Tiếp Thị Gia Đình

Thứ năm, 01/08/2024, 11:03 (GMT+7)

28 tuổi suýt tử vong vì biến chứng bệnh tiểu đường, cô gái hối hận vì có thói quen mà nhiều người mắc phải

Cô gái không ngờ thói quen uống 1-2 cốc nước ngọt có ga mỗi ngày, ăn nhiều đồ ngọt lại gây nguy hại cho sức khỏe của mình đến vậy.

Cô gái hôn mê sâu vì biến chứng bệnh tiểu đường

Gia đình & Xã hội thông tin, cô gái Phương Miêu (28 tuổi, ở Trung Quốc) đã được gia đình đưa đến bệnh viện do chóng mặt, ngất xỉu sau khi tỉnh dậy. Tại bệnh viện, các bác sĩ đã tiến hành khám và làm các xét nghiệm.

Kết quả cho thấy lượng đường trong máu của cô là 56mmol/L, cao gấp hàng chục lần so với mức bình thường là 3,9-6,1mmol/L. Đồng thời, chỉ số HbA1C là 13,3% (chỉ số giúp phản ánh tình trạng đường huyết trong 2-3 tháng). Bác sĩ cho biết chỉ số này chứng tỏ bệnh nhân đã gặp tình trạng đường huyết tăng cao ít nhất 3 tháng qua.

benh-tieu-duong
Cô gái hôn mê sâu vì biến chứng bệnh tiểu đường (Ảnh minh họa)

Sau khi kiểm tra, bệnh viện chẩn đoán cô bị mắc bệnh tiểu đường loại 2 kèm theo biến chứng hôn mê tăng áp lực thẩm thấu trên nền bệnh đái tháo đường, sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan. Theo bác sĩ, đây là một biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường.

May là sau 3 ngày điều trị và theo dõi, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, tình trạng sức khỏe dần ổn định. Sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân được rút ống nội khí quản. Và sau gần 1 tháng điều trị, bệnh nhân đã hồi phục như bình thường.

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2

Sau khi tìm hiểu, các bác sĩ cho biết, cô gái dù ở tuổi còn trẻ nhưng đã mắc tiểu đường nghiêm trọng là do thói quen thích uống các loại nước có đường, mỗi ngày ít nhất từ 1 - 2 cốc nước ngọt có ga. Đồng thời, bệnh nhân cũng rất thích ăn đồ ngọt.

Phương Miêu mắc bệnh tiểu đường loại 2 mà không hề hay biết. Vì vậy, khi khát, cô luôn muốn uống đồ có vị ngọt. Chính điều này khiến tình trạng của cô ngày càng trầm trọng.

Theo một số nghiên cứu trên thế giới, những người tiêu thụ nhiều hơn 2 lon nước ngọt có ga hoặc đồ uống có đường mỗi ngày sẽ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn 26% so với những người không sử dụng.

Bác sĩ giải thích, nếu sử dụng đồ ăn, thức uống có chứa nhiều đường trong thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng tới quá trình trao đổi chất, làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn chuyển hóa, gây viêm nhiễm. Các yếu tố này đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.

uong-nuoc-ngot
Thói quen uống nước ngọt làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, căn bệnh này có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng như nhiễm toan ceton hoặc hôn mê tăng áp lực thẩm thấu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng.

Sau khi nghe những lời này của bác sĩ, bệnh nhân vô cùng ân hận vì không ngờ thói quen uống nước ngọt hàng ngày lại gây tổn hại đến sức khỏe đến vậy. "May mắn tôi đã thoát chết trong gang tấc. Sau khi xuất viện, tôi không dám uống loại nước này nữa”, cô gái chia sẻ.

Dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh tiểu đường

Đi tiểu liên tục

Khi đường huyết tăng cao bắt buộc thận phải hoạt động liên tục, hết mức để đào thải lượng đường dư thừa ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Do đó, bạn sẽ có xu hướng mất nước và khát. Để làm dịu cơn khát, bạn lại uống nước nhiều hơn. Vì thế mà số lần đi tiểu cũng nhiều hơn.

Mờ mắt

Một trong những triệu chứng của tình trạng đường huyết cao là mờ mắt. Nếu lượng đường trong máu quá cao, chất dịch có thể bị đẩy ra khỏi thủy tinh thể. Điều này thể ảnh hưởng đến tiêu điểm của bạn.

Vết thương lâu lành

Lượng đường trong máu cao sẽ làm chậm quá trình lưu thông máu, điều này có thể làm rối loạn khả năng tự phục hồi của cơ thể. Do đó, nếu gặp phải bất cứ vế thương nào, nhất là ở bàn chân, sẽ mất nhiều thời gian để lành hơn. Bạn cũng dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc nhiễm trùng âm đạo do lưu thông máu kém.

vet-thuong
Vết thương lâu lành do bệnh tiểu đường

Mệt mỏi thường xuyên

Khi lượng đường trong máu cao, glucose trong cơ thể không được sử dụng đúng cách, theo đó các tế bào không có được năng lượng cần thiết cho cơ thể. Điều này gây ra sự mệt mỏi thường xuyên.

Đau đầu

Đường huyết cao có thể gây ảnh hưởng đến hormone quan trọng giúp não bộ hoạt động bình thường. Trong đó có hai loại hormone là epinephrine và norepinephrine có trách nhiệm giúp mạch máu co giãn. Ảnh hưởng của đường huyết tăng lên hai hormone này có thể khiến mạch máu co giãn bất thường, gây rối loạn lưu thông máu nên khiến những cơn đau nhức đầu xuất hiện thường xuyên hơn.

Nhiễm trùng da

Hiện tượng da khô và ngứa là những biểu hiện phổ biến của tình trạng đường huyết tăng cao nguyên nhân vì bạn đi tiểu thường xuyên nên khiến cơ thể bị mất nước và các mô da cũng trở nên khô hơn, gây ra hiện tượng ngứa da và nhiễm trùng da.

Thường xuyên khát nước

Khi lượng đường trong máu cao, thận phải làm việc nhiều hơn để lọc đường thừa. Mà đường sẽ được loại bỏ theo nước tiểu, cùng với các chất lỏng khác trong cơ thể. Điều này làm cho bạn cảm thấy mất nước và khát nước liên tục.

Bệnh tiểu đường nên kiêng gì?

Theo Gia Đình Việt Nam, để quá trình điều trị bệnh tiểu đường đạt kết quả tốt nhất, người bệnh cần hạn chế các loại thực phẩm sau:

- Hạn chế ăn gạo trắng, bánh mì, miến, bột sắn dây, các loại củ nướng.

- Hạn chế các thực phẩm chứa chất béo bão hòa, nhiều cholesterol gây nguy cơ tăng bệnh tim mạch, không tốt cho sức khỏe nói chung và người bệnh tiểu đường nói riêng.

- Hạn chế tối đa các loại hoa quả sấy khô, mứt hoa quả… bởi loại này chứa một lượng đường rất cao, không hề tốt cho sức khỏe người bệnh.

- Người bệnh tiểu đường không nên ăn thịt lợn mỡ, phủ tạng động vật, da của gia cầm, dầu dừa, các loại bánh kẹo ngọt, mứt, sirô hay các loại nước có ga…

Cùng chuyên mục