35 người tử vong do sốt xuất huyết, tình hình dịch vẫn phức tạp
Số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng trên địa bàn cả nước. Tại Hà Nội, trung bình mỗi tuần ghi nhận 2.400-2.700 ca mắc, hơn 200 ổ dịch đang hoạt động.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong tuần 44 năm 2023, cả nước ghi nhận thêm 7.089 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 1 ca tử vong tại Long An. Số ca mắc sốt xuất huyết tăng 0,05%, số ca nhập viện tăng 0,01% so với tuần trước đó. Tích lũy từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước đã ghi nhận 135.879 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó 35 ca tử vong. Số ca mắc giảm 54,3%, số trường hợp tử vong giảm 105 ca so với cùng kỳ năm 2022.
Riêng tại TP. Hà Nội, tính đến giữa tuần 44, toàn thành phố ghi nhận 28.483 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái) tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 575/579 xã, phường, thị trấn (chiếm 99,3% số xã, phường, thị trấn) và 4 trường hợp tử vong.
Như vậy, Hà Nội vẫn đang ở giai đoạn cao điểm của dịch với số ca bệnh tiếp tục tăng. Trung bình mỗi tuần, Hà Nội ghi nhận từ 2.400-2.700 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022.
Một số quận, huyện của Hà Nội ghi nhận nhiều bệnh nhân, trong đó dẫn đầu là Hà Đông với 1.973 ca, tiếp đến là Hoàng Mai (1.840 ca), Phú Xuyên (1.835 ca), Thanh Oai (1.639 ca), Đống Đa (1.565 ca), Thanh Trì (1.553 ca). Ngoài ra, toàn thành phố ghi nhận 1.661 ổ dịch, hiện còn 231 ổ dịch đang hoạt động tại 28 quận, huyện, thị xã.
Theo dự báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, giai đoạn trong tháng 11 đến giữa tháng 12/2023, dịch xuất huyết có thể vẫn phức tạp. Thời điểm này, mật độ muỗi vẫn phát triển mạnh. Hiện TP. Hà Nội có 231 ổ dịch đang hoạt động.
Theo đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Tổ chức Y tế thế giới dự báo trong năm 2023 và 2024, hiện tượng biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino có thể thúc đẩy muỗi sinh sản, làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền nhiễm. Thời gian tới cũng là cao điểm mùa mưa ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước nên số mắc vẫn có xu hướng tăng nếu không tích cực diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy.
PGS. TS. Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus mang Dengue có trong muỗi vằn lây truyền từ người này sang người khác qua vết cắn của muỗi. Có 4 type huyết thanh là D1, 2, 3 và 4.
Thời gian ủ bệnh của sốt xuất huyết từ 4 - 5 ngày. Diễn biến lâm sàng trải qua 3 giai đoạn: từ ngày thứ 1 đến ngày 3 là giai đoạn sốt, ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 là giai đoạn nguy hiểm, từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 là giai đoạn hồi phục.
Có 2 cơ chế bệnh sinh có thể dẫn đến nguy hiểm. Đầu tiên, virus khi tấn công vào cơ thể sẽ ức chế tủy xương gây hạ tiểu cầu, từ đó sẽ dẫn đến xuất huyết. Thứ hai, virus làm tổn thương thành mao mạch, gây tăng tính thấm làm thoát huyết tương ra khỏi lòng mạch, hậu quả cô đặc máu, từ đó bệnh nhân có thể sốc do giảm thể tích tuần hoàn. Hạ tiểu cầu sau một thời gian thì tiểu cầu sẽ lên, nhưng điều trị sốc giảm thể tích do cô đặc máu rất khó chữa, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong.
Nhiều người chủ quan cho rằng sốt xuất huyết là bình thường, cứ sốt vài ngày sẽ khỏi nên ở nhà, chỉ khi nào thấy xuất huyết mới đi viện. Thực tế có nhiều trường hợp sốt, chưa có biểu hiện xuất huyết nhưng có bị cô đặc máu dẫn đến sốc, lúc này điều trị rất khó khăn thậm chí tử vong.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân khi có biểu hiện sốt, cần đến các cơ sở y tế để xét nghiệm máu chẩn đoán xác định và theo dõi, chỉ định điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa, không tự ý điều trị tại nhà.
- Hà Nội thêm 1 ca tử vong do sốt xuất huyết, đối tượng nào dễ mắc sốt xuất huyết nặng?
- Nguy cơ biến chứng nặng ở người bệnh tiểu đường mắc sốt xuất huyết
- Hà Nội ghi nhận số ca sốt xuất huyết giảm
- Bạn có nên nhịn hắt hơi không?
- Ích lợi của món ăn được coi là "thực phẩm trường thọ" của người Nhật
- Dùng thuốc nam trị sỏi thận, da người phụ nữ dị ứng nặng
- 6 loại vitamin giúp bạn ngăn tình trạng tóc bạc sớm
- Nhỏ thuốc mắt sai cách, bác sĩ chỉ ra sai lầm thường gặp
- Số ca nhiễm HIV tăng mạnh ở các tỉnh miền Nam, phòng tránh bệnh thế nào?