Thứ bảy, 04/11/2023, 07:15 (GMT+7)

Ăn thịt gà hâm lại có gây ung thư không?

PV (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Thức ăn hâm lại thường phát sinh những chất không tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, khá nhiều người có thói quen ăn cơm nguội, thịt gà hâm lại, việc này có hại thế nào cho sức khỏe? Có gây ung thư không?

Hâm lại thịt gà thừa để ăn có gây ung thư không?

Theo TS. Lâm Văn Mân - Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển và Chuyển giao công nghệ Viện An toàn thực phẩm, việc cất thức ăn thừa vào tủ lạnh để hôm sau hâm nóng lại ăn là không nên. Trong thực phẩm thừa có nhiều vi sinh vật gây hại. Khi cho thức ăn thừa vào tủ lạnh, những vi sinh vật đó chỉ ngừng hoạt động. Đến khi lấy thức ăn ra hâm nóng lại cũng không thể tiêu diệt các vi khuẩn này và người ăn dễ nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao.

thit ga Tiepthigiadinh H1
Ăn đồ hâm lại sẽ không tốt cho sức khỏe, dễ gây ngộ độc thực phẩm

Về vấn đề ăn thịt gà hâm lại gây ung thư, PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh - nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định, không có bằng chứng khoa học nào về việc ăn thịt gà hâm lại gây ung thư.

Nitrit là hợp chất của nito được hình thành trong quá trình phân hủy hợp chất hữu cơ. Sau khi vào dạ dày, chất này có thể phản ứng dưới tác dụng của axit dạ dày để tạo thành chất nitrosamine gây ung thư.

Tuy nhiên, phản ứng này cần phải có điều kiện nhất định mới xảy ra, bởi không phải thực phẩm nào cũng chứa nitrit. Bệnh ung thư do rất nhiều nguyên nhân gây ra gồm, vật lý, hóa học và sinh học, không phải chỉ có tiêu thụ đồ thừa để qua đêm là mắc bệnh.

PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh cũng cho biết, thức ăn thừa nói chung và thịt gà nói riêng nếu bảo quản không tốt, khi để qua đêm sẽ bị vi sinh vật, nấm mốc, ăn vào dễ ngộ độc. Vi sinh vật không gây ung thư nhưng có thể gây ra độc tố, ngộ độc cấp, dẫn đến rối loạn hệ tiêu hóa như: đau bụng, nôn, đi ngoài, khó tiêu…

Ăn thịt gà thế nào để an toàn cho sức khỏe?

Hạn chế ăn một số bộ phận của gà

Da gà: Hàm lượng chất béo trong mô dưới da của gà rất cao, đến 46,1g/100g. Da gà cũng có hàm lượng cholesterol cao nên hạn chế ăn da gà.  

Cổ gà: Cổ gà là vị trí tập trung nhiều mạch máu và hạch bạch huyết. Hạch bạch huyết lại là nơi tập trung nhiều độc tố, có thể là các chất độc có trong quá trình chăn nuôi gà. Do đó, không nên ăn cổ gà.

Mề gà: Mề là một trong những bộ phận mà nhiều người thích ăn vì có độ giòn dai. Nhưng đây là bộ phận chứa nhiều vi khuẩn gây hại do là nơi tiêu hoá thức ăn của gà. Kể cả khi được xử lý kỹ bằng muối và nước sôi cũng không thể loại bỏ hết vi khuẩn ở mề gà.

thit ga Tiepthigiadinh H2
Nên bỏ phao câu trước khi chế biến thịt gà

Phao câu: Có câu “Nhất phao câu, nhì cổ cánh”, phao câu mềm, béo ngậy là bộ phận ưa thích của nhiều người. Tuy nhiên, phao câu là phần sau cùng của thân gà, tích tụ nhiều mỡ, tuyến bạch huyết nhất.

Phao câu còn có nốt nhỏ nhú lên, là nơi gà thường dùng mỏ lấy chất dịch béo ở đây để trau chuốt bộ lông bóng mượt và bảo vệ cơ thể không bị thấm nước. Đây cũng là nơi chứa túi xoang, chất dịch độc hại tồn đọng tại đây có nguy cơ gây ung thư nếu ăn quá nhiều và thường xuyên. Do đó, tuyệt đối không ăn phao câu gà.

Nấu chín kỹ thịt gà

Thịt gà là vật chủ tự nhiên của vi khuẩn salmonella. Bạn nên sơ chế sạch sẽ và chế biến thịt gà chín rồi mới ăn. Nếu không sẽ gây ra nguy cơ nhiễm khuẩn với triệu chứng như: sốt, tiêu chảy…

Các chuyên gia khuyên bạn nên chế biến thịt gà theo các cách thức đơn giản, dùng ít gia vị như hấp, luộc, xào, hầm. Hạn chế ăn các loại gà rán, gà chiên giòn, gà nướng. Thịt gà chế biến nhiệt độ cao tạo ra độ giòn và hương vị thơm ngon, đậm đà nhưng lại làm mất nhiều chất dinh dưỡng, kết hợp thêm chất béo từ dầu rán không tốt cho sức khỏe.

Không để thừa thịt gà đến bữa sau

Như đã nêu ở trên, bất cứ loại thức ăn nào để thừa lại cũng sản sinh ra vi khuẩn có hại cho cơ thể. Vì thế, nên nấu vừa đủ ăn cho cả gia đình, ăn hết trong ngày, tránh để thịt gà thừa lại bữa sau.

Trường hợp còn thịt gà thừa, sau khi ăn xong bạn nên đun lại thịt gà rồi để nguội, tiếp đó cất vào tủ lạnh và sử dụng hết trong 1 ngày, không để quá lâu. Lưu ý không để nguyên thịt gà thừa vào tủ lạnh, như vậy rất dễ gây ra hiện tượng nhiễm khuẩn.

Thịt gà chưa chế biến ngay cần được sơ chế sạch sẽ và bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh. Khi cần ăn thì mang ra rã đông. Không để thịt gà đã rã đông vào lại trong tủ đá.

Cùng chuyên mục