Tiếp Thị Gia Đình

Thứ năm, 09/11/2023, 09:16 (GMT+7)

Người phụ nữ sốc phản vệ sau 5 phút bị kiến đốt

Sau khoảng 5 phút bị kiến đốt, một người phụ nữ ở Tuyên Quang có các triệu chứng vã mồ hôi, tím tái rồi ngất lịm đi. Bệnh nhân nhập viện được chẩn đoán sốc phản vệ mức độ nguy kịch.

Sốc phản vệ sau 5 phút bị kiến đốt

Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang mới tiếp nhận bệnh nhân T.T.T (nữ, 46 tuổi) nhập viện trong tình trạng hôn mê, tím tái toàn thân, sùi bọt mép, tiết nhiều đờm dãi, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, vã mồ hôi, chân tay lạnh toát, thở ngáp. Được biết, trước khi nhập viện khoảng 10 phút, bệnh nhân đang đi làm thì bị kiến xoan đốt vào sườn bên phải. Sau đốt khoảng 5 phút, bệnh nhân có các biểu hiện trên nên được người xung quanh đưa đến bệnh viện cấp cứu.

soc phan ve
Bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện

Ngay khi nhập viện, bệnh nhân được chẩn đoán phản vệ mức độ nguy kịch và được cấp cứu nhanh chóng, điều trị bằng nhiều biện pháp như: Hồi sức tích cực, thải độc và chăm sóc đặc biệt. Sau 10 phút nỗ lực chạy đua với tử thần, huyết áp bệnh nhân dần ổn định, bệnh nhân dần tỉnh, thở theo máy. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân ổn định, tự thở và tỉnh táo hoàn toàn sau 4 ngày điều trị và đã được xuất viện.

Sốc phản vệ do côn trùng đốt là gì?

Có một số loại côn trùng khi đốt người gây ra phản ứng dị ứng như: bọ ve, chấy rận, rệp, ruồi trâu, ong vò vẽ, ong bắp cày, kiến ba khoang và kiến lửa... Việc dị ứng với nọc côn trùng là do sự nhạy cảm với kháng nguyên độc tố. Hệ thống miễn dịch của người bị côn trùng đốt phản ứng quá mạnh với nọc côn trùng và coi những chất này như “tác nhân lạ” gây hại cho cơ thể. Trong quá trình phản ứng với tín hiệu nhầm lẫn, hệ miễn dịch sẽ sản sinh lượng kháng thể IgE nhỏ nhắm vào nọc côn trùng đó. Nhưng ở những lần sau, phản ứng của kháng thể IgE sẽ mạnh và nhanh hơn. Phản ứng IgE này dẫn đến giải phóng Histamin và các hóa chất gây viêm khác, là nguồn cơn của các triệu chứng dị ứng với nọc côn trùng.

soc phan ve
Vết đốt do kiến xoan gây ra cho bệnh nhân T.

Khi bị côn trùng đốt, một số phản ứng nhẹ xảy ra ngay tại chỗ đốt (thường là tay, chân, vùng da hở) như: vết nhỏ như mụn, sưng nhẹ, đau rát, nóng, ngứa… Các phản ứng nặng hơn khi nạn nhân di ứng nọc côn trùng là: khó thở; nuốt khó; phát ban; ngứa xa vết đốt; sưng phù mặt, cổ họng, miệng lưỡi; nôn mửa; bồn chồn; mạch nhanh, tụt huyết áp; sốt nhẹ; sốc phản vệ. Trong đó, sốc phản vệ có thể phản ứng tức thời sau vài giây đến vài phút khi tiếp xúc nọc côn trùng.

Bác sĩ Chẩu Thị Nguyệt, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, những trường hợp phản vệ, nếu không được cấp cứu điều trị kịp thời, người bệnh sẽ có nguy cơ bị co thắt phế quản gây suy hô hấp, phù phổi cấp, giãn toàn bộ hệ thống mao mạch gây trụy mạch dẫn đến tử vong.

Vì vậy, khi cơ thể có dấu hiệu bất thường sau khi tiếp xúc với các dị nguyên như: Kiến đốt, ong đốt, hoặc sau khi ăn các loại thực phẩm, thuốc... cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị.

Cách phòng ngừa dị ứng do côn trùng đốt

- Hạn chế tiếp xúc với môi trường có nhiều côn trùng, tổ côn trùng như gác xép, gò đất, khúc gỗ, tường cũ, tổ ong, bụi cây...

- Phát quang bụi rậm quanh nhà tránh để côn trùng sản sinh, tụ tập làm tổ

- Quan sát kiểm tra kỹ đồ vật trước khi sử dụng để tránh chạm phải côn trùng

- Mặc trang phục kín, giày, vớ khi đến khu vực nông thôn hay rừng cây hoăc khi phải lao động tại môi trường có nhiều côn trùng

- Hạn chế xịt nước hoa hoặc mặc quần áo có màu sáng, vì chúng có xu hướng thu hút các loại côn trùng

- Mắc cửa lưới cho cửa sổ và cửa ra vào để ngăn côn trùng. Hoặc sử dụng thuốc bôi chống côn trùng khi ở bên ngoài

- Cân nhắc tiêm ngừa dị ứng để giảm thiểu sự nhạy cảm với độc tố của nọc côn trùng

- Người có tiền sử dị ứng côn trùng đốt nghiêm trọng cần đảm bảo có người đi cùng nếu bạn đi dạo hoặc thực hiện những hoạt động ngoài trời tại nơi có nhiều cây cỏ, bụi cây. Lưu ý nên mang theo hộp sơ cứu chống dị ứng có thuốc do bác sĩ chỉ định.

Cùng chuyên mục