Tư vấn chọn nghề phù hợp nhất cho con
Chọn nghề luôn là một điều rất quan trọng và ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai của mỗi người. Nhưng để giúp con khám phá bản thân, định hướng nghề nghiệp một cách đúng đắn, cha mẹ cần làm gì?
Chia sẻ gần đây về quan điểm chọn nghề chị chia các nghề nghiệp, công việc thành 03 nhóm việc: một là ngành nghề phục vụ mọi thứ liên quan đến con người, hai là nhóm ngành kinh tế, kinh doanh, tiền và ba là ngành nghề giúp định hướng, thay đổi nhận thức, hành vi con người.
Chị định hướng công việc cho các con dựa trên 3 nhóm này và cho con CHỈ được phép làm việc ở nhóm 3. Theo quan điểm của chị, nếu chọn nghề giáo viên, tức là nhóm 3, nhưng nếu con bảo con làm nghề giáo viên vì kiếm được nhiều tiền do dạy thêm hay do kiếm được nhiều dự án… thì tức là rơi vào nhóm 2 thì không được. Kết quả là chị hướng con chọn nghề Luật vì cho rằng nó thuộc nhóm 3.
Quan điểm của người mẹ đó rất rõ ràng, tuy nhiên quan điểm này cũng cần được bàn thêm. Trước hết, phải khẳng định rằng không có nghề nào là không tốt, chỉ có cách nhìn không tốt về nghề, nghề đó thỏa mãn được mong muốn của bản thân hay không được như kỳ vọng mà thôi. Vậy phải làm sao để sau khi chọn trường đại học, chọn nghề con trẻ và bản thân các phụ huynh không phải ân hận? Việc chọn nghề có thể dựa vào một số tiêu chí sau đây:
1. Chọn nghề phù hợp với năng lực, sở trường của con
Hơn ai hết, bố mẹ sẽ hiểu con mình, sở trường, sở đoản ra sao. Việc nuôi con từ tấm bé đến khi 17 tuổi là một thời gian dài, bố mẹ có thể quan sát được năng lực, khả năng thích nghi, xu hướng của con mình để cùng con chọn nghề phù hợp nhất. Ngoài ra, bố mẹ có thể tham khảo thêm các kênh như sinh trắc vân tay, thần số học hay tử vi, cộng với những nhận định về năng lực của con để chọn trường cho phù hợp.
2. Chọn nghề phù hợp với mong muốn, ước mơ của con
Nếu bố mẹ quan sát, nhận định và qua các kênh tham khảo nghĩ rằng con nên học ngành này nhưng con lại có mong muốn và mơ ước khác thì khoan hãy phản đối con. Trước hết cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con, sau đó phân tích cho con ưu, nhược, trách nhiệm của cá nhân đối với gia đình, sứ mệnh của mỗi con người là gì. Từ đó để con có thời gian bình tĩnh suy ngẫm và lựa chọn. Nếu con có góc nhìn như bố mẹ tư vấn thì tốt, nếu con có góc nhìn khác với bố mẹ thì cũng cho rằng đó là một việc rất bình thường. Bố mẹ sẽ có một vài điều kiện để cho con được thử mong muốn của mình nếu như con không thực hiện được các điều kiện đó hoặc tự nhận ra con không phù hợp thì con sẽ làm lại chứ không nên áp đặt ước mơ cho con.
3. Chọn nghề phù hợp với điều kiện của gia đình
Các con ở quê mà có hoàn cảnh khó khăn không nên chọn những ngành nghề đào tạo có mức học phí cao hoặc khi học phải mua nhiều học liệu. Điều đó không có nghĩa các con bị hạn chế quyền thực hiện ước mơ của mình mà các con có thể đi đường vòng, sẽ học một trường phù hợp với gia đình mình trước, các con sẽ đi làm lấy tiền song song với việc học nghề mình mong muốn dạng văn bằng 2. Ngoài ra, hiện nay sự phát triển khoa học, công nghệ thông tin, các con hoàn toàn có thể tham gia các khóa học online để giảm chi phí học tập cũng như thỏa mãn được đam mê của mình. Vẫn là câu chuyện liệu cơm gắp mắm với những điều kiện hiện hữu và ý chí của các con hiện nay thì nên chọn nghề nào phù hợp hơn là nghề yêu thích.
Các con có mong muốn học nghề này mà bố mẹ muốn học nghề khác có thể chọn các trường có nhiều khoa để học song song hai văn bằng. Qua quá trình học các con sẽ nhận ra mình phù hợp với ngành nào và thông thường các ngành này cũng bổ trợ cho nhau, thuận lợi cho việc học và làm việc sau này.
4. Chọn nghề phù hợp với xu thế phát triển của xã hội
Xu thế phát triển của xã hội không đồng nhất với những ngành nghề được xem là “hot” tại thời điểm các con chọn lựa. Xu hướng phát triển của xã hội hiện nay là công nghệ số, do đó, các ngành nghề liên quan đến công nghệ thông tin sẽ được ưa chuộng. Tuy nhiên, nếu các con đều học công nghệ thông tin thì mức độ cạnh tranh khi vào trường lớn, khi ra trường làm việc càng lớn.
Vì vậy, bố mẹ và các con có thể tham khảo thêm các tiêu chí nêu trên và chọn các ngành nghề liên quan, bổ trợ ví dụ như marketing, losgistics, luật sư, nhân sự... Bên cạnh đó, các con có thể nghĩ đến những ngành có thể làm được nhiều nghề, ví dụ như ngành luật, có thể làm luật sư hoặc các chức danh tư pháp khác: công chứng, thừa phát lại, quản tài viên hoặc làm nhân sự hoặc làm văn phòng hoặc làm báo... Giữa một độ tuổi hừng hực khí thế, giữa một xã hội đang phát triển thay đổi từng ngày, không nói trước được điều gì nhưng những gì chúng ta cân nhắc cũng giúp phần nào việc định hướng và có lựa chọn phù hợp.
Cha mẹ có thể căn cứ các tiêu chí trên để chọn nghề cho con. Những tiêu chí này cũng cần được xếp thứ tự ưu tiên và linh hoạt trong từng trường hợp cụ thể. Vì vậy, chỉ bố mẹ và các con mới biết trường nào, ngành nào là phù hợp. Tuy nhiên, hơn hết bài viết này mong muốn bố mẹ chỉ đóng vai trò tư vấn trong việc chọn nghề mà hãy để con mình tự quyết định và thực hiện nó như một thử thách đầu tiên sau 18 tuổi. Có thể thuận lợi, có thể khó khăn nhưng không có đúng và có sai, chỉ là sự phù hợp mà thôi. Dù làm việc gì các con cũng thấy lòng phơi phới, muốn lao động hết mình, muốn thành tựu mới là điều quan trọng nhất.
Cảm giác hạnh phúc khi làm việc mới là điều quan trọng nhất cho đến sau này, níu giữ, gắn bó các con với nghề và các con cũng nhận ra rằng chẳng thể có hạnh phúc nếu thiếu tiền, nghèo đói. Cuộc đời các con chỉ có thể là các con chịu trách nhiệm, bố mẹ có thể tư vấn, hỗ trợ nhưng không thể làm thay nên việc chọn nghề như việc bắt đầu thực hiện một cam kết, một mong muốn, một giao dịch. Hãy để con mình chủ động chọn lựa và thực hiện với trách nhiệm và sự tin tưởng.