về ATTP đảm bảo chất lượng, an toàn và không gây tác dụng phụ. Sản phẩm ra đời hướng tới công dụng hỗ trợ người bị viêm đại tràng, có biểu hiện đau bụng, đi ngoài phân sống… 

vien dai trang colmin
TPCN Viên đại tràng Colmin

Thế nhưng, tại các đường link website http://viendaitrangcolmin.com/gioi-thieu-san-pham-htm/; http://viendaitrangcolmin.com/Danh-muc/chuyen-gia-giai-dap-vien-dai-trang-colmin-co-gi-dac-biet/ và trên các trang mạng xã hội như https://www.facebook.com/profile.php?id=100065471589570; https://www.facebook.com/viendaitrangColmin quảng cáo TPCN Viên đại tràng Colmin lại được "phù phép" giống như một loại thuốc, sử dụng hình ảnh bác sĩ sai mục đích, có dấu hiệu lừa dối người mua.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, nghiêm cấm các đơn vị quảng cáo TPCN có thể gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc chữa bệnh hoặc dùng từ “chữa khỏi”, “điều trị”, “thoát khỏi”… để nói về tác dụng của TPCN. Đồng thời, cấm quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một”... hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nội dung quảng cáo không được sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế.

Thế nhưng, theo ghi nhận của PV Tạp chí Tiếp thị & Gia đình, tại các địa chỉ website trên quảng cáo Viên dạ dày Colmin đang sử dụng những từ ngữ: “Tại sao Viên đại tràng ColMin có thể hỗ trợ điều trị dứt điểm viêm đại tràng?”, “giải pháp mới nhất”, “sản phẩm duy nhất”... Đồng thời, quảng cáo Viên đại tràng Colmin tại website viết nội dung hạ thấp thuốc tây, kháng sinh - gọi sản phẩm là Đông y và khẳng định hỗ trợ “dứt điểm” viêm đại tràng, bệnh đại tràng chức năng. 

Vien dai trang colmin
Nội dung quảng cáo Viên đại tràng Colmin trên website công ty

Tại hình ảnh quảng cáo công khai ngày 6/4/2023 trên website http://viendaitrangcolmin.com/, công ty này cũng sử dụng hình ảnh các báo, đài lớn nói về tác dụng của sản phẩm với các cụm từ “dứt điểm các triệu chứng do viêm đại tràng/ dùng 1 lộ khỏe tới già”... Để tăng tính thuyết phục cho khách hàng, trong một số đoạn video quảng cáo Viên đại tràng Colmin ngày 6/4 xuất hiện hình ảnh Ths. Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn - Nguyên Chủ nhiệm Khoa Y học Cổ truyền (A10), Bệnh viện Trung Ương Quân đội 108 và Tiến sĩ. Bác sĩ Dương Trọng Hiền - Trưởng khoa Phẫu thuật Cấp cứu bụng - Bệnh viện Việt Đức.

Dù đoạn video này được sử dụng trên cả website và facebook để quảng cáo nhưng không xuất hiện khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” gây lầm tưởng cho khách hàng rằng sản phẩm của công ty là thuốc chữa bệnh về đại tràng. Không chỉ vậy, công ty này còn sử dụng hình ảnh bác sĩ Dương Trọng Hiền ở phần “để lại thông tin để được chuyên gia tư vấn”? 

quang cao vien dai trang colmin
Hình ảnh công ty sử dụng hình ảnh Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn và Tiến sĩ, Bác sĩ Dương Trọng Hiền quảng cáo cho Viên đại tràng Colmin

Trong vai người có nhu cầu sử dụng sản phẩm, PV để lại thông tin tư vấn thì được số điện thoại 0971.840.xxx tự xưng là chuyên gia bên công ty tư vấn dùng 1-2 lộ trình dựa trên những triệu chứng mà PV kể. Câu hỏi đặt ra ở đây là nữ chuyên gia gọi điện tư vấn cho khách hàng của Công ty Cổ phần Dược phẩm Fansipan là ai, chức danh chuyên môn là gì?

Liên quan đến vấn đề này, PV Tạp chí Tiếp thị Gia đình đã có buổi làm việc với ông Lưu Xuân Hải, Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Dược phẩm Fansipan. Theo đó, ông Hải xác nhận địa chỉ website http://viendaitrangcolmin.com/ là của công ty và toàn bộ nội dung quảng cáo tại đây đều do đơn vị này thực hiện.

Dù vậy, khi PV đề cập đến những thông tin về quảng cáo Viên đại tràng Colmin nói trên ông Hải liên tục trả lời “để xác minh lại”. Đại diện phía Công ty Cổ phần Dược phẩm Fansipan khẳng định, trên website của công ty không hề sử dụng hình ảnh Bác sĩ Dương Trọng Hiền ở phần để lại thông tin tư vấn. Tuy nhiên, khi phóng viên đưa ra hình ảnh chứng minh thì lại nhận được lời xác nhận “Bác sĩ Hiền không phải là tư vấn riêng của công ty”; việc sử dụng hình ảnh Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn và Bác sĩ Dương Trọng Hiền đều được cho phép và cả hai bác sĩ đều biết đến vấn đề này(?!).

Về vấn đề nữ chuyên gia tư vấn, ông Lưu Xuân Hải thông tin, đây là nữ nhân viên tiếp nhận của công ty, hướng dẫn khách hàng ra các nhà thuốc để mua sản phẩm. Tại buổi làm việc, ông Hải cung cấp cho PV Giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm số 5770/2018/ĐKSP; Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 01354/2018/ATTP-XNQC; Giấy chứng nhận đạt yêu cầu tiêu chuẩn ISO 22000:2005 và Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của Công ty cổ phần Dược phẩm Quốc tế Dolexphar (2 giấy chứng nhận đều hết hạn).

Nhằm đưa đến thông tin khách quan cho bạn đọc, PV Tạp chí Tiếp thị Gia đình tiếp tục liên hệ làm việc với Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn và Bác sĩ Dương Trọng Hiền về hình ảnh quảng cáo Viên đại tràng Colmin. Theo Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, hiện nay có rất nhiều trang mạng xã hội và các đơn vị đang cắt ghép sử dụng hình ảnh của bác sĩ để quảng cáo cho các loại thuốc, TPCN nhằm lừa dối người tiêu dùng và sản phẩm này là một trường hợp tương tự.

Về việc các công ty sử dụng hình ảnh mình để quảng cáo, Bác sĩ Hoàng Khánh toàn cho hay bản thân không hề biết. “Mục đích của các công ty thứ nhất là lấy hình ảnh bác sĩ để tăng sự uy tín, thứ hai là có một số dùng hình ảnh đó để quảng cáo TPCN có tác dụng như thuốc hoặc bán sản phẩm giả để lừa đảo khách hàng, thứ ba là lợi dụng hình ảnh sản phẩm để nâng giá sản phẩm/thuốc một cách tùy tiện” – Nguyên Chủ nhiệm Khoa Y học Cổ truyền (A10), Bệnh viện Trung Ương Quân đội 108 khẳng định.

Được biết, một hộp Viên đại tràng Colmin hiện được bán với giá là 250.000 đồng và một lộ/liệu trình là 6 hộp. Như vậy, nếu một khách hàng được tư vấn dùng từ 1-2 liệu trình sẽ tiêu tốn khoảng từ 1.500.000 – 3.000.000 đồng.

Với những hành vi nêu trên, liệu doanh nghiệp quảng cáo TPCN Viên đại tràng Colmin có đang vi phạm các quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng nói riêng và Luật Quảng cáo nói chung? Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Tạp chí Tiếp thị Gia đình đề nghị Cục An toàn thực phẩm và các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, kiểm tra để làm rõ những dấu hiệu vi phạm (nếu có) của đơn vị kinh doanh sản phẩm nêu trên.  

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Cùng chuyên mục