3 bước giúp bạn có thể tiết kiệm một nửa thu nhập mỗi tháng
Tiết kiệm tiền và cân bằng chi tiêu luôn là điều mà bất cứ ai cũng phải làm để quản lý một cách hiệu quả nguồn thu nhập. Dưới đây là 3 bước phân bổ chi tiêu cực hiệu quả, giúp bạn có thể tiết kiệm đến hơn 50% thu nhập mỗi tháng.
Dành ra khoản tiền để chi trả các chi phí cần thiết
Nếu bạn đang là một nhân viên văn phòng hay là công nhân thì hầu hết bạn đều cảm thấy mệt mỏi sau mỗi ngày làm việc phải không? Và đương nhiên, sẽ rất bình thường nếu bạn có nhu cầu mua sắm tự thưởng cho bản thân và nghỉ ngơi thư giãn. Thế nhưng vì khoản tiền bạn kiếm được không phải dễ dàng nên việc cẩn thận trong thu xếp chi tiêu là điều dễ hiểu.
Vì vậy, khi nhận lương vào cuối tháng việc đầu tiên bạn phải làm là tính toán số tiền sẽ chi ra cho các chi phí cần thiết.
Theo Phụ nữ Việt Nam, số tiền phải chi bao gồm các chi phí cho việc ăn uống, nhà ở, đi lại, sinh hoạt. Công thức là:
Chi phí cần thiết = Tiền thuê nhà + nước/điện/internet/điện thoại di động + ăn uống + đi lại
Trong số đó, tiền thuê nhà, nước/điện/internet/điện thoại di động và đi lại thì tương đối cố định. Bạn chỉ cần kiểm tra lịch sử chi tiêu trong 3 tháng gần nhất, chi đều để lấy số tiền bình quân sẽ có con số chính xác.
Bạn chỉ nên tập trung sát sao vào chi phí ăn uống bởi nó có thể thay đổi dựa trên cách chi tiêu của bạn. Nếu ăn uống đơn giản thì đương nhiên chi phí sẽ thấp và ngược lại. Nên lưu ý rằng khoản tiền bạn bỏ ra cho việc này cần phải hợp lý để không quá ít cũng không quá nhiều, đủ để bạn thấy thoải mái với cuộc sống lâu dài.
Dành ra 1 khoản cho những chi tiêu không thiết yếu
Ngoài những khoản chi tiêu thiết yếu thì bạn còn đi chơi, mua quà, ăn uống một bữa thịnh soạn, mua sắm quần áo, giày dép mới. Những khoản tiêu dùng này cũng là một phần trong cuộc sống và chúng ta đặt cho nó một cái tên là chi tiêu không thiết yếu.
Những khoản này đôi khi là động lực và niềm vui để bạn cải thiện chất lượng cuộc sống. Phần chi không thiết yếu này linh động trong khả năng của bạn, nên có thể cố định ở mức 10% lương.
Khoản này không cần tính toán quá rạch ròi, chi tiết hàng tháng nhưng bạn chỉ cần quy định được tiêu trong khoảng bao nhiêu để cân đối là được. Nhưng điểm cần tuân thủ là tuyệt đối không được tăng ngân sách cho khoản này. Bởi chỉ cần thiếu tập tủng kiểm soát là sẽ vượt chi ngay lập tức.
Bên cạnh đó, khoản tiền này bạn nên dùng để học một kỹ năng, mua một cuốn sách hay , tham gia một lớp học để cải thiện bản thân. Nên hiểu rằng đầu tư vào bản thân thì những lợi ích đằng sau là không thể so sánh với bất kỳ điều gì khác.
Tiết kiệm số tiền còn lại
Cuối cùng, bạn cần tiết kiệm số tiền còn lại trong khoản thu nhập của mình. Trong cuộc sống, có thể có những rủi ro, sự kiện bất ngờ là điều không thể tránh khỏi và đa số nó sẽ gây tốn kém nhất cho bạn. Chẳng hạn như ốm đau, tai nạn, nghỉ việc... Ví dụ như hai năm trước, dịch bệnh đột ngột xuất hiện khiến nhiều người điêu đứng vì thu nhập bị gián đoạn.
Bởi vậy, đối với những người chưa có khoản tiền gửi đủ để đề phòng rủi ro thì cần phải tiết kiệm ngay lập tức. Khoản dự phòng dành cho bạn là tổng 3 đến 6 lần mức tiêu hàng tháng (bao gồm chi phí cần thiết + chi tiêu không thiết yếu).