Kiến ba khoang vào mùa, người dân cần lưu ý điều gì?
Kiến ba khoang xuất hiện nhiều vào thời điểm giao mùa thu đông. Không ít người đã bị kiến ba khoang đốt, có trường hợp nghiêm trọng gây tổn thương lan rộng, lở loét… trên cơ thể.
Kiến ba khoang đốt có nguy hiểm không?
Kiến ba khoang có thể xuất hiện quanh năm, nhưng nhiều nhất vẫn là vào mùa mưa, thời điểm giao mùa hằng năm, vì lúc này chúng cần tìm đến nơi ở khô ráo hơn để sinh sống. Tháng 10 và 11 là thời điểm kiến bà khoang vào mùa sinh sản.
Kiến ba khoang không chủ động cắn hay đốt con người. Nhưng chúng ưa thích ánh đèn nên thường bay vào nhà theo ánh đèn, đậu trên quần áo, giường chiếu, khăn mặt, chăn màn... Nếu không để ý, con người dễ bị nhiễm độc nguy hiểm từ kiến ba khoang bởi chúng là loài săn mồi nên dịch cơ thể chứa độc tố Pederin gây viêm da khi tiếp xúc. Độc tính này mạnh gấp 12 - 15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn.
Biểu hiện khi bị kiến ba khoang đốt
- Viêm da thường xuất hiện ở vùng hở như mặt, cổ, ngực, vai, gáy, tay.
- Tổn thương cơ bản có dạng rát đỏ, thành đám, thành vệt, theo chiều tay quệt, nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục…
- Thương tổn tiếp tục xuất hiện dù không còn sự hiện diện của kiến ba khoang nếu ngứa gãi quệt ra vùng da lành, đặc biệt là các vùng nếp gấp.
- Bệnh nhân có cảm giác rát bỏng tại chỗ, thương tổn trên diện rộng có thể gây sốt nhẹ, nổi hạch lân cận.
Nhiều người thường nhầm lẫn bết kiến ba khoang đốt với bệnh giời leo (Zona) nên nếu không xử lý vết thương kịp thời, tình trạng sẽ chuyển sang viêm loét, có rỉ dịch. Nếu bị những tổn thương diện rộng trên da còn có thể đi kèm các biểu hiện khác như sốt, uể oải, đau nhức cơ thể, nổi hạch...
Làm gì khi bị kiến ba khoang đốt?
Không được để dịch tiết của kiến ba khoang tiếp xúc với cơ thể. Nếu nhìn thấy kiến ba khoang trên người, không nên dùng tay không để đập, mà tốt nhất nên có tờ giấy để kiến ba khoang bò ra giấy, sau đó lấy ra khỏi người.
Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát kiến ba khoang trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý. Tránh đưa tay đã tiếp xúc với kiến chạm vào các vùng da khác bởi trong dịch cơ thể của kiến ba khoang có chứa pederin - một loại chất độc gây rộp, phỏng da, viêm da.
Sau khi làm sạch chỗ tiếp xúc, cần theo dõi và đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, không nên tự điều trị để tránh các biến chứng nặng hơn. Nhiều bệnh nhân đến bệnh viện khi vết thương bị lở loét do điều trị không đúng cách bằng acyclovir. Một số người còn dùng các loại lá cây để đắp, bôi, khiến tổn thương lan rộng hơn.
Cách phòng tránh kiến ba khoang
Hạn chế mở cửa, buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí, nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng... khi thắp đèn vì kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang nên chúng bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn.
Không đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, chú ý khi làm việc dưới ánh đèn vì kiến ba khoang rất hay xuất hiện ở nơi có đèn sáng. Nếu có thể thì bật đèn ban công, hành lang để thu hút kiến ba khoang ra ngoài nhà và diệt.
Thường xuyên vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ, giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng.
Khi đi làm việc trên đồng ruộng, nhất là vào mùa mưa bão, cần dùng phương tiện bảo hộ lao động như: quần áo dài tay, đội mũ/nón, khẩu trang, đi ủng.
- Sơn móng tay nhiều có thể ảnh hưởng đến thần kinh?
- Đi bộ nhiều có thực sự giúp tăng tuổi thọ?
- Phòng chống COVID-19 thế nào khi bệnh này chuyển sang nhóm B?
- Cách tập luyện thể dục hiệu quả dành cho người bận rộn
- Hoại tử ngón tay do đắp thuốc lá chữa mụn nhọt
- Tuổi thọ của bạn là bao nhiêu? Thực hiện ngay bài kiểm tra này để biết kết quả