Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề xuất 7 định hướng để vùng ĐBSCL phát triển bền vững
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đề nghị các địa phương vùng ĐBSCL cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động gắn với Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo nhằm đạt được các mục tiêu, ý tưởng phát triển bền vững.
Chia sẻ tại Diễn đàn Mekong Connect 2024, ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm 13 địa phương, trong đó có 6 địa phương thuộc nhóm 30 địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số Đổi mới sáng tạo địa phương (PII) do Bộ KH&CN công bố năm 2023 là: Cần Thơ, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá, vùng ĐBSCL là vùng đất giàu tiềm năng với những cánh đồng lúa rộng lớn, hệ sinh thái thủy sản phong phú và nguồn lao động dồi dào, là trụ cột quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, ĐBSCL đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, sụt lún đất và áp lực cạnh tranh toàn cầu.
"Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng sự liên kết chặt chẽ giữa ĐBSCL và TP HCM - là trung tâm kinh tế, thương mại và công nghệ hàng đầu của cả nước, chính là chìa khóa để vượt qua các thách thức, tối ưu hóa nguồn lực và gia tăng giá trị cho vùng", Bộ trưởng cho biết.
Để đạt được các mục tiêu, ý tưởng phát triển bền vững, các địa phương vùng ĐBSCL cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động gắn với Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị các địa phương trong vùng cùng tập trung nghiên cứu 7 định hướng.
Một là chủ động nghiên cứu, đề xuất, tham mưu các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo theo hướng thí điểm các cơ chế mới, cơ chế đặc thù để triển khai các hoạt động theo chiều sâu nhằm giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của địa phương tương tự như Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/06/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.
Hai là tiếp tục triển khai các hoạt động xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại các địa phương trong vùng, gắn với các lĩnh vực khai thác tốt thế mạnh của vùng theo định hướng của Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đặc biệt là trong kinh tế biển, kinh tế tuần hoàn, kinh tế du lịch, thích ứng biến đổi khí hậu.
Ba là, thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới; Nghị quyết số 189/NQ-CP ngày 16/11/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Bộ KH&CN đang triển khai một số Chương trình có các hoạt động KHCN&MT phù hợp tỉnh An Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.
Bốn là đầu năm 2024, Bộ KH&CN đã bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 “KH&CN ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững vùng ĐBSCL”, mã số KC.15/21-30 và giao Giám đốc ĐHQG-HCM và Thứ trưởng Bộ TN&MT đồng Chủ nhiệm.
Năm là, vừa qua, Bộ KH&CN cũng đã tổ chức công bố và kêu gọi đề xuất các nhiệm vụ triển khai Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 về "Nghiên cứu KH&CN phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam", theo đó, các địa phương, trường/viện, các tổ chức KH&CN có thể tham gia đề xuất các đề tài, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN để góp phần đẩy nhanh mục tiêu phát triển bền vững của vùng.
Sáu là, để thúc đẩy kết nối, hợp tác phát triển vùng ĐBSCL với TP HCM và cả nước thì trước hết cần quan tâm đến đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, trong đó vấn đề nghiên cứu sử dụng các nguồn vật liệu thay thế nguồn tài nguyên vật liệu tự nhiên (cát, đá, sỏi, ...) đang dần cạn kiệt như sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón; xử lý cát mặn làm vật liệu xây dựng, giao thông đang là thách thức lớn đối với vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.
Bảy là, tăng cường liên kết vùng, nâng cao nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Huy động các viện, trường, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia giải quyết các vấn đề khó khăn của vùng.