Thứ sáu, 10/11/2023, 14:51 (GMT+7)

Dùng thuốc nam trị sỏi thận, da người phụ nữ dị ứng nặng

Sau khi được khám miễn phí và mua thuốc nam về uống, một người phụ nữ 60 tuổi xuất hiện các vết đỏ thẫm và tổn thương bọng nước trên da.

Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, thời gian qua đã tiếp nhận nhiều trường hợp dị ứng do uống thuốc nam hoặc thuốc bắc phải vào viện điều trị. Nhiều trường hợp còn bị nặng, tổn thương đến gan, thận. Điển hình là trường hợp của bà N.T.H (60 tuổi, Thái Nguyên). Bà H. vốn khỏe mạnh, không có tiền sử dị ứng thuốc, hàng ngày có thể ra đồng làm việc. Tuy nhiên, sau khi nghe một người mách bảo đi khám bệnh miễn phí tri ân và mua thuốc để trị soi thận với giá 300.000 đồng, da của bà H. xuất hiện những hiện tượng lạ.

Theo đó, uống thuốc được 10 ngày thì da bà H. xuất hiện các tổn thương như: có các vết đỏ thẫm, tổn thương bọng nước, da nhăn nheo, trợt da, hoại tử da rải rác tay chân, thân mình sau đó nhanh chóng lan toàn thân. Đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, bà H được chẩn đoán dị ứng thuốc thể TEN và chỉ định nhập viện điều trị.

di ung
Da của bệnh nhân bị di ứng nặng

TEN (Toxic Epidermal Necrolysis) còn gọi là hoại tử thượng vì nhiễm độc. Đây là một phản ứng nặng của da và niêm mạc do thuốc gây ra. Đặc trưng của TEN là hoại tử lan tỏa và mất thượng bì. Điều đáng lo ngại nhất là những trường hợp dị ứng nặng thì biến chứng sau điều trị còn có thể kéo dài gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo Nhi - Khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em cho biết, các bệnh nhân dị ứng thuốc thể nặng như hội chứng TEN cần được điều trị và theo dõi chặt chẽ tại bệnh viện chuyên khoa, nằm trong phòng riêng cách ly, chăm sóc da đặc biệt để giảm nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc. Nếu không điều trị kịp thời, tổn thương da lan tỏa sẽ gây đau rát, mệt mỏi; tổn thương niêm mạc miệng gây khó khăn trong ăn uống; tổn thương da hoại tử diện rộng gây mất nước, mất dịch qua da và rất dễ nhiễm khuẩn da gây nhiễm khuẩn huyết, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.

Các bác sĩ đã nhiều lần cảnh báo, tại Việt Nam, do thói quen tự ý sử dụng thuốc điều trị, không theo chỉ định của bác sĩ nên tỉ lệ dị ứng thuốc còn cao và nhiều bệnh nhân khi bị dị ứng không biết rõ mình bị dị ứng thuốc gì để phòng tránh. Các loại thuốc nam, thuốc bắc, thuốc đông y (không theo chỉ định của bác sĩ) thường không có thành phần rõ ràng nên khi bị dị ứng sẽ không biết rõ thành phần chính gây dị ứng để phòng tránh.

Để giảm và tránh nguy cơ dị ứng thuốc, người dân không tự ý sử dụng thuốc khi có bệnh, nên đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ khám và kê đơn thuốc điều trị thích hợp. Hết sức cảnh giác trước các lời quảng cáo, chào mời các loại sản phẩm thuốc y học cổ truyền, các thực phẩm chức năng hay các thuốc không đảm bảo về nguồn gốc, không có thông tin đầy đủ rõ ràng về giấy phép được cấp bởi Bộ Y tế.

Một số dấu hiệu nghi ngờ dị ứng thuốc là: khó thở, đau bụng, nổi ban đỏ, sẩn phù, bọng nước... Khi nghi bị ngộ độc hoặc phản ứng bất lợi do một loại sản phẩm thuốc hoặc thực phẩm chức năng, cần giữ lại tất cả các mẫu vật còn lại cùng thông tin liên quan, để chuyển cho các cơ quan chức năng hoặc bệnh viện tuyến cuối kiểm tra, xét nghiệm, xác minh và có biện pháp ngăn chặn ngộ độc xảy ra với người khác.

Cùng chuyên mục