Thứ ba, 24/10/2023, 11:19 (GMT+7)

Hà Nội thêm 1 ca tử vong do sốt xuất huyết, đối tượng nào dễ mắc sốt xuất huyết nặng?

Trường hợp tử vong mới đây tại Hà Nội là nữ bệnh nhân 78 tuổi mắc sốt xuất huyết trên nền nhiều bệnh mạn tính.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần từ ngày 13/10 đến 20/10, trên địa bàn Thành phố Hà Nội ghi nhận 2.766 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng 165 ca so với tuần trước đó). Đáng lưu ý, có 1 trường hợp đã tử vong là nữ bệnh nhân 78 tuổi (ở huyện Đan Phượng) mắc sốt xuất huyết trên nền nhiều bệnh mạn tính như: tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 và từng bị đột quỵ não.

sot xuat huyet Tiepthigiadinh H1
Số ca sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng

Như vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 23.314 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 4 ca tử vong (số mắc tăng 3 lần và số tử vong giảm 5 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 572/579 xã, phường, thị trấn. Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân đứng đầu là Hoàng Mai (1.558 ca), Phú Xuyên  (1.548 ca), Hà Đông (1.533 ca), Thanh Trì (1.309 ca), Đống Đa (1.252 ca), Thanh Oai (1.230 ca), Cầu Giấy (1.224 ca), Nam Từ Liêm (1.162 ca), Thạch Thất (1.068 ca).

Trong tuần qua Hà Nội cũng ghi nhận 113 ổ dịch sốt xuất huyết tại 24 quận, huyện, thị xã, trong đó Đống Đa có 12 ổ dịch; Bắc Từ Liêm (11 ổ dịch); Đông Anh, Thường Tín - mỗi nơi có 9 ổ dịch); Hoàn Kiếm, Hà Đông, Thanh Oai, Hoàng Mai - mỗi nơi 7 ổ dịch; Tây Hồ, Hai Bà Trưng - mỗi nơi 6 ổ dịch; các quận, huyện, thị xã còn lại có từ 1-5 ổ dịch. Tổng số ổ dịch từ đầu năm 2023 đến nay là 1.419. Hiện còn 239 ổ dịch tại 28 quận, huyện, thị xã.

Theo nhận định của CDC Hà Nội, tình hình dịch sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng trong các tuần tới. Do đó, công tác giám sát, phòng chống sốt xuất huyết tiếp tục được tăng cường tại các ổ dịch ở những quận, huyện: Phú Xuyên, Đông Anh, Thanh Oai, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Chương Mỹ.

Những đối tượng mắc sốt xuất huyết dễ trở nặng

Các chuyên gia y tế cho biết, trẻ dưới 1 tuổi, người thừa cân béo phì, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền… là nhóm người dễ bị sốt xuất huyết nặng, dễ dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Theo bác sĩ Phạm Hồng Lâm - Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, việc chăm sóc, điều trị cho phụ nữ mang thai khó khăn hơn người bình thường. Thai phụ phải nhập viện sớm, theo dõi diễn tiến bệnh sát sao để kịp thời phát hiện dấu hiện cảnh báo. Phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết trong lúc sinh, khả năng băng huyết sau sinh rất cao. Thai phụ bị sốt xuất huyết trong thai kỳ có thể khiến trẻ sinh non, nhẹ cân hoặc thậm chí thai nhi chết lưu.

Những người béo phì bị sốt xuất huyết dễ dẫn đến biến chứng nặng do thể trạng mập phì, thuộc nhóm miễn dịch kém hơn người bình thường, đi kèm với các bệnh nội khoa khác như tăng huyết áp. Vấn đề bù dịch trên bệnh nhân mập phì cũng khó tính toán chính xác so với người bình thường, vấn đề thực hiện các thủ thuật điều trị cũng khó khăn hơn. Vì thế, người mập phì nên nhập viện ngay để theo dõi và chủ động hơn trong điều trị.

sot xuat huyet Tiepthigiadinh H2
Trẻ dưới 1 tuổi, người thừa cân béo phì, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền là nhóm người dễ bị sốt xuất huyết nặng

Qua thực tế điều trị, các bác sĩ cho biết, những bệnh nhân có bệnh nền đang dùng thuốc kháng đông máu, có tiền căn viêm dạ dày tá tràng, cơ địa dễ chảy máu, có bệnh lý về huyết học... khi mắc sốt xuất huyết dễ bị rối loạn đông máu, nguy cơ chảy máu cao hơn. Đặc biệt, người đã có vết loét do xuất huyết tiêu hóa có khả năng bị tái chảy máu ồ ạt tại vị trí đó. Bệnh nhân không được cấp cứu, cầm máu kịp thời, có thể sốc mất máu, suy đa tạng và tử vong.

Trẻ em dưới 1 tuổi có hệ miễn dịch yếu, chưa phát triển toàn diện nên khó có thể chống chọi được sự tấn công rầm rộ của virus gây bệnh. Do đó, trẻ mắc sốt xuất huyết dễ sốc, tái sốc và gặp biến chứng nặng, thường gặp là suy đa tạng, suy hô hấp dẫn tới tử vong. Dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ nhũ nhi cũng không rõ ràng, có thể kèm theo triệu chứng của các bệnh lý tiêu hóa, hô hấp như nôn ói, tiêu chảy, hay ho, sổ mũi.... Trẻ dễ bị chẩn đoán nhầm bệnh và điều trị sai hướng. Bên cạnh đó, trẻ chưa nói được các khó chịu của bản thân nên việc phát hiện càng khó hơn…

Đặc biệt, trẻ bị COVID-19 và sốt xuất huyết cũng có nguy cơ trở nặng và tử vong cao hơn. Có hai tình huống xảy ra, một là trẻ nhiễm hai bệnh cùng lúc, hoặc mắc sốt xuất huyết sau khi đã khỏi COVID-19 và đang bị MIS-C (viêm đa hệ thống hậu COVID-19). Lúc này, có thể trẻ sẽ diễn tiến nặng bởi cả hai bệnh, hoặc bởi một bệnh tấn công mạnh hơn.

Cùng chuyên mục