Thứ sáu, 20/12/2024, 11:40 (GMT+7)

6 xu hướng Digital Marketing 2025 giúp thương hiệu thay đổi cục diện kinh doanh, tăng cường gắn kết với khách hàng

Doanh nghiệp cần nắm bắt được những xu hướng Digital Marketing (Tiếp thị kỹ thuật số) mới để duy trì lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững trong tương lai.

Digital Marketing được dự đoán sẽ có những biến chuyển mạnh mẽ trong năm 2025. Điều này được lý giải bởi sự tiến bộ của công nghệ, thay đổi trong hành vi người tiêu dùng và nhu cầu cá nhân hóa ngày càng cao.

Deepak Bansal, Giám đốc Tiếp thị Kỹ thuật số tại Atihsi LLC đã gợi ý 6 xu hướng Digital Marketing sẽ tiếp tục áp đảo trong năm 2025:

Trí tuệ nhân tạo và máy học tiếp tục bùng nổ

Trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (ML) đang dần thay đổi cách thức Digital Marketing hoạt động. Chúng không chỉ giúp phân tích dữ liệu khách hàng mà còn hỗ trợ sáng tạo nội dung và tối ưu hóa chiến lược tiếp thị. Theo McKinsey, các công ty áp dụng AI trong tiếp thị có thể tăng trưởng doanh thu lên đến 20% và giảm chi phí tới 30% chỉ trong vài năm.

Các công cụ AI như chatbot và trợ lý ảo đang ngày càng thông minh và đa năng hơn. Dự báo trong tương lai, trí tuệ nhân tạo sẽ trở thành yếu tố quan trọng trong việc cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng, nâng cao hiệu suất và xây dựng mối quan hệ lâu dài với người tiêu dùng.

1
Trí tuệ nhân tạo và máy học sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2025 (Ảnh: Sưu tầm)

Để bắt kịp xu hướng này, đội ngũ tiếp thị nên tìm hiểu và sử dụng các công cụ AI như Jasper hay ChatGPT, đặc biệt là trong việc phân khúc khách hàng và cá nhân hóa nội dung.

Tối ưu hóa tìm kiếm bằng giọng nói

Tìm kiếm bằng giọng nói đang trở thành phương thức phổ biến để người dùng tìm kiếm thông tin, nổi bật từ các loa thông minh như Alexa, Google Home và Siri. 

Khác với SEO truyền thống, tìm kiếm bằng giọng nói đòi hỏi các doanh nghiệp tối ưu hóa nội dung với các từ khóa dài và câu hỏi tự nhiên, ví như "Quán cà phê nào ngon gần tôi?" thay vì "quán cà phê ABC…". Đây là cơ hội để các thương hiệu gia tăng khả năng tiếp cận khách hàng qua các câu hỏi thông dụng.

AR và VR tiếp tục nâng cao trải nghiệm mua sắm

Thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR) đang thay đổi cách người tiêu dùng trải nghiệm sản phẩm. Không chỉ trong ngành game, các ngành bán lẻ cũng đã áp dụng công nghệ này để mang đến trải nghiệm mua sắm ảo cho khách hàng. Ví như, IKEA cho phép người dùng xem đồ nội thất trong không gian sống thông qua AR, hay Sephora mang đến trải nghiệm trang điểm ảo…

2
Sephora mang đến trải nghiệm trang điểm ảo cho người dùng (Ảnh: Sưu tầm)

Nghiên cứu của PwC cho thấy, có 51% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho sản phẩm nếu họ có thể trải nghiệm chúng qua AR hoặc VR. Điều này chính là cơ hội để các thương hiệu đầu tư vào công nghệ, tạo ra những trải nghiệm mua sắm tuyệt vời và gia tăng sự gắn kết với khách hàng.

Video là vũ khí sắc bén trong tiếp thị kỹ thuật số

Nội dung video đã khẳng định mình là công cụ mạnh mẽ để thu hút và tương tác với khách hàng. Các nền tảng video như YouTube, TikTok và Instagram Reels đang trở thành các công cụ quan trọng giúp thương hiệu xây dựng mối quan hệ với người tiêu dùng. Theo báo cáo của HubSpot, có đến 85% người tiêu dùng mong muốn xem nhiều video hơn từ các thương hiệu.

Video ngắn và phát trực tiếp đang là xu hướng chính, giúp thương hiệu kết nối với khách hàng theo thời gian thực. Ngoài ra, các tính năng tương tác trên các nền tảng như TikTok hay Instagram Reels cũng đang được tận dụng tối đa để gia tăng sự gắn kết và chuyển đổi.

Trải nghiệm cá nhân hóa không thể thiếu

Cá nhân hóa tiếp tục là yếu tố then chốt trong việc xây dựng trải nghiệm người dùng. 

Một báo cáo từ Epsilon cho thấy, 80% người tiêu dùng chỉ mua hàng từ các thương hiệu cung cấp trải nghiệm cá nhân hóa. Đến năm 2025, cá nhân hóa sẽ không chỉ dừng lại ở việc đề xuất sản phẩm mà sẽ mở rộng cả cung cấp các nội dung được tùy chỉnh hoàn toàn dựa trên hành vi và sở thích của khách hàng.

Các nền tảng như HubSpot và Marketo giúp các doanh nghiệp thực hiện cá nhân hóa sâu sắc hơn, tăng cường sự hài lòng của khách hàng và cải thiện tỷ lệ chuyển đổi.

3
Người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn trải nghiệm mua sắm cá nhân hóa (Ảnh: Sưu tầm)

Mạng xã hội kết hợp thương mại điện tử

Sự kết hợp giữa mạng xã hội và thương mại điện tử (social commerce) đang dần là xu hướng chủ đạo. Các nền tảng như Instagram, Facebook và Pinterest hiện đã tích hợp tính năng mua sắm ngay trong ứng dụng, tạo trải nghiệm mua sắm mượt mà, thuận tiện.

Theo eMarketer, doanh thu từ thương mại xã hội toàn cầu dự kiến sẽ đạt gần 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2025, chiếm khoảng 17% tổng doanh thu thương mại điện tử. Việc tối ưu hóa các bài đăng có thể mua sắm và hợp tác với các influencer sẽ giúp các thương hiệu gia tăng hiệu quả chiến lược marketing của mình.

Cùng chuyên mục