Thứ sáu, 10/11/2023, 09:40 (GMT+7)

Số ca nhiễm HIV tăng mạnh ở các tỉnh miền Nam, phòng tránh bệnh thế nào?

Theo số liệu thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2023, cả nước có 10.219 ca nhiễm HIV mới được phát hiện và 1.126 người tử vong. Trong đó, 84,4% người nhiễm HIV mới là nam giới.

Số ca nhiễm HIV tăng mạnh

Tại buổi cung cấp thông tin với báo chí về Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 và Ngày thế giới phòng, chống AIDS 1/12, ông Bùi Hoàng Đức - Phó trưởng phòng giám sát và xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã nêu ra một số thông tin quan trọng. Trong 9 tháng đầu năm 2023, cả nước có 10.219 ca nhiễm HIV mới được phát hiện và 1.126 người tử vong. Hiện Việt Nam ước tính có gần 250.000 người nhiễm HIV trên toàn quốc, đã đưa vào quản lý được 231.000 người. Từ khi ca bệnh đầu tiên xuất hiện năm 1990 đến nay, số người tử vong do HIV là 113.698 người.

HIV Tiepthigiadinh H1
Hiện số người nhiễm HIV là nam giới chiếm đến 84,4%

Ca nhiễm phân bổ tập trung ở các tỉnh phía nam, trong đó 60% người nhiễm HIV được phát hiện mới tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, một số địa bàn không được đánh giá là không “trọng điểm” như Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long cũng ghi nhận ca nhiễm HIV tăng liên tục từ năm 2020 đến nay.

Ông Bùi Hoàng Đức cho biết, số lượng ca nhiễm HIV có xu hướng giảm rõ ràng từ năm 2007 tới năm 2019. Tuy nhiên, từ năm 2020, tỉ lệ ca phát hiện mới tăng trở lại. Tỉ lệ lây nhiễm HIV qua đường tình dục tiếp tục tăng, hiện chiếm tới 80% số ca nhiễm mới. Đáng báo động, tình trạng lây nhiễm HIV trong giới trẻ đang gia tăng, 50% ở nhóm tuổi 16-29 và tăng nhanh trong nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới). Kết quả một chương trình giám sát trọng điểm cho thấy tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm này là 13,3%. Điều này có nghĩa là cứ 100 MSM có hành vi nguy cơ thì có hơn 13 người nhiễm HIV.

Về mối liên quan giữa bệnh đậu mùa khỉ và HIV, CDC Mỹ cho biết đậu mùa khỉ có thể rất nặng với một vài người như người có HIV chưa kiểm soát được tình trạng bệnh, hoặc người mắc một số bệnh ngoài da. Do đó, người nhiễm HIV bảo vệ bản thân bằng việc uống thuốc điều trị HIV, tiêm vắc-xin theo chỉ định. Nguy cơ lây truyền đậu mùa khỉ là qua tiếp xúc gần, da kề da là chính. Tuy nhiên, khác với bệnh giang mai và lậu chỉ lây truyền qua đường tình dục thì căn bệnh này có thể lây truyền qua việc đụng chạm vào một nốt phát ban.

Phòng chống lây nhiễm HIV thế nào?

Việt Nam đang tập trung vào 2 hướng để giảm thiểu HIV/AIDS là tạo hàng rào bảo vệ K=K (không phát hiện = không lây truyền” virus HIV) và ngăn chặn HIV ở nhóm MSM. Tuy nhiên, công tác này đang gặp nhiều khó khăn về nguồn lực. Bên cạnh đó, HIV/AIDS đang có diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng nhiễm nhiều nhất ở nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm MSM bởi quần thể này ẩn và rất khó tiếp cận.

Một nghiên cứu mới đây cũng cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm người chuyển giới nữ cũng tăng cao. Theo số liệu năm 2022 ở Hà Nội, tỷ lệ này là 5,8%. Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ này là 16,5% vào năm 2020, trong khi trước đó, năm 2004 chỉ có khoảng 6,8%, sau đó tăng lên 18% vào năm 2016.

Dựa vào đường lây nhiễm HIV/AIDS, các chuyên gia y tế  khuyên người dân thực hiện các biện pháp phòng tránh như sau:

Phòng nhiễm HIV/AIDS lây qua đường tình dục

- Sống lành mạnh, chung thuỷ một vợ một chồng, không quan hệ tình dục bừa bãi.

- Trong trường hợp quan hệ tình dục với một đối tượng chưa rõ có bị nhiễm HIV không, cần phải thực hiện tình dục an toàn để bảo vệ cho bản thân bằng cách sử dụng bao cao su đúng cách.

- Phát hiện sớm và chữa trị kịp thời các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS vì những tổn thương do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục sẽ là cửa vào lý tưởng cho HIV.

HIV Tiepthigiadinh H2
Phòng chống HIV để bảo đảm an toàn cho bản thân và những người xung quanh

Phòng nhiễm HIV/AIDS lây qua đường máu

- Không tiêm chích ma túy.

- Chỉ truyền máu và các chế phẩm máu khi thật cần thiết, và chỉ nhận máu và các chế phẩm máu đã xét nghiệm HIV.

- Chỉ sử dụng bơm kim tiêm vô trùng. Không dùng chung bơm kim tiêm. Sử dụng dụng cụ đã tiệt trùng khi phẫu thuật, xăm, xỏ lỗ, châm cứu,...

- Tránh tiếp xúc trực tiếp với các dịch cơ thể của người nhiễm HIV.

- Dùng riêng đồ dùng cá nhân: dao cạo, bàn chải răng, bấm móng tay,...

Phòng nhiễm HIV/AIDS lây truyền từ mẹ sang con

- Người phụ nữ bị nhiễm HIV thì không nên có thai vì tỷ lệ lây truyền HIV sang con là 30%, nếu đã có thai thì không nên sinh con.

- Trường hợp muốn sinh con, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn về cách phòng lây nhiễm HIV cho con.

- Sau khi đẻ nếu có điều kiện thì nên cho trẻ dùng sữa bò thay thế sữa mẹ.

Cùng chuyên mục