Số ca sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng trở lại, khi nào người bệnh cần truyền tiểu cầu?
Trong tuần qua, Hà Nội tăng thêm 2.590 ca và 107 ổ dịch sốt xuất huyết mới. Số ca sốt xuất huyết tại thủ đô đã tăng trở lại hơn 10 ca so với tuần giảm trước đó.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần vừa qua (từ ngày 27/10 đến 3/11), trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.590 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Như vậy, số ca sốt xuất huyết đã tăng trở lại sau tuần giảm. Cụ thể, trong tuần từ 20/10 đến 27/10, Hà Nội ghi nhận thêm 100 ổ dịch tại 21 quận/huyện/thị xã, giảm 3 ổ dịch so với tuần trước (113 ổ dịch) và 2.579 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã, giảm 187 trường hợp so với tuần trước đó (2.766 ca).
Số mắc mới của tuần qua tập trung nhiều nhất ở Hà Đông (218 ca), sau đó là Thanh Oai (162 ca), Phú Xuyên (149 ca), Đống Đa (143 ca)… Các phường, xã có nhiều bệnh nhân mới được phát hiện gồm: phường Dương Nội (quận Hà Đông) và Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) có trên 30 bệnh nhân; xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) và phường Xuân La (quận Tây Hồ) có 25 bệnh nhân; xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) có 24 bệnh nhân…
Thành phố ghi nhận thêm 107 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại 25 quận, huyện, thị xã, tăng 7 ổ dịch so với tuần trước đó. Các quận huyện có nhiều ổ dịch mới là: Đống Đa, Thanh Trì (12 ổ dịch); Thường Tín (11 ổ dịch); Quốc Oai (8 ổ dịch); Hai Bà Trưng (7 ổ dịch); Bắc Từ Liêm, Hà Đông (6 ổ dịch)…
Từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 28.483 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2022 và 1.661 ổ dịch, hiện còn 231 ổ dịch đang hoạt động.
Trước tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, bác sĩ Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những ngày gần đây rất nhiều bệnh nhân, người quen, đồng nghiệp của ông mắc sốt xuất huyết cầu cứu ông để nhập viện vì lo sợ tiểu cầu tụt thấp, hoặc đề nghị cho truyền tiểu cầu. Theo bác sĩ, trong công thức máu, chỉ số Hematocrit (Hct) mới là quan trọng để phản ánh mức độ cô đặc máu. Nếu Hct tăng thì người bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ thoát huyết tương, cô đặc máu có thể dẫn đến sốc giảm thể tích.
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, nếu qua ngày thứ 5-6 mà không có cô đặc máu, không có chảy máu, thể trạng tỉnh táo thì dù tiểu cầu thấp cũng không cần phải truyền tiểu cầu và có thể được xuất viện, theo dõi tại nhà, tránh quá tải bệnh viện và giảm áp lực cho các Trung tâm huyết học vì không thể đủ lượng tiểu cầu để truyền.
Điều quan trọng nhất để phòng tránh sốt xuất huyết là đảm bảo vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt bọ gậy… Khi kiểm tra dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội, đoàn kiểm tra của Bộ Y tế nhận thấy người dân đã có ý thức hơn trong việc phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn những ổ bọ gậy tồn tại mà người dân không ngờ đến như lọ cắm hoa, vỏ lon bia, vũng nước nhỏ đọng trong nhà…
Do đó, ngành y tế kêu gọi người dân tự triển khai diệt bọ gậy, lăng quăng ngay tại hộ gia đình 10 phút/tuần bằng cách tự kiểm tra trong và ngoài nhà, phát hiện những ổ nước đọng có bọ gậy để xử lý triệt để, sau đó mới tiến hành phun thuốc diệt muỗi trưởng thành.
Ðể diệt muỗi trưởng thành có hiệu quả nên phun thuốc vào buổi sáng. Vì loài muỗi sốt xuất huyết hoạt động vào ban ngày, mạnh nhất vào những giờ đầu buổi sáng và thời gian trước lúc mặt trời lặn. Điều cần lưu ý, các loại thuốc phun diệt côn trùng có thời gian hiệu lực tốt trong 6 tháng kể từ khi phun.
- Hà Nội thêm 1 ca tử vong do sốt xuất huyết, đối tượng nào dễ mắc sốt xuất huyết nặng?
- Nguy cơ biến chứng nặng ở người bệnh tiểu đường mắc sốt xuất huyết
- Hà Nội ghi nhận số ca sốt xuất huyết giảm
- Kiến ba khoang vào mùa, người dân cần lưu ý điều gì?
- Ăn thịt gà hâm lại có gây ung thư không?
- Sơn móng tay nhiều có thể ảnh hưởng đến thần kinh?
- Đi bộ nhiều có thực sự giúp tăng tuổi thọ?
- Phòng chống COVID-19 thế nào khi bệnh này chuyển sang nhóm B?
- Cách tập luyện thể dục hiệu quả dành cho người bận rộn