Vợ chồng ở xa nhau – giữ lửa thế nào khi khoảng cách là cả trăm cây số?
Chúng tôi kết hôn được ba năm. Một năm đầu ở chung, hai năm sau ở xa. Chồng tôi đi công tác dài hạn ở tỉnh, một tuần chỉ về nhà một lần, có khi hai tuần mới ghé qua. Người ngoài nhìn vào hay hỏi đùa: “Sống kiểu vậy có khác gì yêu xa?” – Tôi chỉ cười. Vì đúng là như yêu xa thật, chỉ khác là đã mang danh vợ chồng.
Chồng tôi không tệ, chỉ là... vô tâm quá lâu
“Chồng tôi chẳng còn nói lời yêu” – và tôi đã học cách yêu lại chính mình
Ở cữ dưới “cái bóng” mẹ chồng: Mỗi bữa cơm, một lần muốn khóc
Ban đầu, tôi cũng hoang mang. Từ chỗ ngày nào cũng nhìn thấy nhau, ăn cùng nhau, đi ngủ cùng nhau… giờ bỗng phải “hẹn nhau qua màn hình điện thoại”. Những cuộc gọi Facetime vội vã lúc đứa nhỏ ngủ say. Những lần tôi giận vì chồng lỡ hứa mà không gọi đúng giờ. Và có cả những lúc thấy chạnh lòng khi đi ăn cưới bạn bè, người ta tay trong tay, còn mình lủi thủi một mình.
Nhưng rồi tôi hiểu, khoảng cách không giết chết tình cảm – vô tâm mới là điều đáng sợ nhất.
Chồng tôi dậy sớm hơn tôi, nhưng sáng nào cũng nhắn tin: “Vợ dậy chưa, hôm nay nhớ ăn sáng nhé. ”Tôi biết chồng bận, nên ít khi gọi dài, nhưng lúc nào cũng tranh thủ gửi cho anh vài tấm ảnh của con, vài dòng kể linh tinh về một ngày của hai mẹ con. Chuyện nhỏ thôi – như con bị té xước đầu gối, hay hôm nay tôi nấu món canh anh thích… Những điều tưởng vu vơ đó, lại chính là sợi dây giữ hai người gần nhau hơn.

Thật ra, giữ lửa không cần điều gì to tát. Chỉ cần khi về, chồng vẫn nhớ mua hộp sữa cho con. Tôi vẫn để dành cho anh phần cơm nóng, canh còn ấm. Có lần anh đi công tác về trễ, tôi nhắn: “Có đồ ăn trong nồi. Đừng ăn mì gói nữa.”Anh trả lời: “Được vợ nấu, dù nguội cũng ngon.”
Những câu nói như vậy, không làm tim rung rinh kiểu mối tình đầu, nhưng làm lòng thấy ấm.
Ở xa, dễ lắm để mỗi người sống một nhịp, rồi dần thấy… không còn cần nhau như trước. Nhưng nếu mỗi ngày đều nghĩ về nhau một chút, gửi nhau một câu hỏi thăm, một lời động viên, một lần lắng nghe – thì dù có cách nhau vài trăm cây số, vẫn thấy gần như cùng chung mái nhà.
Hôn nhân vốn không phải lúc nào cũng được đi cùng nhau trên một con đường bằng phẳng. Có những lúc phải rẽ nhánh, tạm xa. Nhưng điều quan trọng là vẫn đi về cùng một hướng.