Tiếp Thị Gia Đình

Thứ sáu, 28/06/2024, 05:27 (GMT+7)

Vi phạm an toàn thực phẩm và trong hành nghề y, dược, 19 cơ sở, doanh nghiệp bị xử phạt

15 cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập và 4 cơ sở thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn TP Hà Nội vừa bị xử phạt 269 triệu đồng. Đáng chú ý, có 2 cơ sở bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong thời gian 2 tháng.

15 cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập bị xử phạt 221 triệu đồng

Cổng thông tin điện tử Sở Y tế Hà Nội thông tin, từ ngày 11/6 - 21/6, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 19 cơ sở hành nghề y, dược, an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, trong đó, có 15 cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập và 4 cơ sở thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Tổng số tiền xử phạt là 269 triệu đồng, trong đó các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân bị xử phạt 221 triệu đồng và các cơ sở thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm là 48 triệu đồng.

luugiuthuoc
Trong số 19 cơ sở, doanh nghiệp vi phạm an toàn thực phẩm và hành nghề y dược bị xử phạt, có 6 doanh nghiệp bị phạt do không lưu giữ chứng từ, tài liệu liên quan đến lô thuốc trong thời gian phải lưu giữ theo quy định.

Cụ thể, với lỗi người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở bán lẻ thuốc vắng mặt trong thời gian hoạt động của cơ sở dược, nhà thuốc Nam Khánh (số nhà 41 ngõ 83 Tư Đình, phường Long Biên, quận Long Biên) bị xử phạt 4 triệu đồng.

Công ty TNHH đầu tư và thương mại Khang Vinh (số 12, ngõ 332 Hoàng Công Chất, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) bị xử phạt 5 triệu đồng do buôn bán hàng hóa có nhãn không ghi đủ và ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng. Đồng thời, đơn vị này còn bị buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông; buộc thu hồi và tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm.

Bên cạnh đó, quầy thuốc Trường Trinh (thôn 2, xã Thạch Đà, huyện Mê Linh) và nhà thuốc Vinapharma số 6 (kiot số 3 tầng 1 số 95 Láng Hạ (mượn mặt bằng), phường Láng Hạ, quận Đống Đa) cùng bị xử phạt mức 7,5 triệu đồng do không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc theo quy định của pháp luật.

Tiếp đó, hộ kinh doanh nha khoa Hưng Chiến (số 8, ngõ 106, đường Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) bị xử phạt 9,5 triệu đồng và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong thời gian 2 tháng. Tại thời đểm kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội xác định, người hành nghề chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở nha khoa Hưng Chiến không có mặt tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian cơ sở đăng ký hoạt động mà không ủy quyền cho người khác theo quy định. Ngoài ra, cơ sở không báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp thay đổi người hành nghề theo quy định của pháp luật.

Tương tự, không lưu giữ chứng từ, tài liệu liên quan đến lô thuốc trong thời gian phải lưu giữ theo quy định của pháp luật 6 doanh nghiệp bị xử phạt hành chính cùng mức 15 triệu đồng/doanh nghiệp. Đó là: Công ty TNHH thương mại Dược phẩm Khánh Huy (số 12 ngõ 94 Đại Từ, tổ 41, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai); Công ty TNHH thương mại Dược phẩm Hoàng Nguyên (số 23 ngách 144, ngõ 354 Trường Chinh, phường Khương Thượng, quận Đống Đa); Công ty TNHH Thương mại và Dược phẩm Tân Cương (số 10 tổ 25 ngách 58/45 Trần Bình, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy); Công ty CP Bệnh viện đa khoa Sun Medical Việt Nam (tầng 1, toà nhà Times Tower số 35 đường Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân); Công ty TNHH thương mại Dược phẩm Nam Giang (lô đất 05-NV2 khu nhà ở Đại Mỗ, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm); Công ty CP Dược phẩm Vinh Nguyên (số 15, lô 8 khu đô thị Mỗ Lao, phường Mộ Lao, quận Hà Đông).

Cũng bị xử phạt 15 triệu đồng, tuy nhiên Công ty TNHH DP ESVN (phố Nghĩa Đô, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) mắc lỗi quảng cáo mỹ phẩm có nội dung không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định và buộc phải cải chính thông tin quảng cáo không đúng; tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo không đúng sự thật.

Hay, ông Hà Văn Lĩnh (20 Lô 9, Đền Lừ 1, tổ 28 phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) mắc lỗi kê vào đơn thuốc các sản phẩm không được kê đơn theo quy định của pháp luật. Ông Lĩnh cũng bị xử phạt 15 triệu đồng và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong thời gian 2 tháng.

Ngoài ra, ông Đặng Văn Định (số 143 Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân) bị xử phạt 22,5 triệu đồng do quảng cáo dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định; đồng thời, buộc ông Định phải tháo gỡ, xóa bỏ nội dung quảng cáo vi phạm.

Cùng mắc lỗi tương tự như trên, Công ty cổ CP Y tế Minh Viên (số nhà 69, thôn Phố Thú Y, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức) bị xử phạt 45 triệu đồng và cũng buộc phải tháo gỡ, xóa bỏ nội dung quảng cáo vi phạm.

Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Công ty TNHH Dịch vụ Quốc tế Gold Star Vina (số 58, ngách 129/1, ngõ 129 đường Đại Linh, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) bị xử phạt 32 triệu đồng do lỗi cống rãnh thoát nước thải khu vực nhà bếp không được che kín; nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không đảm bảo ngăn ngừa ô nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến trong bố trí bếp ăn; thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn.

contrung
Vi phạm an toàn thực phẩm và hành nghề y, dược, 19 cơ sở, doanh nghiệp bị xử phạt. Ảnh minh họa.

Công ty TNHH thương mại và dịch vụ thực phẩm Ăn ngon (số 1 tập thể vật tư Du lịch, Hoàng Liệt, Hoàng Mai) và Công ty CP đầu tư thương mại dịch vụ tổng hợp Tây Hồ (tầng 6, tòa nhà 174 Thái Hà, Trung Liệt, Đống Đa) bị xử phạt 4 triệu đồng do nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập. Công ty CP sản xuất và thương mại Sông Đuống (thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh) bị xử phạt 8 triệu đồng do để cống rãnh thoát nước thải khu vực nhà bếp không được che kín.

Nhãn hàng hóa không thể hiện đầy đủ các nội dung bắt buộc xử lý thế nào?

Liên quan tới nhãn hàng hóa, theo quy định tại Khoản 3, Điều 7, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định: “Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đầy đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc”.

Bên cạnh đó, tại Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP) cũng quy định rõ, nhãn hàng hóa của các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt: Tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa. Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này; các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 111/2021/NĐ-CP và quy định pháp luật liên quan.

Theo khoản 1 Điều 31 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa (được sửa đổi bởi Khoản 48 Điều 2 Nghị định số 126/2021/NĐ-CP) quy định về vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa như sau:

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 5 triệu đồng, trừ trường hợp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đã có nhãn gốc nhưng không đọc được các nội dung trên nhãn theo quy định pháp luật mà các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa không khắc phục được, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đã có nhãn gốc nhưng chưa có nhãn phụ khi làm thủ tục thông quan: 

Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa có nhãn (kể cả nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa; nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng trở lên được quy định, mức phạt tiền tối đa đến 30 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.

Cùng đó, sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 31 như sau: Mức phạt tiền đối với hành vi kinh doanh hàng hóa theo quy định phải có nhãn hàng hóa mà không có nhãn hàng hóa; không có nhãn gốc hoặc có nhãn gốc nhưng ghi không đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa, hoặc bị thay đổi được quy định, mức phạt tiền tối đa đến 60 triệu đồng, tùy vào giá trị hàng hóa vi phạm. Phạt tiền gấp 2 lần mức tiền phạt quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g và h khoản này trong trường hợp hàng hóa vi phạm là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thực phẩm chức năng.

Quảng cáo dịch vụ thiếu giấy phép quảng cáo, chế tài xử phạt ra sao?

Theo khoản 12 Điều 2 Luật Quảng cáo 2012, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường, đơn cử như: thuốc, mỹ phẩm, sữa, thực phẩm, phụ gia thực phẩm…

Trong khi đó, khoản 1 Điều 12 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định số 123/2018/NĐ-CP) quy định, các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt cần phải được cấp phép giấy xác nhận nội dung quảng cáo bao gồm thuốc; mỹ phẩm; thực phẩm, phụ gia thực phẩm; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế; trang thiết bị y tế; sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ; dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật, vật tư bảo vệ thực vật, sinh vật có ích dùng trong bảo vệ thực vật, thuốc thú y, vật tư thú y; phân bón, chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi, giống cây trồng, giống vật nuôi.

Về hình thức xử phạt, theo Điều 49 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP, vi phạm các quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt sẽ bị phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.

Cùng đó, tổ chức, cá nhận vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ 1 - 3 tháng nếu quảng cáo thuốc, quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm, quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà vi phạm 2 lần trở lên trong thời hạn 6 tháng; và buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc buộc thu hồi xuất bản phẩm, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định nêu trên.

Lưu ý, tất cả mức phạt vi phạm hành chính nêu trên áp dụng đối với cá nhân, mức phạt với tổ chức gấp 2 lần mức phạt với cá nhân (khoản 2, 3 Điều 5 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định số 128/2022/NĐ-CP).

Cùng chuyên mục