Ăn rau muống sống có thể gây hại: Những nguy cơ tiềm ẩn cần biết
Rau muống là loại thực phẩm quen thuộc trong mâm cơm của nhiều gia đình Việt. Tuy nhiên, không ít người lại có thói quen ăn rau muống sống – dùng làm nộm hoặc ăn kèm với các món gỏi cuốn – mà không lường hết được những nguy cơ sức khỏe đi kèm.
Xào rau muống bị thâm đen, chỉ cần thêm bước này rau giòn tan, xanh mướt, ngon hơn nhà hàng
Người đàn ông phát hiện cả ổ sán lá gan vì ăn món ăn 'khoái khẩu' của nhiều người Việt
Tác hại của ăn rau muống sống
Dinh dưỡng dồi dào nhưng không nên ăn sống
Không thể phủ nhận rằng rau muống là nguồn cung cấp phong phú các dưỡng chất như chất xơ, vitamin A, vitamin C, canxi, sắt và nhiều axit amin thiết yếu. Trong Đông y, loại rau này có đặc tính mát, vị ngọt nhẹ, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, hỗ trợ tiêu hóa và điều trị các chứng mụn nhọt, rôm sảy.

Tuy nhiên, việc ăn sống rau muống lại bị các chuyên gia y tế và dinh dưỡng khuyến cáo nên tránh, bởi nguy cơ tiềm ẩn nhiều vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe.
Nguy cơ nhiễm ký sinh trùng từ rau thủy sinh
Một trong những mối nguy lớn nhất khi ăn rau muống sống là khả năng nhiễm ký sinh trùng – đặc biệt là sán lá ruột lớn (Fasciolopsis buski). Loại sán này thường tồn tại ở các loại rau trồng trong môi trường nước như ao, hồ, sông, trong đó có rau muống. Khi ăn sống, trứng sán có thể đi vào cơ thể người và phát triển thành sán trưởng thành.
Biểu hiện ban đầu khi nhiễm sán có thể chỉ là đau bụng âm ỉ, tiêu chảy hoặc dị ứng. Nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sán có thể xâm nhập gan, túi mật và gây ra các biến chứng nguy hiểm như xơ gan, suy gan, thậm chí đe dọa tính mạng.
Nguy cơ ngộ độc từ rau trồng không an toàn
Một mối lo ngại khác là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Rau muống nếu được trồng trong môi trường ô nhiễm hoặc sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc trừ sâu không đúng quy chuẩn sẽ tích tụ các chất độc hại như kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… Việc ăn sống rau chưa qua xử lý kỹ càng đồng nghĩa với việc đưa trực tiếp các chất độc này vào cơ thể.
Theo cảnh báo của cơ quan chức năng, rau muống nằm trong nhóm những loại rau có nguy cơ cao về dư lượng hóa chất vượt mức cho phép. Nếu tiêu thụ trong thời gian dài, các chất độc này có thể gây ngộ độc mãn tính, dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như tổn thương gan, thận, hệ thần kinh...
Không phải ai cũng phù hợp với rau muống
Ngoài yếu tố an toàn vệ sinh, một số đối tượng cũng được khuyến cáo hạn chế hoặc không nên ăn rau muống, dù là chín. Cụ thể, người đang bị bệnh gout, cao huyết áp, viêm nhiễm đường tiết niệu do sỏi, người có tiền sử đau nhức xương khớp hoặc đang điều trị bệnh nội – ngoại khoa nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng loại rau này.
Ăn rau muống thế nào để an toàn?

Để hạn chế tối đa rủi ro cho sức khỏe, cách tốt nhất là nên ăn rau muống khi đã được nấu chín. Việc đun nấu ở nhiệt độ cao giúp tiêu diệt các ký sinh trùng và làm giảm đáng kể lượng hóa chất còn tồn dư trong rau.
Ngoài ra, trước khi chế biến, cần ngâm rau với nước muối loãng hoặc nước rửa rau chuyên dụng, sau đó rửa nhiều lần dưới vòi nước chảy. Tuyệt đối không sử dụng những bó rau có mùi lạ, màu sắc bất thường hoặc dấu hiệu nhiễm hóa chất.
Tóm lại, rau muống là thực phẩm bổ dưỡng, nhưng việc ăn sống có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Để bảo vệ bản thân và gia đình, nên chọn mua rau rõ nguồn gốc, sơ chế kỹ lưỡng và luôn ưu tiên chế biến chín trước khi dùng.